Nâng cao vị thế ngành công tác xã hội trong trường học phổ thông

GD&TĐ - Ngày 9/7 tại TP. Huế, Vụ GDCTHSSV (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo tập huấn công tác xã hội trong trường học. Tham dự có đại diện các sở GD&DT, giáo viên chuyên trách tại các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDCTHSSV (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trên thế giới, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người ở bất cứ thời kỳ nào, với bất kể trình độ phát triển ra sao bao giờ cũng nảy sinh các vấn đề xã hội cần phải được quan tâm giải quyết. Các vấn đề xã hội trong mọi thời đại là hậu quả trực tiếp của quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy, các vấn đề xã hội nảy sinh cũng giống như các căn bệnh của một thực thể xã hội. Các vấn đề đó chỉ có thể giải quyết được bằng những tri thức và phương pháp khoa học. Bởi vậy ngành công tác xã hội (CTXH) đã ra đời và phát triển như một ngành khoa học với việc ứng dụng các môn khoa học xã hội như: Tâm lý học, Xã hội học, Nhân chủng học, Kinh tế học …vào những hoạt động cụ thể với từng cá nhân, từng nhóm người trong xã hội để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội.

Riêng tại Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đã có những thay đổi tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế - xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, làm tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các đối tượng trong xã hội. Những vấn đề tiêu cực của xã hội đã có những tác động mạnh mẽ đến trẻ em và học sinh, sinh viên. Trong trường học có nhiều vấn đề mà các thầy cô giáo không đủ thời gian để bao quát, phát hiện và phòng ngừa đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường hiện đang là mối quan tâm của toàn xã hội.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDCTHSSV phát biểu tại hội thảo
 Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDCTHSSV phát biểu tại hội thảo

Từ năm 2015, Vụ GDCTHSSV đã tham mưu lãnh đạo Bộ triển khai một số nội dung nhằm phát triển công tác xã hội trong trường học ban đầu là các cuộc hội thảo, tập huấn nhằm hình thành cơ sở khoa học cũng như đúc kết các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực CTXH trường học.

Đặc biệt năm 2018, Bộ trưởng đã phê duyệt ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Nội dung thông tư nhằm hướng dẫn các nhà trường về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học. Nhằm mục tiêu hướng đến đó là nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.

Ngoài ra còn tăng cường nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ của người học trong việc hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội trong trường học. Đặc biệt là kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trong trường học.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ được các chuyên gia đến từ trường đại học sư phạm trao đổi nhiều kinh nghiệm giúp các thầy cô hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai công tác xã hội trong trường học, đồng thời hướng dẫn các thầy xây dựng và ban hành các kế hoạch chỉ đạo, triển khai nội dung của Thông tư đến các nhà trường để các nhà trường xây dựng và hoàn thiện quy trình triển khai thông tư 33 tại cơ sở. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục kết nối nguồn lực đối với các tổ chức, cá nhân ngoài cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề của nhà trường.

Bên cạnh đó các chuyên gia sẽ tập huấn cho các đại biểu những hoạt động để hỗ trợ học sinh khởi nghiệp. Đây cũng là một nội dung mới và có nhiều bỡ ngỡ đối với các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt hỗ trợ khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều kiến thức liên quan đến công tác chuyên môn và mang tính học thuật cao. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.