“Họ công bố một số tài liệu, một phần trong số đó là giả, phần khác chưa được xác định. Chúng tôi đã trải qua vấn đề này nhiều lần” – phát ngôn viên Maria Zakharova nói khi bình luận về tuyên bố của JIT ngày 14/11 theo đó cho rằng Nga được cho là đã gây ảnh hưởng đối với các sự kiện liên quan đến vụ tai nạn MH17.
“Phán quyết đã được đưa ra. Phần còn lại chỉ là bóp méo các tài liệu để ủng hộ cho chiến thuật truy tố đã chọn, đó là quan điểm của nhóm JIT” – bà Zakharova nói thêm.
Theo thông cáo báo chí mà JIT công bố hôm qua, “JIT đang xem xét thông tin về các cá nhân trong hệ thống phân cấp hành chính và quân đội (Nga) đã cho phép việc bắn rơi MH17 ở Đông Ukraine bằng một tên lửa BUK TELAR”.
Vụ tai nạn MH17
Chiếc Boeing-777 thực hiện chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia đang bay từ Amsterdam của Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia thì bị bắn rơi ở phía đông khu vực Donetsk vào ngày 17/7/2014. Kết quả là 198 công dân của 10 nước đã bị thiệt mạng. Các bên tham chiến ở Donbass cáo buộc nhau có liên quan đến thảm kịch này.
Ngày 24/5/2018, Nhóm Điều tra chung (JIT) gồm các đại diện từ Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đã công bố cuộc điều tra tội phạm đối với thảm kịch MH17. Theo JIT, “tên lửa BUK-TELAR đã được sử dụng để bắn rơi MH17 có nguồn gốc từ Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 – một đơn vị của quân đội Nga ở Kursk, thuộc Liên bang Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc cho rằng không có hệ thống phòng không nào của quân đội Nga từng đi qua biên giới giữa Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định tên lửa được cho là bắn máy bay MH17 đã được trao cho lực lượng vũ trang Ukraine năm 1986 và không thuộc sở hữu của quân đội Nga kể từ đó.