Ngành Giáo dục tổ chức nhiều hoạt động "uống nước nhớ nguồn"

Ngành Giáo dục tổ chức nhiều hoạt động "uống nước nhớ nguồn"

(GD&TĐ)- Cùng cả nước hướng đến kỉ niệm 66 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2013), sáng nay (23/7), tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã trao 186,699 triệu đồng cho Quỹ “đền ơn đáp nghĩa” Trung ương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao 186,699 triệu đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương. Ảnh: Đăng Lương
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao 186,699 triệu đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương. Ảnh: Đăng Lương
 

Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" không cho vay để sinh lời, kết dư Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được luân chuyển sang năm tiếp theo.

Sự tự nguyện đóng góp, ùng hộ của nhân dân, với tình cảm và trách nhiệm xã hội của các tổ chức và cá nhân để cùng Nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng sẽ được Quỹ sử dụng đúng mục đích.

Đây là số tiền được lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cơ quan Bộ GD&ĐT hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam, đóng góp cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” nhân kỉ niệm 66 năm ngày Thương binh Liệt sĩ.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan quản lý, sử dụng Quỹ  "Đền ơn đáp nghĩa" - Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh đã trân trọng tiếp nhận số tiền trên.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Từ năm 1998, Chính phủ có Nghị định thành lập Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" trong cả nước, trên cơ sở vận động sự tự nguyện ủng hộ, với tình cảm và trách nhiệm xã hội của các tổ chức và cá nhân để cùng Nhà nước chăm sóc người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng.

Hàng năm, ngành Giáo dục đều kêu gọi các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, HSSV cả nước tham gia ủng hộ đóng góp cho Quỹ  “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp, từ Trung ương tới địa phương.

Đồng thời, Bộ còn chỉ đạo các nhà trường trong các hoạt động giáo dục truyền thống của mình, tích cực tổ chức cho học sinh, giáo viên nhận chăm sóc, phục dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công và người có công tiêu biểu trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn giáo dục trong các nhà trường, các cấp quản lý giáo dục hàng năm đều có các hoạt động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người có công, bà mẹ Việt Nam anh hùng, sửa chữa, xây nhà tình nghĩa cho người có công đặc biệt.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Kết quả rõ rệt nhất trong hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” của ngành Giáo dục được thể hiện trong 5 năm thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”.

Qua 5 năm thực hiện phong trào, số nhà trường nhận chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa, đền đài, nghĩa trang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách là 26.061/41.325 trường (đạt 63,01%);  2.386 di tích lịch sử cấp quốc gia (đạt 84,73%), 4.426 di tích cấp tỉnh (đạt 85,23%) được các nhà trường nhận chăm sóc.

Số lượng đền, đài, nghĩa trang được chăm sóc là 6.888; số Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ được nhận chăm sóc, giúp đỡ là 39.188.

Việc nhận chăm sóc các di tích lịch sử, gia đình có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng đã thực sự góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh về lòng biết ơn các thế hệ đi trước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng ý chí phấn đấu trong học tập, tu dưỡng để xứng đáng với sự hy sinh và truyền thống của các thế hệ cha ông.

Di tích lịch sử Nghĩa trang 21/10, nơi yên nghỉ của Liệt sĩ - Nhà giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 em học sinh được giao cho Trường THCS Thụy Dân và Khách sạn 23 Lê Thánh Tông (Bộ GD&ĐT) cùng chung tay chăm sóc
Di tích lịch sử Nghĩa trang 21/10, nơi yên nghỉ của Liệt sĩ - Nhà giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 em học sinh được giao cho Trường THCS Thụy Dân và Khách sạn 23 Lê Thánh Tông (Bộ GD&ĐT) cùng chung tay chăm sóc
 

Trân trọng tiếp nhận tấm lòng của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cơ quan Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh phát biểu: Bộ GD&ĐT là một trong những cơ quan ủng hộ Quỹ sớm nhất trong dịp này.

Với tình cảm và trách nhiệm đối với người có công với cách mạng, cùng với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong những năm qua Giáo dục là ngành đã có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, HSSV ở Trung ương và địa phương đã có nhiều đóng góp to lớn về vật chất cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp.

Hoạt động chăm sóc, ủng hộ vật chất và tinh thần đối với người có công trong cộng đồng, các nhà trường, giáo viên, HSSV đã góp phần không nhỏ cùng với Nhà nước và toàn xã hội tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng.

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh mong rằng trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường có nhiều hoạt động uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cho HSSV, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp. Đẩy mạnh các hoạt động nhận chăm sóc người có công, gia đình chính sách neo đơn, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ người có công đặc biệt…

Trước đó, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỉ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Cơ quan Bộ GD&ĐT đã tổ chức thăm và tặng quà người có công tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang 21/10 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Nghĩa trang 21/10 được người dân địa phương gọi bằng cái tên trìu mến “Lớp học vĩnh hằng” để tưởng nhớ đến Liệt sĩ - Nhà giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 em học sinh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 21/10/1966, bom Mỹ đã trút xuống Trường Phổ thông cấp II Thụy Dân (Thái Thụy, Thái Bình) cướp đi sinh mạng của cô giáo trẻ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh.

Trong điều kiện thời chiến đầy khó khăn, hài cốt của cô giáo Xuân và 30 học sinh được quy tập về một nghĩa trang nằm ở ven trường. Tại đây, lớp học của cô và trò mãi mãi bên nhau đi vào cõi vĩnh hằng.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ