Ngăn chặn bạo lực học đường từ trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Để bạo lực học đường không có "đất diễn", các trường phổ thông tích cực xây dựng ngôi trường hạnh phúc, nơi học sinh được yêu thương, thấu hiểu.

Học sinh Trường THCS Xuân Quan biểu diễn văn nghệ. Ảnh: NTCC.
Học sinh Trường THCS Xuân Quan biểu diễn văn nghệ. Ảnh: NTCC.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là một trong những phương châm mà Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hướng đến nhằm xây dựng trường học là môi trường vui vẻ, thân thiện, thoải mái cho học sinh và giáo viên khi đến trường. Điều đó cũng góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, giúp học sinh nuôi dưỡng nhân cách và tình bạn đẹp.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thu, để làm được điều này, cán bộ quản lý đã tích cực đổi mới phương pháp quản lý; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, quan tâm chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh.

Về phía đội ngũ giáo viên, thầy cô nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm; luôn thương yêu học sinh như con em mình và quan tâm đến điều kiện, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Thầy cô làm tốt công tác giảng dạy lẫn quan tâm học sinh để góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh khi đến trường.

Học sinh và giáo viên Trường THPT Cao Lộc trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ảnh: NTCC.

Học sinh và giáo viên Trường THPT Cao Lộc trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ảnh: NTCC.

Nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Giáo viên chủ nhiệm giữ liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh và tăng cường trao đổi với phụ huynh về phẩm chất, đạo đức của học sinh để hai bên kịp thời tháo gỡ những khó khăn tại trường.

Hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, thiện nguyện dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các mảnh đời khó khăn trong khu vực. Học sinh nhà trường được trực tiếp tham gia các hoạt động này, từ việc chuẩn bị quà tặng đến việc tặng quà, giao lưu... Từ đó, học sinh có thể thấu hiểu hoàn cảnh của các bạn, xây dựng tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội.

Còn với cô Nguyễn Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ngôi trường hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương có thể đẩy lùi những hành vi tiêu cực như bắt nạt, bạo lực học đường. Ban giám hiệu Trường THCS Xuân Quan luôn khuyến khích giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực với học trò; duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện. Nhờ đó, bạo lực học đường sẽ không có "đất diễn".

Học sinh khi đến trường được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn. Song song, nhà trường tổ chức nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm kỹ năng sống để kết nối học sinh với học sinh, giáo viên và phụ huynh; giáo dục tình cảm tương thân tương ái, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa học sinh trong trường.

Giáo viên nhà trường phối hợp với tổng phụ trách đội giám sát chặt chẽ hoạt động của học sinh, không để xảy ra tình trạng bắt nạt, tẩy chay, đánh... gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần giữa học sinh trong lớp, trường. Nhà trường cũng mời các chuyên gia giáo dục về trò chuyện với học sinh về cách xây dựng tình bạn; ngăn chặn, phòng chống, đẩy lùi bạo lực học đường. Học sinh sẽ được thực hành hoặc tháo gỡ khó khăn cùng với các chuyên gia.

Phương châm của Trường THPT Đức Hợp là "trường như nhà, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em ruột thịt".

Phương châm của Trường THPT Đức Hợp là "trường như nhà, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em ruột thịt".

Bạn bè như anh em ruột thịt

Tại Trường THPT Đức Hợp, tỉnh Hưng Yên, thầy Hiệu trưởng Hà Quang Vinh chia sẻ phương châm của trường là “trường như nhà, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em ruột thịt”. Nhà trường quan tâm xây dựng các câu lạc bộ văn hóa thể thao như câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ Đọc sách, câu lạc bộ Bóng rổ... giúp học sinh phát huy năng khiếu, tạo sân chơi lành mạnh và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Hàng năm, nhà trường tổ chức giáo dục về bạo lực học đường thông qua đa dạng hình thức như trò chuyện, thi thuyết trình, sân khấu hóa... để học sinh nâng cao hiểu biết, nhận thức và có tư duy phản biện mạnh mẽ trước các hành vi tiêu cực.

Bạo lực học đường xuất hiện dưới nhiều hình thức, Phụ huynh có thể nhận biết con bị bắt nạt hoặc là kẻ bắt nạt qua một số dấu hiệu sau. (Nguồn: GD&TĐ).

Bạo lực học đường xuất hiện dưới nhiều hình thức, Phụ huynh có thể nhận biết con bị bắt nạt hoặc là kẻ bắt nạt qua một số dấu hiệu sau. (Nguồn: GD&TĐ).

Ban giám hiệu nhà trường đồng thời phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn theo dõi sát sao hoạt động của học sinh; kịp thời phát hiện những hành động đẹp để tuyên dương, nêu gương, khen thưởng... Bản thân các thầy cô giáo cũng phải là tấm gương về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để học sinh noi theo.

Thầy Hà Quang Vinh bày tỏ: “Giáo dục với vai trò quan trọng của mình cũng cần phải được nhìn nhận, được tiếp cận ở việc mang lại hạnh phúc cho người học và trường phải trở thành trường học hạnh phúc. Ở đó, mọi người đều có được cảm giác vui vẻ vì đạt được ý nguyện”.

Giáo viên Trường THCS Xuân Quan phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, tuyên truyền đến cho phụ huynh nội dung phòng chống bạo lực học đường để theo dõi và giáo dục con tại nhà. Đồng thời, các tổ chuyên môn, Tổng phụ trách Đội thường xuyên tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, chia sẻ những hành vi chuẩn mực phù hợp với thuần phong mỹ tục cho học sinh học tập và thực hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ