Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, Mỹ lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính quyền Mỹ không có bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy ý định sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga - theo tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Lầu Năm Góc.
Lầu Năm Góc.

Bình luận về quyết định của Moscow về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở Belarus theo yêu cầu của Minsk, ngày 25/3, dịch vụ báo chí của Lầu Năm Góc cho biết họ thấy không có lý do gì để điều chỉnh việc triển khai lực lượng hạt nhân của mình.

"Chúng tôi đã xem thông báo của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình này.

Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tập thể liên minh NATO" - tuyên bố của Lầu Năm Góc nói.

Về phần mình, Nhà Trắng cũng đưa ra một tuyên bố tương tự bằng văn bản.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ đã lặp lại những tuyên bố này khi bình luận về một số quyết định của chính quyền Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, theo yêu cầu của phía Belarus, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở quốc gia này, như Mỹ đã làm từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh.

Nga đã bàn giao cho Belarus hệ thống Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân và sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước cộng hòa này vào ngày 1/7, ông Putin cho biết.

Ông Putin giải thích rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga tại Belarus được thúc đẩy bởi quyết định cung cấp cho Kiev vũ khí uranium nghèo của Anh.

Trước đó vào tháng 3, Anh nói rằng họ có kế hoạch gửi loại đạn này tới Ukraine để sử dụng cho xe tăng chiến đấu Challenger 2. Moscow chỉ trích động thái này là dấu hiệu của “sự liều lĩnh và vô trách nhiệm” từ phía London và Washington.

Mỹ đã bác bỏ những lo ngại của Nga bằng cách gọi đạn uranium nghèo là "loại đạn thông thường" đã "được sử dụng trong nhiều thập kỷ".

Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng việc sử dụng loại đạn trên có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, viện dẫn hậu quả của việc NATO sử dụng những loại vũ khí như vậy ở Iraq.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ