Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải cho biết thiết bị giám sát hành trình có thể bị vô hiệu hóa khi cước 3G tăng, gây khó khăn cho các tài xế.
Thiết bị giám sát hành trình trên xe tải có gắn sim 3G truyền dữ liệu trực tiếp về hệ thống máy chủ. Ảnh minh họa: H.C |
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp vận tải đều phải lắp đặt trên xe thiết bị giám sát hành trình (gắn sim 3G truyền dữ liệu về máy chủ) để báo cáo tình hình hoạt động cho các Sở Giao thông Vận tải và Tổng cục đường bộ.
Ngày 25/10, ông Đỗ Xuân Hoa - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô, từ hôm 16/10, khi nhà mạng lên giá và thay đổi cách tính cước thì các thiết bị này nhanh chóng hết tiền và bị vô hiệu hóa.
Theo Hiệp hội Vận tải ôtô, trong khi các thiết bị công nghệ khác như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng... truyền dữ liệu lớn và sử dụng băng thông cao, thì các thiết bị giám sát hành trình có đặc điểm là truyền tín hiệu với tốc độ khoảng 50 - 60 giây một bản tin. Vì truyền dữ liệu với tốc độ thấp nên hầu hết các thiết bị giám sát hành trình đều sử dụng các gói laptop40, Mi10, laptop Easy của Viettel với mức cước từ 10.000 - 40.000 đồng/tháng.
Đến ngày 16/10, nhà mạng Viettel điều chỉnh tăng giá cước 3G tăng từ 60 đồng một MB lên thành 200 đồng một MB với thuê bao Dcom, đối với gói Mi tăng từ 2,5 đồng trên 10KB thành 25 đồng trên 50KB, đồng thời điều chỉnh block tính cước: 50KB+50KB thay cho 10KB+10KB như trước.
"Chính điều này đã làm thiết bị giám sát hành trình nhanh chóng hết tiền, vô hiệu hóa. Tính đến ngày 21/10 đã có hàng chục nghìn thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu do không thể truyền dữ liệu theo quy định. Nếu việc này cứ tiếp diễn, các lái xe sẽ có thể bị xử phạt vì thiết bị giám sát hành trình không hoạt động" - Văn bản của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu.
Trước tình trạng này, Hiệp hội Vận tải ôtô kiến nghị Viettel hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong thời điểm khó khăn hiện nay bằng cách giữ nguyên cách tính cước như trước đây cho các thiết bị giám sát hành trình.