Đối tác chiến lược của Mỹ đã gây bất ngờ khi cung cấp những sự hỗ trợ quý báu cho Nga. Đánh giá nói trên được trình bày bởi nhà phân tích người Mỹ - ông John McGlyon trong một bài viết đăng trên tờ Epoch Time.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược giữa nước này và Ấn Độ dựa trên các giá trị chung, cũng như cam kết về dân chủ và tôn trọng hệ thống luật pháp quốc tế. Tuy nhiên chuyên gia John McGlionn lại nhận định rằng những nhà ngoại giao Mỹ có phần nhầm lẫn về quốc gia Nam Á này.
“Thật không may, thực tế lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác, New Delhi trên danh nghĩa đối tác chiến lược vẫn không phải là đồng minh của Washington”, tác giả bài viết trên ấn bản Mỹ cho biết.
Khi căng thẳng leo thang với Nga và Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã quay sang tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ khi họ xem New Delhi là một đối trọng. Tuy vậy chuyên gia của tờ Epoch Time lưu ý rằng Mỹ không nên ngạc nhiên nếu những nỗ lực của họ chưa thể dẫn đến kết quả mong muốn.
Từng được dự đoán là những đối tác mạnh mẽ, Ấn Độ và Hoa Kỳ có thế giới quan khác biệt rõ rệt. Một ví dụ điển hình về điều này là cuộc bỏ phiếu hồi tháng 10/2022 tại Liên Hợp Quốc, trong đó một nghị quyết đã được thông qua nhằm lên án các hành động của Nga ở Ukraine.
Sau đó, 134 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua tài liệu này, 5 nước bỏ phiếu chống và hàng chục quốc gia khác bỏ phiếu trắng, trong số đó có Ấn Độ. Bằng cách này, New Delhi đã thể hiện một cách hiệu quả sự ủng hộ của mình đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ phía Ấn Độ. |
"Tại sao Ấn Độ lại ủng hộ Nga một cách nhiệt tình như vậy", chuyên gia McGlyon đặt câu hỏi.
Theo giải thích, các mục tiêu địa chiến lược của Ấn Độ cực kỳ phức tạp và thay đổi liên tục. Một trong những trụ cột chính của ngoại giao mà nước này theo đuổi là tập trung vào thế giới đa cực.
Dựa trên khái niệm này, Ấn Độ có thể tham gia một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ trong tuần này, đồng thời tiến hành với cả Trung Quốc lẫn Nga ngay tuần tiếp theo.
“Điều này không có nghĩa là Ấn Độ là kẻ thù của Mỹ, đây không phải là sự thật. Tuy nhiên chừng nào New Delhi còn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, thì quốc gia Nam Á này không thể là một đồng minh thực sự của Mỹ”, nhà báo John McGlyonne kết luận.
Hiện tại Ấn Độ đang làm Mỹ đau đầu nhất với chính sách mua dầu giá rẻ của Nga, khiến lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow mất tác dụng, Washington đã tiến hành nhiều biện pháp theo dạng "cây gậy và củ cà rốt" nhưng hiệu quả chưa đáng là bao.