Đầu tư trường lớp, chuẩn bị năm học mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, lớp 2, lớp 6, phải bảo đảm phòng học, phòng chức năng.

Huyện Đông Hải (Bạc Liêu) tập trung xây dựng trường lớp chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Q.Ngữ
Huyện Đông Hải (Bạc Liêu) tập trung xây dựng trường lớp chuẩn bị năm học mới. Ảnh: Q.Ngữ

Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung nguồn lực, xây dựng trường lớp để đáp ứng yêu cầu cho năm học mới.

Bảo đảm trường lớp trước thềm năm học mới

Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, UBND tỉnh Đồng Tháp, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các dự án đầu tư công trình phục vụ cho hoạt động GD-ĐT, tiến hành khảo sát thực tế các công trình đối với từng ngành học, cấp học.

Từ tháng 4/2021, tỉnh tiến hành rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn theo hướng sáp nhập các điểm trường lẻ, quy mô nhỏ vào điểm chính; sáp nhập các cơ sở giáo dục quy mô nhỏ, có số lượng học sinh ít vào các cơ sở giáo dục cùng ngành, cấp hoặc liên cấp phù hợp. Đến nay, tỉnh đã sắp xếp giảm 40 cơ sở giáo dục công lập.

Một số huyện của tỉnh Đồng Tháp đến nay cơ sở vật chất đã sẵn sàng cho năm học mới. Như huyện Tam Nông có 46 trường từ mầm non đến THCS. Mỗi năm học, UBND huyện, các phòng chuyên môn đều phân bổ nguồn từ ngân sách tỉnh, huyện đầu tư xây dựng, mua sắm mới, sửa chữa tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động giáo dục.

Toàn huyện đã xây dựng mới hơn 80 phòng học, hơn 160 phòng chức năng với tổng kinh phí đầu tư trên 141,5 tỷ đồng, tiến hành sửa chữa lớn 37 phòng học, 10 phòng chức năng với tổng kinh phí đầu tư trên 2,1 tỷ đồng. Ở huyện Hồng Ngự, hệ thống cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp học và trang thiết bị dạy học ở các bậc học, cấp học tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Hiện, huyện có 27/50 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 7 trường đạt chuẩn mức độ 2...

Chuẩn bị năm học 2021 - 2022, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mới và sửa chữa các phòng học, phòng chức năng. Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Mỹ Tho Đỗ Ngọc Bình, ngành Giáo dục thành phố tham mưu UBND thành phố kế hoạch sửa chữa 3 trường mầm non, với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với Phòng GD&ĐT thành phố khảo sát, lập phương án sửa chữa 9 trường học, với tổng vốn đầu tư trên 14,6 tỷ đồng…

TP Cần Thơ cũng tích cực huy động nguồn lực đầu tư trường lớp, đặc biệt là bảo đảm phòng học cho các khối lớp triển khai Chương trình mới là lớp 1, lớp 2 và lớp 6. TP cũng dự báo sĩ số học sinh tăng do học sinh tuổi “dê vàng” vào lớp 1.

Theo Sở GD&ĐT, sở cùng các địa phương đã tập trung sửa chữa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong năm học mới. Trong đó, quận Ninh Kiều xây dựng mới 6 trường, cải tạo sửa chữa 4 trường. Quận Cái Răng xây dựng mới 2 trường, cải tạo sửa chữa 2 trường. Quận Bình Thủy xây dựng mới 1 trường, sửa chữa, nâng cấp 5 trường. Quận Thốt Nốt xây dựng mới 5 trường; sửa chữa, nâng cấp 5 trường.

Huyện Cờ Đỏ xây dựng mới 3 trường; sửa chữa, nâng cấp 18 điểm trường. Huyện Phong Điền xây dựng mới 1 trường; sửa chữa, nâng cấp 6 trường. Quận Ô Môn xây dựng mới 2 trường; sửa chữa, nâng cấp 17 điểm trường. Sở GD&ĐT xây dựng mới giai đoạn 2 Trường THPT Hà Huy Giáp, nâng cấp, sửa chữa 9 điểm trường THPT…

Các trường học bổ sung đồ dùng, đồ chơi trước thềm năm học mới. Ảnh: Q. Ngữ
Các trường học bổ sung đồ dùng, đồ chơi trước thềm năm học mới. Ảnh: Q. Ngữ

Nỗ lực từ vùng khó

Chuẩn bị cho năm học mới, một số địa phương vùng sâu, vùng xa gặp khó trong đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp. Khó nhất là nguồn ngân sách địa phương có hạn, việc huy động xã hội hóa không nhiều. Nhiều nơi còn thiếu phòng học 2 buổi/ngày và phòng chức năng…

Chia sẻ khó khăn của địa phương, ông Châu Đông Dương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết: Về phòng học, huyện mới đáp ứng nhu cầu dạy 1 buổi/ngày. Cấp học mầm non mới bảo đảm cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, các lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi còn thiếu nhiều.

Việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng cho các khối lớp của các cấp học và THCS. Thiết bị dạy học của huyện được trang bị từ khi thay sách (năm 2003) nên hầu như hư hỏng, không sử dụng được. Trong khi đó, kinh phí hàng năm giao cho lĩnh vực giáo dục còn hạn hẹp nên việc mua sắm, bổ sung rất ít; đồ dùng dạy học tự làm chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Dương cho biết thêm: Nguồn thu của huyện còn thấp, chủ yếu ngân sách tỉnh bổ sung nên kinh phí dành cho xây dựng, sửa chữa, mua sắm cho giáo dục cũng hạn chế…

Về giải pháp, theo ông Dương, phòng GD&ĐT lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, với số tiền hơn 218,4 tỷ đồng, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện triển khai nhằm bảo đảm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 (đầu tư theo hình thức thứ tự ưu tiên cả giai đoạn). Hàng năm, UBND huyện Đông Hải cũng đẩy mạnh công tác sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy...

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, chuẩn bị năm học 2021 - 2022, cần khoảng 500 tỷ đồng sửa chữa trường lớp và mua sắm trang thiết bị phục vụ chương trình mới. Trong đó, đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất năm 2021 để kịp thời phục vụ khai giảng năm học 2021 - 2022 với tổng kinh phí khoảng 174 tỷ đồng.

Đặc biệt là kinh phí mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPT mới và tiến tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đã có kế hoạch 8 trường, với tổng kinh phí khoảng 297 tỷ đồng). Đồng thời, cần xây dựng hơn 600 phòng học, do xóa điểm lẻ và ghép các điểm trườngtrong giai đoạn 2018 - 2020 (khoảng 500 phòng do xóa, ghép các điểm trường và gần 140 phòng học nhờ ở cấp học mầm non).

Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho hay: Các đơn vị, trường học tiếp tục rà soát, đề xuất thật sát và cụ thể hạng mục đầu tư, nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các hạng mục phù hợp từng cấp học, địa bàn đầu tư; Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học phục vụ năm học mới; Rà soát bổ sung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, nước uống hợp vệ sinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.