Thưởng lãm tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ hàng đầu châu Á tại Hà Nội

GD&TĐ - Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ hàng đầu châu Á vừa khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội.

Tác phẩm "Mặt trăng và mặt trời" của họa sĩ  Đặng Xuân Hòa.
Tác phẩm "Mặt trăng và mặt trời" của họa sĩ Đặng Xuân Hòa.

Công chúng yêu nghệ thuật Hà Nội có cơ hội được thưởng lãm 81 tác phẩm hội họa, mỹ thuật xuất sắc của 19 tác giả tiêu biểu của 13 quốc gia và vũng lãnh thổ châu Á và 8 tác giả Việt Nam.

Triển lãm góp phần mở rộng mối quan hệ, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực mỹ thuật, đồng thời thắt chặt quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á.

Tác phẩm "Công lý cho tự nhiên" của nữ họa sĩ Ragin Upadhvay Grela (Nepan).
Tác phẩm "Công lý cho tự nhiên" của nữ họa sĩ  Ragin Upadhvay Grela  (Nepan). 

Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cùng với họa sĩ Trịnh Tuân là hai vị giám tuyển của triển lãm.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi mời được những họa sĩ hàng đầu, tiêu biểu của các nước mang tác phẩm đến Việt Nam để giao lưu, gặp gỡ và trưng bày giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật.

Sau hơn 30 năm hội nhập quốc tế, mỹ thuật Việt Nam đã có những bước tiến dài, tạo được dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật.

Mỗi nghệ sĩ chính là người tiên phong, mở đường cho những ý tưởng lãng mạn, khác thường, thậm chí là viển vông, nhưng ý tưởng đó có giá trị đặc biệt là khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, kích thích người ta dám thay đổi tư duy, mở ra những không gian vũ trụ mới trong nhận thức và tư tưởng của con người…”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

Tác phẩm Vùng đất vàng của họa sĩ Kamol Tassananoee (Thái Lan).
Tác phẩm Vùng đất vàng của họa sĩ Kamol Tassananoee (Thái Lan). 

Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội và có một ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần hội nhập, tăng cường hiểu biết, kết nối và hợp tác, trao đổi nghệ thuật giữa các quốc gia, giữa các nghệ sĩ quốc tế.

Sự kiện này sẽ khởi đầu cho nhiều dự án nghệ thuật chất lượng cao tầm cỡ quốc tế trong tương lai tại Việt Nam do Bộ VHTT&DL đăng cai tổ chức.

Bắt đầu từ năm nay, Triển lãm tập trung thực hành hội họa đa dạng và độc đáo của khu vực châu Á được dự kiến tổ chức định kỳ hai năm một lần.

Tác phẩm "Con ngựa và chiếc xe ngưa" của họa sĩ U Lun Gywe (Myanmarr).
Tác phẩm "Con ngựa và chiếc xe  ngưa" của họa sĩ U Lun Gywe (Myanmarr).

19 gương mặt tiêu biểu của hội họa các nước Malaysia, Nepan, Philipines, Singapore, Australia, Bangladest, Hồng Kông - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan …chủ yếu giới thiệu tác phẩm tranh vẽ.

Tác phẩm Vô đề của họa sĩ điêu khắc Lê Lạng Lương.
 Tác phẩm Vô đề của họa sĩ điêu khắc Lê Lạng Lương.
8 họa sĩ Việt Nam tham gia triển lãm thuộc nhiều thế hệ, gồm: Đặng Xuân Hòa, Trần Lưu Hậu, Lê Quảng Hà, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Quang Bạo, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền và Trần Văn An. Các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm cả sắp đặt điêu khắc và tranh.
Tác phẩm "Con gái" của họa sĩ điêu khắc Tạ Quang Bạo
Tác phẩm "Con gái" của họa sĩ điêu khắc Tạ Quang Bạo 

“Cho đến bây giờ, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á được các nghệ sĩ gây dấu ấn bằng những tác phẩm hội họa đương đại rất thú vị, phá cách khi sử dụng sơn mài và lụa làm chất liệu. Đây là một đóng góp quan trọng của Việt Nam cho nền nghệ thuật đương đại toàn cầu…

Bên cạnh đó, các kỹ thuật vẽ tranh sơn mài, bao gồm công đoạn mài các lớp màu cũng được nhiều họa sĩ áp dụng để vẽ trên toan, nhờ đó tạo nên những tác phẩm tranh sơn dầu phong phú và giàu lớp lang”, ông Jorn Middelborg - Cố vấn nghệ thuật của triển lãm nhận xét.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 25/11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ