Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ sẽ quay đầu sau khi phát hiện Su-35 của Nga. Nhà phân tích quân sự người Ấn Độ Tanmai Kadam viết trong bài báo của mình sau khi tham khảo ý kiến của Đại tá NATO Konstantinos Zikidis.
Cách đây một thời gian, thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông về việc Iran quan tâm đến máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E của Nga đã gây xôn xao.
Phần lớn nhận định đều cho rằng chiếc tiêm kích này sẽ được Tehran sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạt nhân chiến lược của mình khỏi nguy cơ diễn ra trận không kích do Israel hoặc phương Tây thực hiện.
Theo chuyên gia Tanmay Kadam, cuộc gặp gỡ của Su-35 Nga với tiêm kích tàng hình do phương Tây sản xuất có thể diễn ra với kịch bản rất kỳ lạ. Nhận định này được đưa ra trong bài viết đăng trên tờ EurAsian Times.
“Câu hỏi thực sự là liệu những chiếc Su-35 này có thể bảo vệ các cơ sở hạt nhân của Iran trước máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Israel hay không”, ông Tanmai Kadam nhấn mạnh.
Nhà báo của tờ EurAsian Times viết rằng Không quân Israel đã mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mua từ Mỹ, các chiến đấu cơ này trên đường tới Iran sẽ không cần tiếp nhiên liệu trên không nữa, điều này sẽ đơn giản hóa rất nhiều nhiệm vụ của chúng nếu nhận lệnh tấn công các mục tiêu của Iran.
Trong bối cảnh đó, các cuộc thảo luận sôi nổi đã nổ ra về việc liệu máy bay chiến đấu thế hệ 4+ Su-35 của Nga có thể chống lại F-35 thuộc thế hệ thứ năm do Mỹ chế tạo hay không.
Kịch bản tiêm kích Su-35 Flanker-E và F-35 Lightning II giao chiến trực tiếp luôn thu hút sự quan tâm sâu sắc từ giới truyền thông. |
Đại tá Không quân NATO và Hy Lạp Konstantinos Zikidis đã chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này. Ông tin rằng Su-35 có khả năng phát hiện tiêm kích tàng hình ở khoảng cách khoảng 50 km. Trong khi đó máy bay Mỹ tự hào có phạm vi nhận diện đối phương lớn hơn, vượt quá 100 km.
Điều này có nghĩa là phi công F-35 sẽ đủ thời gian để lựa chọn cách tấn công kẻ thù, nhưng có một điều cần lưu ý đó là Su-35 sở hữu khả năng cơ động tuyệt vời và được trang bị nhiều biện pháp đối phó khác nhau.
“Nếu Su-35 phát hiện một tên lửa và tránh được thì trong trường hợp này, F-35 sẽ để lộ vị trí gần đúng của nó. Tiếp theo, Flanker-E sẽ đủ dữ liệu để phóng tên lửa về phía F-35”, chuyên gia quân sự cho biết.
Đại tá Zikidis lưu ý rằng nếu một cuộc đối đầu như vậy xảy ra trong thực tế, thì khả năng cao F-35 sẽ cố gắng né tránh trận chiến với một đối thủ nặng ký như Su-35.
Máy bay chiến đấu của Mỹ được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ bí mật, và trong cuộc chiến với kẻ thù cơ động cao, chúng có thể không giành được ưu thế rõ rệt.
“Trong thực tế, nếu F-35 đang thực hiện nhiệm vụ bí mật và phát hiện ra Su-35, rất có thể nó sẽ quay đầu trở về căn cứ”, Đại tá NATO đưa ra dự đoán.