Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với người đồng cấp Joe Biden tại thủ đô Washington và có bài phát biểu trước Quốc hội. Để "đáp lễ", chính quyền Mỹ thông báo sẽ viện trợ quân sự thêm cho Kyiv 2 tỷ USD, trong đó đáng chú ý nhất bao gồm một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot - vũ khí mà Ukraine mong đợi từ lâu nay.
Patriot là từ viết tắt của “Phased Array Tracking Radar for Intercept on Target - Radar theo dõi mảng pha để đánh chặn mục tiêu”, nó được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và chiến đấu cơ.
Quân đội Hoa Kỳ trước kia không muốn tặng Ukraine hệ thống Patriot, nhưng việc Nga tiếp tục ném bom cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Kyiv đã thuyết phục người Mỹ làm điều đó.
Khẩu đội Patriot bao gồm 8 bệ phóng gắn trên xe tải, với 4 tên lửa đánh chặn trên mỗi xe. Ngoài ra còn có 1 radar mảng pha và 1 trạm điều khiển với hệ thống kiểm soát hỏa lực được vi tính hóa cùng nhiều máy phát điện để cung cấp năng lượng. Cần khoảng 90 binh sĩ bảo trì cho khẩu đội, nhưng chỉ 3 trắc thủ là đủ để vận hành bộ phận điều khiển hỏa lực.
Patriot sẽ không sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức. Phải mất một thời gian dài để chuyển giao hệ thống và huấn luyện người vận hành, và tất cả đều nói rằng có thể phải mất 10 tháng trước khi Patriot đi vào hoạt động ở Ukraine. Dự kiến binh sĩ nước này sẽ được đào tạo tại Đức.
Quân đội Mỹ trước đây đã gửi khẩu đội Patriot tới Ba Lan, Iraq và Saudi Arabia. Trong số những khách hàng khác, Đức, Nhật Bản và Israel đã mua hệ thống vũ khí này.
Hệ thống Patriot đã được sử dụng tích cực kể từ Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Gần đây, nó đã hoạt động một cách tích cực trong cuộc xung đột ở Yemen, khi đánh chặn rất nhiều tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn phóng đi.
Radar Patriot và hệ thống theo dõi mục tiêu có thể xử lý tối đa 50 đối tượng cùng lúc ở khoảng cách 100 km. Khi mục tiêu vào cự ly 15 km, tên lửa đánh chặn sẽ được khai hỏa và hướng về phía tên lửa hoặc máy bay của đối phương. Tên lửa MIM-104 sử dụng đầu đạn phân mảnh trọng lượng gần 90 kg.
Đối với phiên bản Patriot PAC-3, nó được tối ưu hóa cho việc diệt tên lửa đạn đạo thay vì chống cả máy bay. Đạn đánh chặn có kích thước nhỏ, sử dụng phương thức va chạm động năng "hit to kill" với độ chính xác tuyệt đối, mỗi bệ phóng mang được tới 16 đạn.
Ukraine sẽ nhận được hệ thống tên lửa phòng không Patriot tối tân của Mỹ. |
Cần nhấn mạnh đó là hệ thống vũ khí do Raytheon tạo ra ban đầu được dùng để tiêu diệt máy bay, nhưng phiên bản sửa đổi vào những năm 1980 đã xử lý cả tên lửa đạn đạo và hành trình. Bệ phóng có giá khoảng 10 triệu USD mỗi chiếc trong khi tên lửa đánh chặn là 4 triệu USD.
Patriot tiên tiến hơn nhiều so với hệ thống phòng không HAWK mà Mỹ đã tặng Kyiv trước đây. Nhưng chi phí rất cao của tên lửa đánh chặn buộc Ukraine phải sử dụng tiết kiệm để chống lại tên lửa hành trình và đạn đạo, thay vì nhắm vào máy bay không người lái giá rẻ do Iran sản xuất đang đánh phá cơ sở hạ tầng năng lượng của họ.
Ông Mark Cancian - một nhà phân tích cấp cao của tổ chức tư vấn CSIS cho biết: “Bắn một tên lửa trị giá hàng triệu USD vào một máy bay không người lái trị giá 50.000 USD là một đề xuất thất bại".
Khẩu đội Patriot có thể sẽ được triển khai xung quanh Kyiv, nhưng bất kỳ hệ thống đơn lẻ nào cũng chỉ có thể bảo vệ một phần nhỏ của thành phố. Vũ khí này thường nằm trong đội hình tiểu đoàn gồm 4 khẩu đội, cho phép bao phủ mục tiêu tốt hơn.
Việc giao hàng và khả năng hoạt động của Patriot sẽ không diễn ra lập tức, trong khi Kyiv cũng như các thành phố khác cần được bảo vệ ngay bây giờ. Nhưng đây là một cử chỉ mang tính biểu tượng cho thấy phương Tây, đặc biệt là Mỹ sẵn sàng gửi vũ khí tốt nhất của mình cho Ukraine và điều này mới thực sự khiến Nga phải cảm thấy lo sợ.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời chỉ trích Mỹ và NATO, nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đang kéo dài cuộc xung đột bằng cách cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine thông qua các loại vũ khí tối tân.
Bên cạnh đó, người đứng đầu nhà nước Nga cho biết hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đã lỗi thời và không thể hoạt động ở cấp độ mà các tổ hợp S-300 hiện đại hóa do nước này thực hiện một cách thường xuyên.
Ngoài ra giới chức quân sự Nga cũng cảnh báo, tổ hợp Patriot khi xuất hiện tại Ukraine sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng vũ trang nước này.