Năm 1995, một học viện ở tỉnh Hồ Nam thành lập chuyên ngành Linh cữu và Mai táng hiện đại. Trong hơn 20 năm qua, trường đã đào tạo và đưa gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp vào các doanh nghiệp có dịch vụ Tang lễ.
“Mỗi sinh viên của chúng tôi có thể nhận được 3 đến 4 vị trí công tác sau khi tốt nghiệp, thực sự là cung không đủ cầu”, ông Tô Lập Huy, Phó bí thư chi bộ Đảng khoa Tang lễ của trường chia sẻ với phóng viên Chinanews.
Được biết, hiện tại có khoảng 5 trường Đại học ở Trung Quốc đào tạo chuyên ngành này theo bậc đại học ở Hồ Nam, Bắc Kinh, Vũ Hán, Trùng Khánh và An Huy.
Sau kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2020 của Trung Quốc, ngành học này được xếp trong tốp 5 ngành học có điểm xét tuyển thấp nhưng sinh viên ra trường lại rất được "chuộng".
Các khóa học chính về công nghệ chống phân huỷ, giải phẫu, làm đẹp hiện đại, nghi thức linh cữu và mai táng, tiếp thị dịch vụ tang lễ, tâm lý học tang lễ...
Các sinh viên được yêu cầu rèn luyện và trau dồi về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ, sức khỏe tâm thần, nắm vững lý thuyết chuyên môn về các dịch vụ tang lễ cần thiết cho công nghệ và quản lý tang lễ hiện đại. Bên cạnh đó, làm quen với các kỹ năng cơ bản của công việc thực tế như dịch vụ tang lễ.
Không phổ biến nhưng rất "hot"
Chuyên ngành Linh cữu và Mai táng là một trong những ngành nghề không mấy phổ biến. Trong mắt hầu hết mọi người, nghề này rất bí ẩn, thậm chí đáng sợ nên ít người quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp của chuyên ngành này rất cao, một số sinh viên mới tốt nghiệp có thể dễ dàng đạt được mức lương trên 10.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 35 triệu đồng).
Bạch Thư Hàng, một thanh niên đến từ vùng Đông Bắc (sinh năm 1995) đã chọn chuyên ngành Linh cữu và Mai táng vì tỷ lệ việc làm cao. Năm 2015, trong kỳ thi tay nghề toàn quốc, anh đã đạt giải nhì “Phẫu thuật thẩm mỹ thi thể” vì tay nghề giỏi. Sau khi tốt nghiệp, anh trở thành nhân viên nghiệp vụ của Nhà tang lễ tại Cửu Giang, Giang Tây.
“Được chi trả tiền ăn tiền nhà, lương hàng tháng lúc đó vào khoảng hơn 4.000 nhân dân tệ, cao hơn mức lương trung bình của địa phương, lại có nhiều thời gian cá nhân” - Bạch Thư Hàng chia sẻ những đãi ngộ mà mình nhận được khu vừa tốt nghiệp và cho biết rất hài lòng với công việc hiện tại.
Anh chia sẻ thêm, trong số các sinh viên tốt nghiệp năm đó, nhiều người đã đi làm ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, thậm chí ra nước ngoài như Malaysia, Hồng Kông, Ma Cao để làm việc.
"Thực ra, nếu chúng tôi là dân chuyên nghiệp và đi làm ở thành phố lớn, lương tháng hơn một vạn là rất dễ dàng, nhưng công việc sẽ căng thẳng hơn. Và tôi không muốn sống mệt mỏi như vậy nên đã chọn ở đây.”
Mặc dù vậy, Bạch Thư Hàn cảm thấy đau khổ vì chưa thể có bạn gái, thậm chí không dễ kết bạn với người khác.
“Mỗi khi lên xe là tôi lại bắt chuyện với người khác nhưng sau khi biết được công việc chuyên ngành của tôi thì họ lại không muốn nói chuyện với tôi nữa. Tôi hy vọng xã hội có thể hiểu rõ và thông cảm hơn với công việc này” - Bạch nói.