Bộ Khoa học và Giáo dục, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Hợp tác Nga đã đề nghị chính phủ tăng hạn ngạch học bổng đối với sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học của Nga lên 30%.
Các quan chức Nga khẳng định, việc đào tạo các sinh viên nước ngoài tại Nga là cần thiết để “hình thành giới tinh hoa dân tộc thân Nga”, những người “sẽ thúc đẩy hiệu quả hơn nữa các lợi ích của Nga theo hướng lâu dài”.
Nga sẽ chi 206 triệu rouble ngân sách bổ sung cho các suất học bổng của sinh viên nước ngoài trong năm 2016, còn đến năm 2019 Nga sẽ chi 4,5 tỷ rouble cho “công cụ quyền lực mềm” này.
Dự thảo nghị quyết của chính phủ Nga về vấn đề này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng 1 năm 2016. Số lượng học bổng theo diện ngân sách dành cho sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Nga sẽ tăng từ 15 đến 20 nghìn suất. Mục đích của việc tăng hạn ngạch trước hết là tăng hiệu quả “sức mạnh mềm” của nước Nga”. Trước đây, ban lãnh đạo Liên Xô cũ cũng ủng hộ một chính sách tương tự, vì vậy một loạt các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học tổng hợp hữu nghị các dân tộc đã giữ những chức vụ quan trọng tại chính phủ các nước khối xã hội chủ nghĩa.
Bà Ljubov Glebova – Giám đốc Cơ quan hợp tác Nga vui mừng cho biết, trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có nhiều phức tạp nhưng mối quan tâm đối với hợp tác nhân đạo ngày càng phát triển.
Do nhận được 16.000 đơn xin học trong năm nay từ 160 nước, cơ quan này đã đề nghị phải tăng hạn ngạch học bổng.
Điều quan trọng đối với nước Nga là những người tốt nghiệp trở về quê hương sẽ trở thành các bác sỹ nổi tiếng, những nhà doanh nghiệp có ảnh hưởng, hay thậm chí là các bộ trưởng. Và những người như vậy luôn luôn có thái độ tốt đối với nước Nga.
Theo số liệu của Cơ quan hợp tác Nga, các nước Angola, Bangladesh, Bulgaria, Brazil, Venezuela, Việt Nam, Đức, Zambia, Jordan, Iran, Yemen, Palestine, Serbia, Syria, Somalia, Sudan, Mông Cổ, Nam Phi và nhiều nước khác sẽ được nhận các suất học bổng bổ sung.
Các nước châu Á sẽ được nhận thêm 2.200 suất học bổng, châu Phi – 1.200 suất, các nước SNG – 700 suất, các nước Đông Âu – 500 suất, còn EU và châu Mỹ La tinh cùng nhận như nhau 200 suất học bổng.
Riêng Việt Nam nhận được 795 suất học bổng trong năm nay và đến năm 2018 con số này sẽ tăng lên 1.000 suất.