(GD&TĐ)-Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiên quyết và hết sức thiết thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhiều NHTM đã đồng loạt thông báo việc giảm lãi suất các khoản vay cũ kể từ ngày 15/7 tới.
Cả một khoảng cách dài để DN có thể tiếp cận các nguồn vốn vay mặc dù về nguyên tắc, NH đã "mở rộng cửa" |
Cụ thể, theo yêu cầu của Thống đốc NHNN, các TCTD chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm và thực hiện ngay từ 15/7 tới đây. Với khoản vay mới, lãi suất cho vay áp dụng theo mặt bằng lãi suất hiện hành, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng.
Nhất trí "đồng cam"...
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (VietinBank) cho biết, kể từ 15/7/2012, VietinBank đưa lãi suất tất cả khoản vay xuống mức tối đa 15%/năm, đồng thời sẽ cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với lãi suất từ 11% - 12%/năm. Với các đối tượng khách hàng tốt, khách hàng chiến lược có thể được tiếp cận với mức 10% - 11,5%/năm.
Cùng ngày, Agribank ban hành văn bản cho phép tất cả đối tượng không thuộc diện được hưởng mức trần lãi suất tiền vay 13%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, được vay với lãi suất tối đa là 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012.
Với SHB, từ 11/7, ngân hàng này sẽ rà soát lại các hợp đồng tín dụng và điều chỉnh lãi vay xuống mức 15%/năm, thậm chí thấp hơn dựa trên cơ sở xếp hạng tín dụng khách hàng của mình với tất cả các khoản vay cũ; trong khi khoản vay mới được hưởng mức khoảng 11% - 12%/năm.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết, ảnh hưởng của đợt điều chỉnh này chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận, nhưng đây là thời điểm cần phải triển khai. Hoạt động của ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn thì ảnh hưởng của ngân hàng. Trong giai đoạn này hoạt động của ngân hàng không phải chạy theo lợi nhuận nữa, mà đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu và tăng hỗ trợ doanh nghiệp, để làm sao doanh nghiệp hoạt động an toàn thì ngân hàng an toàn
Trước đó, SHB đã điều chỉnh lãi vay cho khoảng 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng, trong đó có nhiều món vay được điều chỉnh xuống mức 13% - 16%/năm và số dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của ngân hàng này chỉ còn 35%/tổng dư nợ.
Kế đến, TienPhong Bank cũng đưa ra gói vốn trị giá 3.000 tỷ đồng cho vay 4 lĩnh vực tín dụng ưu tiên. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có món lãi suất nào lớn hơn 14,5%/năm.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienPhong Bank chia sẻ: "Chúng tôi không dư giả gì nhưng cũng tự nhận mình thấy phải cứu lấy những khách hàng của mình, có như vậy, ngân hàng mới đạt được những mục tiêu đề ra”.
Ngân hàng OceanBank cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay nợ cũ với tất cả khách hàng về mức dưới 15%/năm.
Nhưng không "cộng khổ"!
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Agribank thì "riêng những khách hàng vay gặp khó khăn về tài chính và khả năng trả nợ, nhưng nếu có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới, miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định của Agribank, cho vay mới trả nợ cũ, không nhằm che dấu nợ xấu".
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, lãi suất thực đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng không giảm các tiêu chuẩn cho vay để tránh nợ xấu và chỉ cạnh tranh tìm khách hàng thực sự tốt để cho vay.
Theo Tiến sĩ Lịch, các nhà băng nên mạnh dạn cho vay các doanh nghiệp có dự án khả thi, nhưng hết tài sản đảm bảo. Các ngân hàng cần khoanh vùng khách hàng để phát triển tín dụng. Có như vậy, các nhà băng mới giải quyết được đầu ra và doanh nghiệp mới trả được nợ cũ cho ngân hàng.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thực trạng của việc các DN đồng loạt lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay là hệ quả của những khó khăn kinh tế trong và ngoài nước nhưng lý do căn bản nhất vẫn là lề lối làm ăn cẩu thả. Rất nhiều doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh rất thấp nhưng lại muốn tăng trưởng nóng, cơ cấu nguồn vốn lỏng lẻo, vốn của chủ sở hữu thì ít nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Những doanh nghiệp này đã tự ảo tưởng về quy mô tăng trưởng nóng, đẻ ra nhiều dự án và vay nhiều. Do vậy, khả năng trả nợ là rất thấp.
Hiện nay OCB đánh giá khả năng vay vốn của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí đầu tiên là hiệu quả của dự án, quản lý tài chính tốt hay không rồi mới tính đến các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp. Vì những năm qua, các ngân hàng mở rộng cho vay dễ dàng nên nhiều doanh nghiệp đã lấy vốn ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn làm mất cân đối vốn cho doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, OCB đang rà soát lại các thủ tục, nếu thủ tục nào không cần thiết sẽ bỏ bớt, ông Phạm Linh – Phó tổng giám đốc OCB cho biết.
Ông Bùi Đức Trình – Phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện như vốn tự có tham gia dự án tối thiểu phải từ 20% tổng vốn đầu tư dự án. Ngân hàng có thể cho vay tối đa 80% tổng nguồn vốn đầu tư. Thêm nữa việc đầu tư này có đảm bảo tính hiệu quả hay không là yếu tố quan trọng để ngân hàng xem xét cho vay và phải có tài sản đảm bảo, nếu không doanh nghiệp sẽ thực hiện thế chấp bằng chính thiết bị hình thành trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank việc hạ lãi suất không có nghĩa là nới chuẩn tín dụng vì rằng, một doanh nghiệp quan hệ với 3 - 4 ngân hàng với nhiều khoản vay khác nhau, chỉ cần một khoản vay dính vào nợ xấu thì tất cả các khoản vay khác ở các ngân hàng khác sẽ bị “nhảy nhóm”, tức cũng bị liệt vào nợ xấu. Tất cả thông tin nợ nần nói trên như “bánh đúc giữa sàng”, nên dù có giảm lãi suất nhưng với doanh nghiệp đã ngấp nghé phá sản thì ngân hàng dứt khoát không nên cho vay.
Đồng ý với chủ trương giảm lãi suất cho vay song không thể hạ thấp chuẩn cấp tín dụng được, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay các ngân hàng cho vay vốn vẫn phải tuân thủ các tiêu chí của quy định 1627 của NHNN (không được phép nới) như: doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính lành mạnh, có tài sản đảm bảo, có mục đích sử dụng vốn vay, không nợ xấu...
Như vậy, có thể nói những doanh nghiệp đang ngấp nghé phá sản hay có dấu hiệu phá sản sẽ không có cơ hội tiếp cận những "liều thuốc" trợ lực từ phía ngân hàng. Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng, những khó khăn hiện nay chính là hồi chuông thức tỉnh những doanh nghiệp như con bạc đã và đang lao vào những danh mục đầu tư mạo hiểm. Bởi thế, khó khăn hiện nay, chính là cơ hội để tái cơ cấu, sàng lọc lại những doanh nghiệp ốm yếu, làm ăn mạo hiểm nhưng không lượng sức mình.
Anh Tuấn