Niềm tự hào của người Nghệ
Mấy ngày này khắp 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh người dân ai cũng vui mừng và tự hào khi Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh,“lọt mắt xanh” của UNESCO.
Ông Phan Thế Phiệt - 70 tuổi ở huyện Yên Thành, người được Nhà nước tôn vinh nghệ nhân dân gian - là báu vật nhân văn sống, gìn giữ và trao truyền dân ca ví, dặm xứ Nghệ trong cộng đồng qua các thế hệ phấn khởi:
“Tôi cả cuộc đều vì dân ca , ví dặm. Mấy chục năm qua tôi đã đi khắp nơi để truyền lại cho thế hệ trẻ những lời ca, điệu ví với mong muốn những người dân của xứ Nghệ bây giờ và sau này không quên những làn điệu dân ca ví dặm.
Tôi rất vui, khi hay tin “Dân ca Ví dặm Nghệ -Tĩnh chính thức được đưa vào danh sách xem xét để vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của nhân dân và những người có tình yêu sâu nặng với dân ca ví dặm như chúng tôi.
Không chỉ những nghệ nhân, những người lớn tuổi mà thế hệ trẻ cũng đang được tiếp thêm men say tình yêu đối với loại hình nghệ thuật dân gian này.
Nguyễn Hùng – Học sinh lớp 12 trường THPT Diễn Châu - tâm sự : “Từ thuở ấu thơ, những làn điệu dân ca của bà ru đã thấm vào con người em.
Em thấy rằng, những làn điệu dân ca ví, dặm sâu lắng tình người, tình yêu quê hương, đất nước luôn được người dân quê em yêu thích. Em cũng biết hát thể loại này từ nhỏ và còn tự sáng tác nữa.
Sau này, em sẽ tiếp tục đi theo niềm yêu thích của mình và cố gắng trở thành một người thầy dạy dân ca ví dặm để góp phần rất nhỏ của mình đưa loại hình nghệ thuật dân gian này tiếp tục phát triển.
Em hi vọng và tin tưởng, những làn điệu dân ca ví, dặm quê mình sẽ được UNESCO vinh danh, được thế giới thừa nhận và trở thành niềm tự hào của Việt Nam".
Vâng, chúng ta hãy tin và hy vọng như thế bởi, những làn điệu dân ca, ví dặm như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng, tâm hồn, cốt cách của bao thế hệ người dân Nghệ - Tĩnh, trong đó có các bậc anh hùng dân tộc, danh hiền, chí sỹ, văn sỹ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…
Theo dòng chảy của thời gian, từ cuộc sống lao động sản xuất, xây dựng và đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước, người dân Nghệ - Tĩnh đã sáng tạo và lưu giữ được một nền di sản văn hoá dân gian, đậm đà bản sắc mà lâu nay ta thường gọi là bản sắc văn hoá xứ Nghệ.
Tiêu biểu cho gia tài văn hóa đó là dân ca ví, dặm xứ Nghệ, một thể loại văn nghệ dân gian độc đáo với giai điệu trữ tình, đằm thắm, sâu lắng, là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân xứ Nghệ - Tĩnh.
Có thể nói, dân ca ví, dặm xứ Nghệ là tinh hoa nghệ thuật không chỉ của riêng người dân nơi đây, mà còn là của cả dân tộc Việt Nam, góp phần lưu giữ vốn văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần người Việt thêm phong phú, đa dạng.
Với hơn 40 làn điệu độc đáo, dân ca ví, dặm luôn hiện hữu trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay.
Những nỗ lực gìn giữ và phát triển
Ông Nguyễn Ngọc Ất - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản văn hóa Dân ca xứ Nghệ - phấn khởi: Thật vui mừng khi UNESCO đang xem xét để công nhận dân ca ví dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Những người tổ chức hoạt động, quản lý như chúng tôi rất hạnh phúc và nhân dân trên mảnh đất xứ Nghệ này cũng rất vui mừng với sự kiện trọng đại này.
Thời gian qua, để bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của dân ca, ví dặm, từ năm 2000, Nghệ An đã thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với hạt nhân là Nhà hát dân ca (Hà Tĩnh có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống).
Hai trung tâm này đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca như: Tổ chức các buổi hội thảo khoa học về dân ca, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để đưa dạy học dân ca ví, dặm vào các trường học… đưa lên sóng truyền hình, sản xuất in ấn băng hình tuyên truyền trên thông tin đại chúng.
Hai tỉnh đã chủ động đưa ra được nhiều giải pháp và có kế hoạch cụ thể nhằm quảng bá giới thiệu dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh trong đông đảo công chúng trong nước và quốc tế”.
Ngày 27/3/2011, Hội Văn nghệ dân gian phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ" Hội thảo làm tiền đề đi đến lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ là văn hóa di sản nhân loại.
Và liên tục trong những năm qua tại các sân khấu trung tâm từ cấp xã, thị trấn, đến cấp huyện, thị xã, thành phố ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra rất nhiều cuộc liên hoan thi hát dân ca ví, dặm xứ Nghệ với các chủ đề “Ví, dặm - lung linh hồn quê xứ Nghệ".
Đặc biệt là Liên hoan Dân ca ví, dặm lần thứ nhất năm 2012, tại TP Vinh và lần thứ 2 năm 2013 tại Hà Tĩnh do UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức đã thấy sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của các loại hình dân ca ví, dặm trong trái tim nhân dân và cả trong sinh hoạt thường nhật.
Tháng 10/2014 vừa qua, Hội thi Tiếng hát dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh lần thứ nhất bậc THCS đã diễn ra thu hút các em học sinh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh.
Hội thi đã có tác dụng trực tiếp tới đời sống văn hóa tinh thần đối với tầng lớp thanh, thiếu niên. Là cách làm hiệu quả để bảo tồn phát huy dân ca ví, dặm, mang tính giáo dục cao và thiết thực cho giới trẻ, nhất là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường…
Các cuộc liên hoan dân ca ví, dặm được tổ chức hàng năm đã thực sự tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, dặm Xứ Nghệ.
Chỉ tính riêng tỉnh Nghệ An hiện nay đã có 77 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên đang duy trì sinh hoạt. Điều đó cho thấy, dân ca ví dặm đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Niềm tin!
Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, chính quyền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc sỹ và rất nhiều cá nhân đã góp phần tích cực gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca ví dặm trong cộng đồng dân cư- làm cho nó lan tỏa sâu rộng.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và từ đó xúc tiến xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Trong quá trình làm hồ sơ, các chuyên gia đã có những cuộc điền dã, nghiên cứu, khảo sát về dân ca ví, dặm tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngày 14 và 15/5 vừa qua, Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại” đã được tổ chức tại TP Vinh.
Ban tổ chức đã nhận được 83 tham luận khoa học tham dự hội thảo, trong đó có 17 tham luận của các học giả đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Bỉ, Lào, Pháp, Uganda, Thụy Sĩ, Mỹ, Indonesia, Đài Loan.
Ngoài nội dung trình bày tham luận, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, các diễn giả đã trực tiếp về nghe sinh hoạt diễn xướng và truyền dạy dân ca ví, dặm xứ Nghệ tại cộng đồng ở CLB Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An) và Phù Việt (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
.GS.TS. Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - cho biết : Việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế nhằm tạo cơ hội để các học giả quốc tế cùng tập trung nhận diện, đánh giá rõ hơn giá trị dân ca ví, dặm.
Hội thảo là dịp để nghe kinh nghiệm của các học giả, các nhà quản lý văn hóa về bảo tồn, quản lý di sản quốc tế và trong nước nhằm phục vụ cho việc xây dựng chương trình hành động để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại. Đó cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá sâu rộng hơn giá trị dân ca ví, dặm xứ Nghệ đến với cộng đồng quốc tế.
Ngày 24/11/2014, Tại kỳ họp thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO “Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh” của Việt Nam chính thức được đưa vào danh sách xem xét để vinh danh là “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”.
GS.TS Nguyễn Chí Bền khẳng định: Xét theo quy định của UNESCO, dân ca Ví, diặm Nghệ Tĩnh hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Được biết hồ sơ đề nghị công nhận dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được đề nghị lần này là một trong những hồ sơ được các chuyên gia thẩm định đánh giá cao.
Điều đó cho thấy, giá trị của dân ca ví, dặm đối với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và đối với vốn văn hóa truyền thống đã được nhìn nhận và đánh giá một cách xứng tầm. Chúng ta hãy tin và hy vọng “Dân ca ví, dặm” sẽ được thế giới vinh danh và gìn giữ.
Dân ca ví, dặm là tiếng nói của người dân, nói mà hát, hát mà nói. Bao giờ người Nghệ mất đi giọng nói thì lúc đấy mới mất đi tiếng hát ví dặm của mình. Chính vì vậy không ở đâu có một nền dân ca độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa như của xứ Nghệ mình.