Ngành bất động sản 'khát' từ nhân sự cao cấp đến sơ cấp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đó là thông tin được các Doanh nghiệp bất động sản cũng như các sàn môi giới bất động sản đưa ra tại Diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam.

Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn.
Các chuyên gia trao đổi tại diễn đàn.

Diễn đàn Nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam do Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức thu hút sự tham dự của gần 150 đại biểu là các chuyên gia, CEO các tập đoàn, công ty bất động sản, lãnh đạo các trường đại học... được tổ chức tại TPHCM vào ngày 12/8.

Cung nhỏ giọt so với cầu

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA, hiện toàn quốc có 20 cơ sở đào tạo trình độ Đại học ngành bất động sản, trong đó có 10 cơ sở đào tạo ngành Quản lý đất đai, xây dựng, kiến trúc là ngành tương đối gần với ngành bất động sản. Tổng chỉ tiêu đào tạo và tuyển sinh trung bình là 100 sinh viên/khóa/năm.

Như vậy, hiện nay mỗi năm ngành bất động sản được cung ứng thêm 2.000 nhân sự cho thị trường. Trong khi đó, chỉ riêng hai tập đoàn hàng đầu về bất động sản là SunGroup và VinHomes lượng nhân sự đã lên tới gần hơn 100.000 người. Đó là chưa tính tới hàng ngàn doanh nghiệp khác đang hoạt động về lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Trong bối cảnh tăng trưởng nóng của bất động sản Việt Nam, độ chênh quá lớn giữa đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực với nhu cầu của thực tế đang là bất cập, trở ngại cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam cho rằng: Nhu cầu nhân lực ngành bất động sản đã và đang đặt ra tính cấp thiết cho một chiến lược tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc vận hành An Gia Group nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng rất nhanh chóng, các loại hình bất động sản phục vụ người dân ngày càng gia tăng. Tuy nhiên,nhân sự ngành bất động sản đang được đào tạo tự phát, không có sự xâu chuỗi, bài bản, đa phần là nghề truyền nghề.

"Điều này đặt ra vấn đề đã đến lúc công tác đào tạo nhân lực ngành bất động sản một cách bài bản, khoa học cần nghiêm túc được tính tới. Bởi thực tế nhân lực trong ngành hiện nay chỉ mới đáp ứng được 30 - 40% các tiêu chí yêu cầu của doanh nghiệp" - ông Thanh nói.

Quang cảnh diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam

Quang cảnh diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam

Ở góc nhìn của đơn vị tuyển dụng, bà Mai Thị Hồng Quyên, Giám đốc kinh doanh Sunproperty khu vực miền Nam cho rằng: nhân sự trong lĩnh vực bất động sản không chỉ là người tư vấn bán hàng vì họ chỉ là một phần trong chu trình từ quy hoạch, làm sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng sau bán và quản lý vận hành bất động sản.

"Vì vậy, Việt Nam cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các khâu. Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt hiện nay chính là nhân lực phát triển nóng nhưng thiếu sự trải nghiệm"- bà Quyên nói.

Đơn vị đào tạo cần gì để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp?

Nhìn nhận việc đào tạo nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành và phát triển bền vững của doanh nghiệp bất động sản, ông Tống Trần Dương, CEO & Founder của công ty bất động sản HomeNext cho rằng nhân sự chuyên nghiệp, giỏi nghề sẽ giúp công ty rất nhiều.

"Bản thân tôi nhận thức được câu chuyện đào tạo liên quan mật thiết đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, và thậm chí tránh được cả vòng lao lý, liên quan tới pháp luật trong trường hợp môi giới không trung thực. Muốn hay không chúng ta phải nhìn nhận đào tạo là việc hằng ngày, doanh nghiệp nào làm câu chuyện này trước sẽ có lợi thế rất bền vững và mạnh mẽ trong công cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực."- ông Dương nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu - Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo bất động sản cho biết: Định hướng đào tạo về bất động sản, không chỉ riêng trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, mà các trường đều có mong muốn đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng. Tuy vậy, chính sách và quy định hành nghề hiện nay với nhân lực ngành này còn quá dễ dãi. Đơn cử như việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện quá dễ dãi, có chứng chỉ thì không cần phải học ở trường đại học.

"Khi xã hội quá dễ dãi thế thì cớ gì phải học đại học. Trong khi người học cử nhân xong, được đào tạo bài bản 3-4 năm nhưng cầm trên tay tấm bằng đại học thì không được hành nghề nếu chưa có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, những người bình thường trong xã hội chỉ học 3-4 tháng có chứng chỉ hành nghề là được hành nghề. Đây rõ ràng là sự mâu thuẫn cần sớm phải thay đổi"- PGS.TS Hoài Phương nói.

Diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam nhận được nhiều đóng góp về hoạt động đào tạo từ các doanh nghiệp bất động sản.

Diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam nhận được nhiều đóng góp về hoạt động đào tạo từ các doanh nghiệp bất động sản.

"Để giải quyết các bất ổn về nguồn nhân lực ngành bất động sản hiện nay, tôi nghĩ chúng ta cần có sự kết nối thành một vòng tròn giữa trường và doanh nghiệp, thậm chí sau khi đào tạo chúng tôi gửi sinh viên về cho doanh nghiệp luôn chứ họ không cần phải đi tuyển dụng ở đâu xa. Do đó, để phối hợp tốt hơn và đào thành nguồn nhân lực bài bản hơn thì doanh nghiệp cũng cần cộng hưởng với nhà trường từ những ngày đầu tiên.

Chúng ta có trách nhiệm cộng hưởng, hỗ trợ lẫn nhau chứ không chỉ đơn giản là liên kết, và khi đội ngũ nhân lực chất lượng này ra trường thì doanh nghiệp có sẵn đội ngũ này để làm việc. Trường sẵn sàng đào tạo sinh viên theo doanh nghiệp đặt hàng, như vậy chúng ta sẽ có sự cân bằng về cung cầu."- PGS.TS Hoài Phương nhấn mạnh.

Đồng tình với góc nhìn trên, TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng: Bất động sản là một hệ sinh thái rất rộng, do đó cần phải phát triển nguồn nhân lực thật mạnh để đáp ứng. Cầu đang lớn, nhưng cung đang chênh, chúng ta có thể nói về thiếu, nhưng cẩn trọng khi nói rằng nhân lực chúng ta đang yếu. Hiện nay, các trường đào tạo này không yếu, mà yếu là do tay ngang, và chúng ta cần phải có sự đào tạo, liên kết tốt hơn giữa các đơn vị đào tạo để nguồn cung chất lượng hơn.

Tại diễn đàn, Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng ra mắt chính thức Liên chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam (VNREEA).

VNREEA là tổ chức xã hội nghề nghiệp quy tụ các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân là giảng viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu… có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bất động sản Việt Nam.

Ban chấp hành Liên chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.
Ban chấp hành Liên chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ