“Ngã ngửa” với cách xưng hô của bạn đời lúc yêu và sau cưới

Có một sự khác biệt khá "khủng" trong giọng điệu, cách xưng hô của nhiều cặp vợ chồng lúc yêu và sau khi cưới.

“Ngã ngửa” với cách xưng hô của bạn đời lúc yêu và sau cưới
Khi được hỏi về cách xưng hô giữa vợ - chồng lúc yêu và khi cưới, anh Đăng (35 tuổi) thở dài cho hay: “Khác biệt một trời một vực!”.

Anh kể, vợ anh trước đây có đến nỗi nào, vì nếu có đến nỗi nào thì chắc anh cũng chẳng yêu và cưới về làm vợ được, chị nhà cũng biết ăn nói và nói chuyện có duyên là đằng khác. 

“Thế mà chỉ được mỗi 1 năm sau ngày cưới, còn từ khi con đầu lòng của bọn tôi ra đời là vợ như biến thành người khác vậy. Vợ thường xuyên cau có, cáu kỉnh, và đi kèm với đó là những câu xưng hô với tôi cũng chẳng dễ nghe gì cho cam” – anh Đăng buồn rầu nói. 

Anh Đăng bảo, câu cửa miệng của vợ anh ở nhà với chồng là: “Tôi đã bảo mà…”, “Tôi nói có sai đâu…”. “Xưng ‘tôi’ với chồng thì có khác gì nói ‘tao’ đâu, đã thế vợ mình lại còn luôn cao giọng như quát mắng ấy, khiến mình nghe mà hụt hẫng, chán nản vô cùng. 

Đã đành những lúc cãi vã, cảm xúc tức giận khiến người ta không thể nói được nhẹ nhàng thì đã đành, đằng này chẳng có chuyện gì vợ mình cũng sử dụng những đại từ như thế để xưng hô với chồng” - người chồng này chia sẻ.

Ngán ngẩm, nhiều lần anh Đăng đã góp ý với vợ, lúc thì nói khéo, khi thì nói thẳng thắn, ấy vậy mà chị nhà vẫn không biến chuyển gì. Không những thế, chị còn lí do: “Mệt bỏ xừ, vừa việc cơ quan vừa việc nhà, hơi sức đâu mà tôi ngọt với chả ngào được nữa!”.

 “Mình viết vợ cũng phải chịu nhiều áp lực, nhưng có phải mình không chia sẻ việc nhà, chăm con với vợ đâu! Mình cũng có được sung sướng, nhàn hạ gì. Hơn nữa, ngọt ngào hay bỗ bã, nó cũng vẫn chỉ là 1 câu nói, 1 câu xưng hô, nói khác đi có phải khiến người nghe dễ chịu hơn bao nhiêu không” – anh trần tình.

Anh Đăng cũng không khỏi nhớ lại một thời huy hoàng đã qua, ấy là cái thời anh và vợ vẫn còn là người yêu và khi mới cưới. “Cái hồi đó, vợ mình một câu ‘chồng ới chồng, hai câu ‘chồng ơi chồng’, ‘anh ơi anh à’, nghe mà sướng cả tai, phấn chấn tinh thần thêm bao nhiêu. 

Mình cũng không phải người quá ưa ngọt, cũng không yêu cầu vợ lúc nào cũng phải ngọt ngào, nịnh nọt, nhưng chả lẽ 1 câu xưng hô đơn giản ‘anh - em’, ‘vợ - chồng’ với chồng mà vợ mình cũng không nói được? Có lúc bực quá, mình cũng ‘tôi - cô’ lại với vợ, nhưng được vài hôm thì tự mình thấy nản, vì như thế thì còn gì là tình cảm vợ chồng , không khí gia đình nữa. 

Thế là mình lại phải tự thay đổi, còn vợ thì vẫn trơ như đá, vững như kiềng 3 chân, họa hoằn nghe vợ xưng ‘em’ với mình thì đúng là hôm đó mình vui cả ngày” - anh Đăng thở dài nói về tính khí khó đổi của vợ mình.

Anh còn kể thêm, thậm chí khi có mặt người ngoài, vợ anh cũng vẫn quen miệng “tôi – anh” với chồng khiến anh vừa buồn vừa giận, vừa ngượng với mọi người. “Nhưng nói mãi mà vợ vẫn chả thay đổi gì, chả lẽ mình lại đánh vợ vì chuyện đó” – anh Đăng gần như bất lực chia sẻ.
Xưng hô vợ chồng
Cũng có chung nỗi lòng với anh Đăng là chị Phượng (32 tuổi). Chị bày tỏ, chồng chị, trong cách xưng hô với vợ trước và sau khi cưới thì cứ gọi là một trời cách biệt.

“Khi đang yêu , chẳng nói chắc mọi người cũng biết, anh chàng nào chả gọi người yêu mình bằng những từ ngữ đáng yêu, dễ thương nhất. Ông xã mình cũng không phải là ngoại lệ. Nào thì ‘em yêu, bé yêu, cô gái của lòng anh, tình yêu của anh, honey, my love’… thôi thì đủ cả các mĩ từ để người ta bày tỏ sự yêu thương với 1 người con gái. 

Phải nói mình vui sướng ngất ngây, vì so với những cô bạn khác của mình, chỉ toàn ‘anh - em’ một cách nhàm chán thì rõ ràng người yêu mình khá khẩm hơn hẳn” - chị Phượng nhớ lại “một thời đã xa”.

Chị Phượng giãi bày, khi cưới nhau về, nhất là sau khi chị sinh con đầu lòng, thì những cách xưng hô của chồng chị dành cho vợ vẫn còn khá là phong phú, nhưng tính chất thì thay đổi hoàn toàn. “Lúc này thì tất cả em yêu với honey gì gì đó chuyển sang hết thành ‘cá sấu chúa, khủng long bạo chúa, gấu mẹ, đười ươi lười’…, nghe mà não hết cả lòng” - chị thở dài thườn thượt.

Chị Phượng cũng nhiều lần ca thán, góp ý với chồng nhưng anh chỉ nhún vai thờ ơ: “ Vợ chồng rồi, ai còn gọi nhau như hồi đang yêu, ‘chuối’ lắm, người ngoài nghe được người ta cười cho thối mũi”. Anh nói thế thì chị cũng đành chịu, chẳng biết nói thế nào nữa. 

Nhưng khi chị cũng áp dụng lại với anh y hệt những gì anh thể hiện với chị thì anh tỏ rõ vẻ khó chịu ra mặt. Chị vặn vẹo, anh lí giải theo cái lí của riêng anh: “Anh là đàn ông, là chồng, anh gọi em thế được. Em là vợ, là phụ nữ , gọi chồng em như thế là hỗn đấy, biết không hả?”.

Chị Phượng rầu rĩ cho biết thêm: “Chồng mình lại còn thêm cái khoản nói trống không, nói như ra lệnh với mình nữa chứ, thật là chán không để đâu cho hết. Ai đời, vợ ốm, anh ấy cũng đi mua thuốc, mua cháo cho mình nhưng về vứt phịch ở đấy rồi ra lệnh: ‘Ăn đi!’, đi làm về nhìn thấy mình thì hất hàm hỏi: ‘Đỡ chưa?’. 

Thật sự nghe xong chả muốn trả lời nữa. Giá kể anh ấy thêm cái chủ ngữ ‘Em’ vào và hạ cái ngữ điệu xuống cho mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn thì có phải mình sẽ cảm động vô cùng không”.

“Chồng mình cũng không có gì là không tốt, cũng thương vợ thương con, ngoại trừ cái kiểu xưng hô với vợ như thế khiến mình chẳng cảm nhận được chút nào gọi là tình cảm vợ chồng ngọt ngào, thắm thiết cả. Nhớ lại cái hồi còn yêu nhau, đầy nồng nàn say đắm, chỉ trực chờ rót vào tai mình những lời đường mật thì đúng là chỉ còn ‘mong ước kỉ niệm xưa’” - người vợ này chán nản kết thúc câu chuyện.
Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...