Nga sản xuất bao nhiêu oanh tạc cơ Tu-22M3 và còn lại bao nhiêu chiếc?

GD&TĐ - Việc mất đi từng chiếc máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 là điều vô cùng đau đớn đối với Nga bởi phi đội đang bị hao hụt.

Nga sản xuất bao nhiêu oanh tạc cơ Tu-22M3 và còn lại bao nhiêu chiếc?

Sau khi mất một máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 khác trong năm nay do thảm họa ngày 15 tháng 8 ở vùng Irkutsk, câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu oanh tạc cơ loại này được sản xuất ở Liên bang Nga mỗi năm, và bao nhiêu chiếc còn lại ở đó?

Theo thống kê, những tổn thất không chỉ do thảm họa mà còn bởi hành động của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cụ thể như sau:

- 2 chiếc bị máy bay không người lái tầm xa làm hư hại tại căn cứ không quân Olenya vào ngày 25 tháng 7 năm 2024.

- 1 chiếc bị S-200 bắn hạ vào ngày 19 tháng 4 năm 2024.

- 1 chiếc bị phá hủy, 2 chiếc hư hại tại căn cứ không quân Soltsi do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào ngày 19 tháng 8 năm 2023.

- 3 chiếc (theo thông báo của các công tố viên Nga) đã bị hư hại tại căn cứ không quân Diaghilev do cuộc tấn công của máy bay không người lái tầm xa vào ngày 5 tháng 12 năm 2022.

fd266bf021ac7af9.jpeg
Máy bay ném bom Tu-22M3 bị phá hủy tại Căn cứ Không quân Soltsi.

Đồng thời cần lưu ý rằng trong trường hợp bị hư hỏng, việc sửa chữa những chiếc máy bay này theo nhận xét là cực kỳ khó khăn do đã quá cao tuổi, nhiều phi cơ thậm chí hết hạn sử dụng từ lâu.

Cần nhấn mạnh, Liên bang Nga không sản xuất Tu-22M dưới bất kỳ phiên bản nào, chiếc Tu-22M3 cuối cùng hoàn thành vào năm 1993 cũng là máy bay của Liên Xô. Nguồn dự trữ duy nhất Moskva có là 6 chiếc đã hoạt động được 30 năm. Ngoài ra họ có thể cố gắng khôi phục các máy bay đã ngừng hoạt động và đang được cất giữ.

Nhưng vấn đề chính đối với người Nga là động cơ NK-25 không còn được sản xuất cho Tu-22M3 nữa, thiết bị này bị ngừng chế tạo vào năm 1996, nghĩa là mọi cơ hội để khôi phục thêm máy bay đều bị xem là vô vọng nếu chưa giải quyết xong nút thắt.

Đó là lý do tại sao Nga muốn lắp đặt động cơ NK-32 từ Tu-160 cho phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3M. Việc sản xuất phiên bản NK-32-02 đã được tiếp tục vào năm 2016, nhưng động cơ này rất cần thiết cho quá trình hiện đại hóa, thậm chí là nỗ lực tiếp tục sản xuất (một phần cũng dựa trên dự trữ từ thời Liên Xô) phiên bản Tu-160M.

Hiện vẫn chưa có thông tin gì về việc lắp đặt động cơ NK-32-02 trên Tu-22M3M. Hơn nữa quá trình hiện đại hóa - được cho là cập nhật 80% thiết bị vô tuyến điện tử, mở rộng phạm vi vũ khí và bổ sung cần tiếp nhiên liệu trên không... chỉ giúp máy bay hoạt động thêm khoảng 10 năm.

Quá trình hiện đại hóa đang diễn ra rất chậm trễ và chỉ có 2 chiếc Tu-22M3M được thông báo đã hoàn thành. Vì vậy, mỗi chiếc Tu-22M3 bị mất đều là tổn thất lớn đối với Liên bang Nga. Bởi vì máy bay mới chưa được sản xuất và tất cả những gì có thể làm là "hoàn thiện" những thứ còn sót lại từ thời Liên Xô.

7f666bf029b20681.jpg
Một chiếc Tu-22M3M với cần tiếp nhiên liệu trên không được bổ sung.

Về số lượng Tu-22M3 trong biên chế Không quân Nga, ước tính của Military Balance 2023 cho biết có khoảng 57 chiếc "trên giấy". Chúng được vận hành bởi các Trung đoàn hàng không hỗn hợp 200, 52 và 40 đóng tại sân bay Belaya, Shaykovka và Olenya.

Ngoài ra, điều cực kỳ quan trọng là Liên bang Nga chỉ muốn gửi tối đa 30 máy bay để hiện đại hóa lên cấp độ Tu-22M3M, và chính con số này có thể được coi là tài liệu tham khảo tin cậy nhất về số lượng còn lại.

Trên thực tế, quy mô phi đội còn nhỏ hơn nữa vì không phải tất cả các máy bay Tu-22M3 đều trong tình trạng có thể bay. Đặc biệt khi việc sử dụng chúng vốn rất tích cực vào năm 2022, nay đã giảm xuống chỉ còn những đợt tấn công.

Máy bay ném bom siêu âm tầm xa Tu-22M3 Backfire của Nga.
Theo Defense Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ