Ngành Giáo dục các địa phương chủ động, tự tin bước vào năm học mới

GD&TĐ - Mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, công tác chuẩn bị cho năm học mới tại nhiều địa phương đã cơ bản hoàn tất.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)

Chủ động bồi dưỡng đội ngũ

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình, sách giáo khoa mới, ngành giáo dục các địa phương đã chủ động bồi dưỡng đội ngũ bằng các hình thức phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết: Phòng GD&ĐT thị xã rất chú trọng đến việc bồi dưỡng đội ngũ thực hiện chương trình mới. Triển khai và thực hiện việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà các mô đun về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm 2020.

Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên: Phòng GD&ĐT đã tích cực triển khai chỉ đạo các trường thực hiện đánh giá Chuẩn Hiệu trưởng theo thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, Đánh giá giáo viên theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT. Trên cơ sở đó, rà soát đội ngũ để có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và năng lực phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.

“Đáng mừng là, đội ngũ giáo viên của trường nhận thức đúng đắn về việc cần thiết phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nên chúng tôi không gặp khó khăn về công tác này. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trong năm học mới theo hướng linh hoạt: Sinh hoạt tổ, nhóm, khối lớp; dự giờ các lớp và tham gia các khoá bồi dưỡng do UBND huyện và tỉnh tổ chức” – cô Đặng Thị Chi nói.

Từ cơ sở giáo dục, cô Đặng Thị Chi - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Thanh, huyện Phú Quý (Bình Thuận) chia sẻ: Ngoài việc chủ động nắm vững nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đặc biệt quan tâm việc chọn giáo viên có đủ năng lực và kinh nghiệm để dạy lớp 6. Đồng thời quan tâm đầu tư trang thiết bị để ứng dụng CNTT cho các phòng học dạy lớp 6.

Cùng với đó, động viên đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa với lớp 6.

Cô Đặng Thị Chi cho biết thêm: Trước khi vào năm học mới, công tác bồi dưỡng giáo viên được nhà trường quan tâm, chú trọng. Ngoài việc triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng phát triển năng lực học sinh, năm học này nhà trường còn tập trung bồi dưỡng giáo viên dạy học trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thúy: Qua rà soát đội ngũ, sắp xếp, bố trí giáo viên cho năm học. Đặc biệt, với đội ngũ thực hiện chương trình lớp 1, lớp 2, lớp 6, huyện cũng vướng một chút về vấn đề thiếu giáo viên. Vì thế, các nhà trường đang nỗ lực, tận dụng mọi điều kiện theo quy định để bố trí giáo viên đứng lớp để đáp ứng yêu cầu của Chương trình.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT).
Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT).

Chuẩn bị cơ sở vật chất

Chuẩn bị cho năm học mới, bên cạnh công tác chuẩn bị, bồi dưỡng đội ngũ, ngành giáo dục các địa phương còn đặc biệt chú trọng vấn đề cơ sở vật chất.

Theo chia sẻ của ông Phạm Hoàng Gan - Phó GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn triển khai hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Do đó, tiến độ xây dựng mới các công trình, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học trường học đang triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, ngành GD&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện, Thành phố Cà Mau đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sửa chữa phòng học, phòng thí nghiệm thực hành, sân chơi, bãi tập... Nhất là việc mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học (ưu tiên đối vớp lớp 2, 6) đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ năm học mới.

Cô Đặng Thị Chi cho hay: Chuẩn bị bước vào năm học mới, hiện tại, cơ sở vật chất tại Trường THCS Tam Thanh chưa đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác dạy - học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện còn thiếu thiết bị dạy học lớp 6. Trước mắt, nhà trường khắc phục bằng cách trang bị tivi ở các phòng học dạy lớp 6 để giáo viên có thể khai thác thiết bị trên mạng phục vụ cho giảng dạy.

Xác định năm học 2021-2022 sẽ là năm học tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết: Phòng GD&ĐT thị xã tăng cường phối, kết hợp với các phòng, ban liên quan của thị xã Quảng Yên rà soát cơ sở vật chất cho năm học mới, phòng GD&ĐT thị xã luôn quyết liệt trong chỉ đạo các đơn vị giáo dục tích cực chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn phòng dịch cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Cụ thể, Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng dự toán ngân sách năm 2022; thanh quyết toán các công trình sửa chữa năm 2020, 2021; Phối hợp với Phòng Kinh tế: hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong lĩnh vực giáo dục; Phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị: tiếp tục hoàn thiện việc cấp quyền sử dụng đất của các trường học; hoàn thiện qui hoạch sử dụng đất của các trường; Phối hợp với Ban QL dự án: rà soát như cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất năm 2022 của ngành Giáo dục.

“Hiện tại, Sở GD&ĐT Cà Mau đã xây dựng 3 phương án dạy và học năm học 2021 - 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong trường hợp bình thường, sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp 100%; Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp: tổ chức dạy học 70% trực tiếp trên lớp, 30% trực tuyến và trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội: tổ chức dạy học trực tuyến 100%.

Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành Giáo dục, địa phương nghiêm túc thực hiện. Các kịch bản dạy, học được xây dựng ứng phó với tình huống dịch bệnh. Cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh yên tâm chuẩn bị bước vào năm học mới” - ông Phạm Hoàng Gan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ