Chuẩn bị năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh: Bộn bề công việc

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 đã cận kề. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số địa phương thực hiện giãn cách ngày một tăng.

Giáo viên Hà Nội chọn sách giáo khoa lớp 6 trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: TG
Giáo viên Hà Nội chọn sách giáo khoa lớp 6 trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Mong dịch bệnh sớm được kiểm soát

Chị Nguyễn Thị Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con lên lớp 6 đã nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến vào Trường THCS Tân Định. Năm nay, học sinh lớp 5 kết thúc năm học khi chưa có bài kiểm tra đánh giá cuối học kỳ II nên gia đình có chút lo lắng và cũng đang chờ phương án tuyển sinh của một số trường chất lượng cao.

Chị Hà cho biết: Toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vì vậy, gia đình chưa mua sắm được đồ dùng học tập, sách vở để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới. Con ở nhà gần hết kỳ nghỉ hè nên việc rơi rụng kiến thức là điều không thể tránh khỏi. Chị rất mong dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát để học sinh sớm tựu trường, củng cố kiến thức, tự tin đón năm học mới.

Theo cô Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội), những năm trước, khoảng đầu tháng 8, nhà trường đã hoàn thành các hạng mục nâng cấp, sửa chữa, chuẩn bị đón học sinh tựu trường. Năm nay, mọi hoạt động phải tạm dừng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tuyển sinh đầu cấp cũng chưa hoàn thành.

Nhà trường đang đứng trước bộn bề mối lo như sửa sang trường lớp, tuyển sinh, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, triển khai sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, năm đầu tiên triển khai Chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 6, học sinh tựu trường muộn sẽ gây khó khăn nhất định với thầy và trò.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho hay: Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc chuẩn bị năm học mới của ngành GD-ĐT quận, đòi hỏi nỗ lực gấp nhiều lần của các thầy cô giáo, nhà trường.

Chuẩn bị năm học mới, Phòng GD&ĐT Tây Hồ đã yêu cầu các trường rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm duy trì học 2 buổi/ngày đạt 100% ở cấp tiểu học; đồng thời ưu tiên khối lớp 6 học 2 buổi/ngày nhằm đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Trong thời gian nghỉ phòng dịch, các trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, yêu cầu giáo viên chủ động tự bồi dưỡng thường xuyên theo quy định. Nhà trường linh hoạt, chủ động tổ chức hình thức bồi dưỡng các mô-đun cần thiết theo đề xuất của giáo viên, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm giáo viên vững vàng, tự tin thực hiện nhiệm vụ năm học.

Đối với trường THCS thiếu giáo viên theo cơ cấu phân môn của Chương trình GDPT 2018, phòng GD&ĐT khẩn trương lập kế hoạch bồi dưỡng, phân công giáo viên tham gia các khóa đào tạo cấp chứng chỉ dạy môn học tích hợp do Trường Đại học Sư phạm tổ chức.

Giáo viên Trường THCS Lĩnh Nam (Hà Nội) hỗ trợ phụ huynh tuyển sinh trực tuyến.
Giáo viên Trường THCS Lĩnh Nam (Hà Nội) hỗ trợ phụ huynh tuyển sinh trực tuyến.

Bộn bề nỗi lo

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học ở các tỉnh được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Vấn đề đặt ra là sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các trường học có bảo đảm an toàn để đón học sinh đi học trở lại. Các trường làm thế nào để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp... kịp tiến độ đón ngày khai giảng.

Để phục vụ công tác phòng dịch, tỉnh Đồng Nai đã trưng dụng cơ sở vật chất của Trường THPT Trấn Biên làm bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Do đó, theo cô Phạm Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai), trong thời gian này, nhà trường khó có thể triển khai sửa chữa hay chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.

Còn tại Bắc Giang, cô Đinh Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Mai (TP Bắc Giang) cho biết: Trong đợt dịch vừa qua, nhà trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Các thầy cô đã nỗ lực chung sức cùng địa phương làm tốt nhiệm vụ, đẩy lùi dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường tổ chức vệ sinh trường lớp, khử khuẩn bàn ghế, đồ dùng học tập, khuôn viên.

Hiện, nhà trường tập trung để sửa sang cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, việc triển khai tu sửa trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học rất khó khăn, không chỉ thiếu kinh phí mà còn khó thuê thợ, đơn vị thi công.

Về vấn đề này, theo đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng, căn cứ thực tiễn trong công tác phòng chống dịch của địa phương, bố trí, sắp xếp, bàn giao lại các cơ sở giáo dục đã trưng dụng làm khu cách ly cho ngành GD-ĐT.

Để chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh sửa chữa, khắc phục cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên đầu tư, mua sắm bổ sung cho các nhà trường; tổ chức khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường để bảo đảm tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn và điều kiện cho khai giảng năm học mới.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát tiến độ, đôn đốc hoàn thành theo kế hoạch xây dựng mới các công trình, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Trong đó, Sở ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, quan tâm việc cung ứng sách giáo khoa đầy đủ trước khai giảng.

“Thời gian chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều, do đó, nhà trường đang phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh, học sinh để nỗ lực, cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, chuẩn bị tốt nhất có thể cho năm học mới 2021 - 2022 đang cận kề”, cô Phạm Thị Thanh Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ