Nga không lo ngại khi đạn nhiệt áp tấn công?

GD&TĐ - Lực lượng Nga đang tỏ ra lo ngại khi bị quân đội Ukraine sử dụng vũ khí nhiệt áp tấn công ở tiền tuyến.

Đạn nhiệt áp từ UAV Ukraine đánh trúng mục tiêu.
Đạn nhiệt áp từ UAV Ukraine đánh trúng mục tiêu.

Hình ảnh xuất hiện gần đây cho thấy binh sĩ Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ mang đạn phá mảnh lao vào đục thủng mái căn nhà nghi là nơi người lính Nga ẩn nấp, sau đó cho chiếc thứ hai gắn đạn nhiệt áp lao qua lỗ thủng, tạo ra vụ nổ lớn phá hủy công trình.

Lực lượng Ukraine tuyên bố phá hủy căn nhà sau vụ tập kích.

Biên tập viên David Hambling của Forbes ngày 23/1 nhận định: "Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) có sức công phá ngang đạn pháo cỡ nhỏ, với lượng thuốc nổ mang theo chỉ vài kg.

Tuy nhiên, loại đạn nhiệt áp mới giúp chúng đủ sức phá hủy các tòa nhà và công sự đối phương. Đạn nhiệt áp không phải siêu vũ khí, song rất lý tưởng để lắp lên UAV để phá hủy mục tiêu trong không gian kín".

Chuyên gia về UAV, Samuel Bendett hiện đang làm cố vấn cho Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) và Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS), cho biết, lực lượng Nga đang lo ngại về UAV mang đạn nhiệt áp của Ukraine. Bởi loại vũ khí này có thể phá hủy công sự kiên cố chỉ sau hai đòn tập kích.

Theo Hambling, sức phá hủy của đạn nhiệt áp không nằm ở vụ nổ mà chúng tạo ra. Loại đạn này khi kích hoạt sẽ tạo ra một đám mây chất lỏng dễ cháy trong không gian kín, sau đó kích nổ để tạo ra quả cầu lửa khổng lồ, hút sạch oxy trong không gian kín.

Sức công phá của vụ nổ đạn nhiệt áp không lớn như đạn thông thường, nhưng nó kéo dài hơn, gây ra sức tàn phá lớn hơn cho công trình. Đạn nhiệt áp không gây thương tích trong bán kính hàng trăm mét như loại văng mảnh, song gây sát thương cao hơn trong không gian hẹp.

Hambling cho rằng, đây là lần đầu tiên quân đội Nga quan ngại về đạn nhiệt áp đến từ UAV đối thủ bởi họ là bên sử dụng nhiều nhất loại vũ khí này, vì vậy sức phá hủy của chúng, lực lượng Nga là bên biết rõ nhất.

Hiện quân đội Nga sử dụng một số loại vũ khí nhiệt áp như tổ hợp pháo phản lực TOS-1A, có biệt danh là "pháo phun lửa", có thể gây thiệt hại rất lớn cho đối phương. Tuy nhiên, TOS-1A có tầm bắn không xa và dễ bị FPV của đối phương phản đòn.

"Đạn nhiệt áp cỡ nhỏ có thể tập kích chính xác hơn. Quân đội Ukraine thường dùng UAV mang lựu đạn nhiệt áp RGT27-S2 để phá hủy phương tiện chiến đấu mà Nga bỏ lại. Vụ nổ tạo ra sức công phá và ngọn lửa phá hủy những phương tiện này, khiến đối phương không thể tái sử dụng chúng", Hambling cho biết.

Lực lượng Ukraine đang dùng FPV mang đạn nhiệt áp cỡ lớn hơn để tập kích các tòa nhà và công sự. UAV có thể bay qua cửa sổ vào bên trong, hoặc dùng đạn thường phá nóc công trình rồi thả hoặc cho phương tiện mang đạn nhiệt áp lao qua lỗ hổng.

"Vũ khí nhiệt áp cho phép người điều khiển FPV nhắm mục tiêu hiệu quả nhằm vào từng binh lính của đối phương, dù họ đang ẩn náu trong các tòa nhà hay công sự. Bất cứ lực lượng quân đội nào đang cố thủ trong khu vực hoạt động của FPV mang đạn nhiệt áp đều gặp nguy hiểm", Hambling nói.

Mặc dù vậy, những vị chuyên gia này không đề cập đến khả năng Nga áp dụng chiến thuật UAV mang đạn nhiệt áp tấn công đối phương như Ukraine đang thực hiện.

Biên tập viên Hambling thừa nhận Nga đang tăng tốc chế tạo UAV FPV và trang bị đạn nhiệt áp cho nhiều phương tiện.

Hiện nay, cả Nga và Ukraine đang tăng cường sử dụng UAV trên tiền tuyến, đồng thời triển khai các biện pháp đối phó với loại vũ khí này của đối phương.

UAV FPV có lượng thuốc nổ, tầm bay và tốc độ thua kém đạn pháo, song giá rẻ hơn nhiều, dễ chế tạo và có thể phá hủy mục tiêu đắt gấp hàng nghìn lần.

Nga được đánh giá đang chiếm ưu thế vượt trội trước Ukraine trong tác chiến bằng UAV.

Lực lượng Ukraine trên tiền tuyến thừa nhận lực lượng Nga sở hữu lượng UAV gấp 5-7 lần họ.

Nhiều binh sĩ Ukraine từng cho biết họ buộc phải bỏ thiết giáp để hành quân bộ gần 10 km tới vị trí tác chiến do sợ UAV Nga tấn công.

Clip UAV Ukraine mang đạn nhiệt áp đánh trúng mục tiêu được cho là có lính Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ