Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, dữ liệu từ UNESCO cho thấy, có hơn 1,6 tỷ người học ở hơn 190 quốc gia không thể đến trường.
Ảnh hưởng “khủng khiếp”
Thống kê cũng cho thấy, hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học trên thế giới đã bị ảnh hưởng do các tổ chức giáo dục được yêu cầu ngừng hoạt động đột ngột. Tới nay, 1/2 tổng số người học trên thế giới (hơn 800 triệu người) vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần trường học. Tại 29 quốc gia, các trường học vẫn đóng cửa hoàn toàn.
Đại dịch đã phơi bày và làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng trong giáo dục - thứ vốn đã tồn tại từ trước nhưng chưa bao giờ được giải quyết một cách thỏa đáng. Như lẽ thường, Covid-19 tác động đến những người học dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất.
Trong khi đó, sự suy thoái kinh tế của cuộc khủng hoảng đang tạo thêm áp lực lên ngân sách giáo dục quốc gia và viện trợ. Bởi, đây là thời điểm bất kỳ quốc gia nào cũng cần tăng thêm kinh phí để khôi phục nền giáo dục.
Theo báo cáo chung gần đây của Ngân hàng Thế giới và UNESCO, bất chấp nhu cầu cấp vốn bổ sung quan trọng, 2/3 các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp đã cắt giảm ngân sách giáo dục công, kể từ khi đại dịch bùng phát.
Vào tháng 10 năm ngoái, UNESCO đã triệu tập Hội nghị Giáo dục Toàn cầu. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới và đối tác đã bày tỏ cam kết bảo vệ tài chính giáo dục cũng như việc học khỏi sự tàn phá của đại dịch.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra, thông qua Liên minh Giáo dục Toàn cầu, UNESCO và hơn 160 đối tác đã được kêu gọi chú trọng tới ba vấn đề trọng tâm: Kết nối, giới tính và giáo viên. Nhờ đó, đảm bảo rằng, việc học tập không bao giờ dừng lại trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Từ việc giữ cho các trường học mở cửa đến thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, từ giải quyết tình trạng trẻ em bỏ học và sa sút trong kết quả, đến kêu gọi thêm tài trợ cho giáo dục... UNESCO đã dẫn đầu, thông qua các quan hệ đối tác và đổi mới. Qua đó, ngăn chặn “thảm họa thế hệ” và xây dựng khả năng phục hồi cũng như hệ thống giáo dục hòa nhập.
63 triệu giáo viên ảnh hưởng
Bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, giáo viên cũng như nhân viên nhà trường là những điều vô cùng cần thiết. Việc đóng cửa trường học đã gây ra sự gián đoạn lớn trong cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên.
Đồng thời, ảnh hưởng đến sự phát triển tình cảm xã hội và hạnh phúc, cũng như đời sống xã hội và các mối quan hệ của họ. Tới nay, 2/3 người học trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần của tổ chức giáo dục. Vì vậy, đại dịch đang gây ảnh hưởng ngày càng lớn đến sức khỏe tâm thần của họ.
Để có thể trở lại trường học an toàn, 100 triệu giáo viên và nhà giáo dục trên thế giới phải được ưu tiên trong các chiến dịch tiêm chủng. Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến 63 triệu giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.
Trong thời gian trường đóng cửa, những giáo viên này được yêu cầu thực hiện giảng dạy từ xa, dù chưa đủ thời gian chuẩn bị. Phương pháp giảng dạy này cũng khiến giáo viên gặp không ít hạn chế, bao gồm sự hướng dẫn không thể chi tiết tới học sinh.
Các giáo viên đã phải sửa đổi chương trình giảng dạy và điều chỉnh kế hoạch bài học. Họ phải đưa ra nhiều phương án giảng dạy khác nhau, từ không sử dụng công nghệ, đến công nghệ thấp và cao.
Thậm chí, họ phải dành nhiều thời gian để được đào tạo liên tục về giảng dạy từ xa, cách sử dụng các công nghệ sẵn có và những phương pháp sư phạm linh hoạt thay thế để áp dụng trực tuyến. Ngoài ra, giáo viên cũng là người phải biết kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa trong tương lai.
Bỏ lỡ 2/3 năm học
Việc học bị gián đoạn không còn được tính bằng ngày, hay tuần mà tính bằng tháng. Trung bình trên toàn thế giới, có 2/3 năm học đã trôi qua vô nghĩa, do các tổ chức giáo dục đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai tươi sáng càng cao. 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học.
Một nghiên cứu mới của UNESCO cho thấy, có hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc thông thạo tối thiểu, do tác động của việc đóng cửa trường học. Giáo viên được yêu cầu đào tạo, hỗ trợ về việc điều chỉnh chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá. Nhờ đó, có thể đo lường và giảm mất mát trong học tập, cũng như tạo động lực để học sinh tiếp tục tới trường.
Việc đóng cửa trường học cũng trở thành mối đe dọa đối với những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ trong vấn đề bình đẳng giới. Tình trạng này khiến nhiều trẻ em gái phải đối mặt với bạo lực do giới tính, lạm dụng tình dục, mang thai ở tuổi vị thành niên và tảo hôn. Việc đóng cửa trường học cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng để bảo vệ dinh dưỡng, sức khỏe và hạnh phúc.
Những mối bận tâm trước mắt cần được giải quyết bao gồm khả năng học tập bị tước đoạt do Covid-19, cách đánh giá và đưa ra biện pháp khắc phục. UNESCO kêu gọi, cần thực hiện nhiều hơn nữa để chống lại sự gia tăng của các “lỗ hổng” học tập và bất bình đẳng hiện có. Đồng thời, ngăn chặn nguy cơ gia tăng học sinh bỏ học.
Chuyển đổi kỹ thuật số và tương lai của giáo dục
Hiện nay, có khoảng 1/2 dân số thế giới (khoảng 3,6 tỷ người) vẫn thiếu kết nối Internet. Điều này có nghĩa là ít nhất 463 triệu hoặc gần 1/3 người học trên toàn cầu không thể tiếp cận với phương pháp học từ xa. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chính sách học trực tuyến hoặc không đủ công cụ cần thiết để kết nối Internet từ nhà. Nhiều học sinh không có khả năng kết nối, thiết bị và kỹ năng kỹ thuật số thích hợp để tìm và sử dụng nội dung giáo dục phụ thuộc vào công nghệ.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, gần 500 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông không được tiếp cận với bất kỳ hình thức học tập từ xa nào. 3/4 trong số đó sống ở các hộ gia đình hoặc vùng nông thôn nghèo nhất. Khoảng cách “khổng lồ” về kỹ thuật số này cho thấy, kết nối đã trở thành yếu tố “then chốt” để đảm bảo quyền được giáo dục.
UNESCO khuyến cáo, kỹ năng kỹ thuật số và học tập phải được đưa vào hệ thống giáo dục. Nhờ đó, có thể giải quyết sự bất công của khoảng cách kỹ thuật số. Vấn đề quan trọng này hiện được thảo luận thông qua sáng kiến Tương lai của Giáo dục của UNESCO - một cuộc trò chuyện toàn cầu nhằm hình dung lại cách kiến thức và học tập có thể định hình tương lai của nhân loại và hành tinh. Báo cáo sẽ được công bố vào tháng 11/2021.
Lẽ tự nhiên là phần lớn sự chú ý của công chúng tập trung vào những thách thức ngắn hạn xung quanh vấn đề sức khỏe và việc làm. Tuy nhiên, những thiệt hại về học tập sau khi đóng cửa trường học sẽ phủ “bóng đen lớn” lên phúc lợi kinh tế của các cá nhân và quốc gia. Những người có kỹ năng thấp hơn sẽ không mang lại hiệu quả trong công việc.
Đồng thời, họ ít có khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, trong khi có nhiều khả năng được nhận trợ cấp xã hội. Khác với tác động kinh tế trực tiếp của đại dịch, vốn chỉ là tạm thời, những ảnh hưởng này có khả năng sẽ duy trì vĩnh viễn. Nói một cách khác, trường học của chúng ta hôm nay là nền kinh tế của chúng ta ngày mai.
Yếu tố quyết định “thành” – “bại”
Mặc dù rất khó dự đoán chính xác hậu quả, song các nhà kinh tế học Eric Hanushek và Ludger Woessmann ước tính, học sinh từ lớp 1 - 12 có thể chịu mức thu nhập thấp hơn 3% trong suốt cuộc đời do Covid-19. Các nhà nghiên cứu đặt giả định rằng, việc học bị gián đoạn do Covid-19 tương đương với bỏ lỡ trung bình 1/3 thời gian của một năm học.
Một số người cho rằng, người học sẽ bắt kịp khi các trường tái hoạt động. Tuy nhiên, kết quả từ các đánh giá PISA của OECD cho thấy, không có sự cải thiện thực sự trong kết quả học tập của học sinh trên khắp các quốc gia OECD trong hai thập kỷ qua, ngay cả khi không có đại dịch.
Có lẽ, không nơi nào chất lượng của một hệ thống trường học vượt quá chất lượng giáo viên. Các hệ thống trường học hàng đầu lựa chọn và đào tạo đội ngũ giảng viên vô cùng cẩn thận. Họ mang lại môi trường nơi giáo viên được khuyến khích phát triển.
Các hệ thống trường học tốt nhất cũng cung cấp nền giáo dục chất lượng cao. Nhờ đó, cho phép mọi học sinh được hưởng lợi từ việc giảng dạy. Để đạt được điều này, những hiệu trưởng giỏi nhất được kêu gọi tới lãnh đạo tổ chức giáo dục khắc nghiệt nhất. Trong khi đó, những giáo viên tài năng nhất sẵn lòng tới các lớp học khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, các hệ thống trường học có thành tích hàng đầu thường khuyến khích giáo viên đổi mới, cải thiện thành tích, cũng như theo đuổi sự phát triển chuyên môn dẫn đến thực hành tốt hơn. Để thực hiện những cam kết được đưa ra trong thời đại kỹ thuật số, các quốc gia sẽ cần chiến lược nâng cao năng lực giáo viên.
Điều quan trọng là phải xây dựng dựa trên những nỗ lực liên tục. Qua đó, thiết lập cơ sở hạ tầng cho việc học trực tuyến và từ xa. Đồng thời, tiếp tục phát triển năng lực học và dạy của học sinh - giáo viên theo cách đó.
Việc học tập hiệu quả ngoài nhà trường trong thời kỳ đại dịch đặt ra những yêu cầu lớn hơn về quyền tự chủ, năng lực học tập độc lập, hoạt động điều hành, tự giám sát và học tập trực tuyến.
Do đó, các kế hoạch trở lại trường học nên tập trung vào những nỗ lực có chủ đích hơn để trau dồi những kỹ năng thiết yếu đó cho tất cả học sinh. Điều này rất quan trọng, bởi, khả năng cao là việc học trên toàn cầu sẽ tiếp tục bị gián đoạn, khi đại dịch chưa chấm dứt.
Tuy nhiên, người học có không ít lợi ích trong việc mở rộng thời gian và cơ hội học tập vượt ra ngoài các bức tường của trường học. Họ có thể thực hiện bằng cách học thông qua các phương thức đào tạo từ xa. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia giáo dục kêu gọi xem xét kết hợp phương thức giảng dạy trực tuyến – trực tiếp.
Theo một cách nào đó, cuộc khủng hoảng do Covid-19 mang lại đã mở ra tiềm năng to lớn cho sự đổi mới đang tiềm ẩn trong nhiều hệ thống giáo dục. Điều quan trọng là phải tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho sự đổi mới trong trường học.
Chính phủ các quốc gia có thể giúp tăng cường quyền tự chủ và tạo ra một nền văn hóa nơi những ý tưởng tuyệt vời được chắt lọc, chia sẻ. Các quốc gia cũng có thể tài trợ và đưa ra các biện pháp khuyến khích. Nhờ đó, nâng cao cấu hình và nhu cầu về những gì hoạt động hiệu quả.
Song, thực tế là, chính phủ không thể đổi mới trong lớp học. Họ có thể giúp đỡ bằng cách mở ra các hệ thống để mang tới một môi trường thân thiện, đổi mới. Điều đó có nghĩa là khuyến khích sự đổi mới trong hệ thống và mở rộng khả năng đón nhận những ý tưởng sáng tạo từ bên ngoài. Đó cũng được coi là một bài học khác từ đại dịch.
Điều quan trọng là nhiều kinh nghiệm học được trong đại dịch sẽ không mất đi khi mọi thứ trở lại “bình thường”. Thay vào đó, chúng là nguồn cảm hứng cho sự phát triển hơn nữa của giáo dục.