Ngắm tranh Phạm Lực trong “Hiển thị của bản sắc”

GD&TĐ -Lần đầu tiên tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn (63 Hàm Long, Hà Nội) sẽ trưng bày tranh Phạm Lực trong triển lãm mang tên “Hiển thị của bản sắc”. Tuần tranh khai mạc từ ngày 8/11 kéo dài đến hết ngày 15/11.

Họa sĩ Phạm Lực và tác phẩm của mình.
Họa sĩ Phạm Lực và tác phẩm của mình.

Họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng. Ông sinh năm 1943, thuộc thế hệ họa sĩ đầu tiên theo học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam và đã có hơn 30 triển lãm trong nước và quốc tế.

Tác phẩm trưng bày trong "Hiển thị của bản sắc"
Tác phẩm trưng bày trong "Hiển thị của bản sắc" 

Không phải bỗng nhiên, họa sĩ Phạm Lực có cả một câu lạc bộ đông đảo người say mê sưu tập tranh của riêng ông suốt những năm qua với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm.

Luôn làm chủ kỹ thuật hội họa, cùng nét tài hoa cộng với sự bình dị thấm đẫm tâm hồn Việt khi sử dụng những gam màu tươi sáng, tranh của Phạm Lực luôn được đông đảo công chúng ở mọi tầng lớp say mê.

Tranh của ông được nhiều đại sứ quốc tế và hàng trăm nhà sưu tập chuyên nghiệp nước ngoài tìm kiếm. Đặc biệt, có những nhà sưu tập mê mẩn theo đuổi họa sĩ Phạm Lực và mua tới 500 bức tranh của ông về về lưu giữ.

Một tác phẩm khác của họa sĩ Phạm Lực tại triển lãm
Một tác phẩm khác của họa sĩ Phạm Lực  tại triển lãm 

“Hiển thị của bản sắc” trưng bày 50 tác phẩm hội họa đặc sắc được chọn lọc từ hơn 500 bức tranh của họa sĩ Phạm Lực nằm trong bộ sưu tập của TS Nguyễn Sĩ Dũng - một người con cũng quê hương miền Trung đã yêu mến, gắn bó với tất cả những chặng đường sáng tác của họa sĩ Phạm Lực như một người bạn tri âm.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) và họa sĩ Phạm Lực đã gặp gỡ, kết giao, chia sẻ ý tưởng, cảm xúc từ mỗi trải nghiệm về cuộc sống, về những biến động đã trầm sâu vào tâm thức để người họa sĩ tài hoa tái hiện thành những đường nét hòa sắc rực rỡ, bạo liệt, tạo nên bản sắc rất riêng trong tranh của mình

Họa sĩ Phạm Lực đã trải qua tuổi thơ ở nơi quê ngoại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chương là chắt của đại thi hào Nguyễn Du.

Có thể, đây là nguồn gốc sâu xa của tài năng mà ông có được. Điểm tương đồng giữa những tài danh xuất chúng là tài năng nhưng sự khác nhau giữa họa sĩ Phạm Lực và cụ tổ đàng ngoại là: Đại thi hào Nguyễn Du mô tả cuộc sống bằng ngôn từ và vần điệu, Phạm Lực mô tả cuộc sống bằng đường nét và màu sắc.

Cuộc sống mà ông mô tả là những gì diễn ra trong thế kỷ XX và một phần của thế kỷ XXI. Đây là khoảng thời gian của muôn vàn những sự kiện, biến động. Trong một bối cảnh như vậy, có rất nhiều câu chuyện để kể về thân phận của con người, về nỗi sướng khổ, bi lụy của kiếp chúng sinh.

Bức tranh chợ làng chài của Phạm Lực
Bức tranh chợ làng chài của Phạm Lực 

Tranh của họa sĩ Phạm Lực mô tả những góc khuất của chiến tranh, những khung cảnh mưu sinh tần tảo, những trạng thái tâm lý đa dạng, đa chiều của những người dân đất Việt. Tất cả đều sinh động, đều chân thực đến nao lòng!

Tiếp thu và ảnh hưởng bút pháp của các thế hệ đàn anh được đào tạo từ cái nôi Trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng với cá tính sáng tạo riêng, hội họa của Phạm Lực thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật của hội họa Pháp và hội họa truyền thống Việt Nam.

Vẻ đẹp của Phố trong tranh Phạm Lực
Vẻ đẹp của Phố trong tranh Phạm Lực 

Tranh Phạm Lực phô bày nét vẽ khỏe khoắn, bạo liệt, đẩy sự hài hòa của đường nét và màu sắc đến điểm tận cùng. Đây là một sự hài hòa mong manh như “làm xiếc”, như đi trên dây. Và đây chính là điều làm nên sự đặc biệt, cuốn hút mê hồn của tranh Phạm Lực.

Trước "Hiển thị của bản sắc" đã có  cuộc triển lãm “Bút Lực” trưng bày 60 tác phẩm cũng thuộc bộ sưu tập của TS Nguyễn Sĩ Dũng, tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom tháng 4-5/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.