Ngân hàng Thế giới khuyến cáo: Cách thoát nghèo tốt nhất là đầu tư vào giáo dục

GD&TĐ - Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Kristalina Georgieva đã đưa ra một thống kê đáng chú ý: Ở các nước giàu nhất thế giới, vốn nhân lực tạo ra gần 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi ở các quốc gia nghèo nhất, chỉ gần 40%. Điều này cho thấy: Hơn cả bất động sản hay tài chính, vốn nhân lực mới là thứ giúp các quốc gia trở nên giàu có.

WB cho rằng muốn quốc gia thịnh vượng, chỉ có cách đầu tư cho GD, bắt đầu từ bậc học thấp nhất, để phát triển nguồn nhân lực
WB cho rằng muốn quốc gia thịnh vượng, chỉ có cách đầu tư cho GD, bắt đầu từ bậc học thấp nhất, để phát triển nguồn nhân lực

Hệ lụy của hệ thống GD kém cỏi

Cuộc trả lời phỏng vấn của bà Kristalina Georgieva xoay quanh câu chuyện ở các quốc gia Mỹ Latinh. Đây là khu vực có nguồn nhân lực dồi dào, với vốn nhân lực (được định nghĩa là giá trị hiện tại của thu nhập trọn đời) khoảng 60% GDP. Tuy nhiên, hầu hết quốc gia trong khu vực lại đang vật lộn để thoát bẫy thu nhập trung bình. Đó là một vấn đề lớn, nhưng hoàn toàn không phải là ẩn số.

Các nhà kinh tế chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế ở Mỹ Latinh tăng trưởng chậm chạp: Thiếu đa dạng hóa kinh tế, thị trường lao động phi chính thức, ít được đào tạo và thiếu sự quản trị hoặc quản trị kém. Dữ liệu của WB cũng chứng minh rằng những tiến bộ chậm về nguồn nhân lực góp phần không nhỏ vào sự trì trệ của khu vực. Đây là hệ lụy của hệ thống GD kém cỏi, nhưng đáng lo ngại hơn là trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo mới ở Brazil và Mexico, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, việc cải tổ và thúc đẩy GD hầu như không được đặt ra.

Các nghiên cứu của WB chỉ ra rằng, ngày nay tính chất về công việc và việc làm đang thay đổi ở mọi nơi. Những nhân lực vừa bước vào độ tuổi lao động sẽ cần các kỹ năng khác nhau để tham gia và leo lên bậc thang thu nhập. Về phần mình, các quốc gia như Mỹ Latinh cần trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực trẻ ngay từ bây giờ, trước khi nhân khẩu học thuận lợi này mất dần. Đó là bài học lớn đối với ngay cả nền kinh tế phát triển hàng đầu như Nhật Bản: Khi dân số già cỗi, nền kinh tế cũng trở nên trì trệ. 

Xét trên quy mô toàn cầu, khu vực Mỹ Latinh chỉ đứng sau Đông Á trong số các thị trường mới nổi về vốn nhân lực so với tài chính và vốn tự nhiên (tức là bất động sản) trong hỗn hợp kinh tế. Sức mạnh này được thể hiện đầy đủ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Uruguay, nơi xử lý các chức năng hỗ trợ cho nhiều công ty tài chính và bảo hiểm châu Âu. Công nghệ cao thực sự tỏa sáng ở Mexico, cụ thể là tại Queretaro, nơi có các công ty tầm cỡ thế giới về hàng không vũ trụ, bao gồm Bombardier Inc., Airbus SE, General Electric Co. và Safran SA. Còn Brazil là tên tuổi lớn trên thị trường nhiên liệu sinh học.

Nguồn nhân lực ở bất cứ đâu cũng quan trọng, nhưng sự đóng góp ra sao đối với nền kinh tế lại là câu chuyện khác. Nhân lực của Chile, Costa Rica và Argentina không kém Mỹ và Nhật Bản, nhưng họ chỉ là những nước đang phát triển. Haiti, Guatemala và Honduras xếp hạng gần với Nigeria và Sierra Leone. Còn Venezuela, Bolivia và Cuba, cũng do cách thức sử dụng nguồn nhân lực khiến họ chiếm những vị trí cuối trên bảng xếp hạng về vốn nhân lực và sự giàu có trên thế giới.

Chất lượng nguồn nhân lực trong mọi nền kinh tế đều phụ thuộc vào chất lượng GD. Điều này lại rất đáng phàn nàn ở Mỹ Latinh. Các nước trong khu vực đạt điểm thứ ba thấp nhất trong các kỳ thi của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về đánh giá sinh viên quốc tế (PISA). Chile là quốc gia có kết quả tốt nhất, chỉ đứng thứ 44 trong số 71 quốc gia tham gia PISA. Mexico và Brazil có số điểm lần lượt là 58 và 63. Điều tương tự diễn ra đối với sản phẩm GD của toàn khu vực: Bằng sáng chế rất khan hiếm, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển chỉ bằng một phần ba so với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bài toán thay đổi tư duy GD

Không hẳn các nước Mỹ Latinh không đầu tư cho GD. Họ chi trung bình 5% GDP cho GD công, tương tự với Mỹ và EU. Nhưng kinh phí dành cho GD ĐH quá nhiều so với tiểu học và trung học; nguồn tài trợ tập trung vào người giàu thay vì người nghèo. Đó là chưa kể một phần không nhỏ nguồn kinh phí bị mất do tình trạng giáo viên ảo, hợp đồng GD bị thổi phồng và các hình thức tham nhũng khác. Điều quan trọng, phương pháp giảng dạy và thúc đẩy người học vẫn chưa thay đổi. Khá phổ biến tình trạng giáo viên có trình độ học vấn thấp truyền thông tin không chính xác cho người học, đặc biệt là môn Toán và Khoa học; người học cũng không biết và không có ai giúp họ sửa chữa nếu họ mắc lỗi.

Thật không may, một số nhà lãnh đạo mới được bầu của Mỹ Latinh không tìm cách khắc phục những vấn đề này. Ở Brazil, tân Tổng thống Jair Bolsonaro dù có quan tâm đến GD, nhưng lại yêu cầu thu hẹp chương trình giảng dạy cốt lõi cần thiết chỉ bằng tiếng Bồ Đào Nha và toán học; cắt bỏ khoa học, nhân văn và nghiên cứu xã hội. Ở Mexico, tân Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador thì chú trọng vào đòi hỏi thay thế việc học thuộc lòng bằng tư duy phê phán trong các chương trình giảng dạy. Có một chút tích cực hơn ở Mexico, khi Tổng thống mới đang yêu cầu làm rõ các số liệu giảng dạy và kiểm tra đánh giá, để đặt trách nhiệm hơn và hướng dẫn tốt hơn cho giới trẻ.

Trên khắp khu vực, quá nhiều cuộc tranh luận về GD vẫn bị mắc kẹt trong tư duy của thế kỷ XX, thay vì tập trung vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng đòi hỏi của thế kỷ XXI. Theo khuyến cáo của WB, các nước Mỹ Latinh cần chi nhiều tiền hơn cho tiểu học và trung học, thay vì chú trọng vào ĐH như hiện nay, để mang lại cho số đông trẻ em cơ hội tiếp cận GD. Việc giữ trẻ em ở các trường học phổ thông, cung cấp kiến thức cơ bản cho các em quan trọng hơn là việc thúc đẩy họ bằng mọi giá phải đạt được bằng cấp (cụ thể là ĐH).

“Bằng cấp là quan trọng, nhưng nó sẽ quan trọng và giá trị hơn rất nhiều nếu có chất lượng, chứ không phải số lượng. Tư duy GD phải thay đổi, nếu các nước Mỹ Latinh thực sự muốn có bước nhảy vọt từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin. Nếu quốc gia nào không chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực, quốc gia đó sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của mình”, bà Kristalina Georgieva khuyến cáo.

Theo Bloomberg

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ