"Chúng tôi có kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng Armata vào trong năm 2018. Chi phí của Armata chắc chắn sẽ thấp hơn các mẫu xe tăng của phương Tây hiện nay", ông Khalitov tiết lộ.
Được biết, ngay trước khi ông Khalitov tiết lộ những thông tin trên, khi trả lời hãng Sputnik, ông Oleg Siyenko, Giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod đã tiết lộ thông tin giật mình về mức giá của T-14 Armata.
Cụ thể, mức chi phí để sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata sẽ là 250 triệu rúp/chiếc (tương đương 3,7 triệu USD) - mức giá thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu (7,5 triệu USD). Với mức gia này, T-14 Armata trở nên rất cạnh tranh với các đối thủ tới từ Mỹ và châu Âu trên thị trường xuất khẩu.
Xe tăng T-14 Armata.
Cũng theo Sputnik, các đối thủ cạnh tranh với tăng Armata, như Leopard 2 của Đức, M1 Abrams của Mỹ và Challenger 2 của Anh có chi phí đắt đỏ hơn nhiều (từ 6,8 đến 8,6 triệu USD/chiếc). Chỉ xe tăng chủ lực Type 99 của Trung Quốc là có giá rẻ hơn, với chi phí khoảng 2,6 triệu USD.
Mức giá thấp của Armata, được nhà sản xuất quảng bá là chiếc tăng hiện đại nhất thế giới, chủ yếu nhờ việc đồng ruble mất giá tới 50% so với đồng USD, tính từ đầu năm 2014, Sputnik cho biết.
Theo ông Victor Murakhovski, một thành viên trong hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng Nga, thông số kỹ thuật của T-14 Armata vượt trội hơn đáng kể so với đối thủ Mỹ.
"Nếu so sánh thông số kỹ thuật trên giấy tờ, hiệu quả hỏa lực và mức độ bảo vệ của lớp giáp trên Armata vượt trội hơn Abrams từ 30-40%. Về giá cả, cần lưu ý rằng khi mua xe tăng, còn có các chi phí đi kèm về đạn dược, cơ sở bảo dưỡng, đào tạo kíp xe…
Vì điều này, giá một chiếc xe tăng sẽ đắt đỏ hơn nhiều nếu xét trên từng đơn vị riêng lẻ", ông Murakhovski giải thích và cho biết thêm, chính vì vậy mức giá của Armata được đưa ra là rất hấp dẫn đối với khách hàng.
Được biết, tại đại lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít 9/5/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết rằng quân đội Nga sẽ nhận được 2.300 chiếc xe tăng mới dưới một chương trình kéo dài tới tận năm 2020. Tuy nhiên chương trình đó được phát triển và lên kế hoạch ngân sách từ năm 2011, trước khi cuộc suy thoái kinh tế diễn ra tại Nga từ năm 2014.
Với việc nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng như hiện nay, Nga sẽ khó có thể mua được 2.300 chiếc Armata. Điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất hàng loạt chiếc xe, dự kiến bắt đầu từ năm 2018.