New York Times: Cựu binh Trung Quốc "vỡ mộng" về cuộc xâm lược phi nghĩa 1979, trong khi chính phủ họ cố gắng chôn vùi

Bài viết của tác giả người Mỹ Howard W. French đăng trên tờ New York Times dẫn lại lời của các cựu binh Trung Quốc, những người từng tham gia cuộc chiến ở biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979.

Một nghĩa địa lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979 tại huyện Malipho, Vân Nam (Ảnh tư liệu Trung Quốc)
Một nghĩa địa lính Trung Quốc bị chết trong Chiến tranh Tháng 2.1979 tại huyện Malipho, Vân Nam (Ảnh tư liệu Trung Quốc)

Tạp chí Mỹ Foreign Policy trong một bài viết phân tích về quân đội Trung Quốc tháng 11/2018 viết, 40 năm trước, quân đội Việt Nam đã phá hủy cuộc xâm lược của Trung Quốc và bóng ma thất bại này khiến Trung Quốc chọn cách phớt lờ cuộc xâm lược từng thực hiện trong khi nhiều cựu binh cảm thấy “vỡ mộng” về cuộc chiến họ đã tham gia.

Foreign Policy đính kèm bài viết của nhà báo Mỹ Howard W. French, đăng trên báo in New York Times năm 2005 nói về sự bành trướng của Trung Quốc khi đưa quân xâm lược các tỉnh biên giới Việt Nam tháng 2/1979.

VTC News xin được giới thiệu lại bài báo, lược dịch theo bản điện tử được New York Times lưu trữ.

Tại Ma Lật Pha, Vân Nam, Trung Quốc, sau khi đi lên những bậc thang đá dốc đứng, du khách lần đầu đến thăm ngạc nhiên khi nghĩa trang của các cựu binh nằm ngoài thị trấn cuối cùng đã xuất hiện. Phóng tầm mắt ra xa, những lối đi uốn lượn trên triền đồi xếp hàng nối hàng sau các ngôi mộ, mỗi mộ là một bia bê tông có một ngôi sao lớn màu đỏ, một cái tên và một dòng chữ.

Tuy nhiên cả Long Chaogang và Bai Tianrong, đều không phải lần đầu đến đây. Hai cựu binh trong cuộc chiến của Trung Quốc với Việt Nam, bắt đầu với trận chiến dữ dội giữa tháng 2/1979, thỉnh thoảng lại trở về tìm kiếm ngôi mộ của những người bạn đã mất.

Trong hơn một giờ đồng hồ, họ trèo lên xuống sườn núi vắng vẻ gần biên giới Việt Nam, tìm kiếm một cách vô vọng trong số những cái tên của 957 binh sỹ được chôn ở đây, sau dừng lại và châm thuốc đặt lên mộ một đồng đội.

Sự im lặng đang bao trùm nơi này cũng giống như cuộc chiến bị “cố ý chôn vùi” ở Trung Quốc. Chỉ có những cơn gió thi thoảng xào xạc thổi qua rặng tre ở nghĩa trang. Bằng tính toán chính thức, 20.000 người Trung Quốc đã chết trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, khi lực lượng Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam và đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ. Nhiều người khác chưa được nhắc đến đã chết khi các xung đột tiếp tục kéo dài đến những năm 1980.

New York Times: Cựu binh Trung Quốc vỡ mộng về cuộc xâm lược phi nghĩa 1979, trong khi chính phủ họ cố gắng chôn vùi - Ảnh 1.

Xe tăng Trung Quốc ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam sáng 17/2/1979. (Nguồn ảnh: Soha)

Từng đó năm trôi qua, không có mấy bộ phim, tiều thuyết hay hồi ký Trung Quốc nhắc đến những gì các binh sỹ và gia đình của họ phải chịu đựng. Không còn di tích nào nhắc đến cuộc chiến rõ ràng hơn các nghĩa trang thường tìm thấy ở khu vực biên giới xa xôi như thế này.

Bản thân nhiều cựu binh cũng khó nói ra tại sao họ lại chiến đấu trong cuộc chiến đó. Phần lớn chần chừ thảo luận với người ngoài cuộc, thậm chí cự tuyệt nói ngay cả với người trong gia đình.

Khi được hỏi tham gia cuộc chiến là vì điều gì, Long Chaogang, 42 tuổi, từng là lính bộ binh Trung Quốc đáp “tôi không biết”. Khi được hỏi ông đã giải thích về cuộc chiến tham gia trong quá khứ cho gia đình như thế nào, ông kể có một lần con gái 12 tuổi hỏi, và ông chỉ nói “đó không phải việc của con”.

“Sự lãng quên với quy mô lớn” như vậy không phải là hành động thụ động. Đó là sản phẩm của những nỗ lực cứng rắn và không ngừng nghỉ của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin, đặc biệt là thông tin lịch sử. Học sinh Trung Quốc ngày nay đọc sách thường không thấy nhắc đến cuộc chiến.

Các tác giả tìm cách đi sâu vào lịch sử cuộc chiến này thường xuyên bị từ chối xuất bản. Năm 1995, một tiểu thuyết về cuộc chiến – “Traversing Death” (Tạm dịch: Đi qua cái chết) được kỳ vọng giành giải thưởng quốc gia nhưng bất ngờ bị loại khỏi cuộc thi mà không có lời giải thích.

New York Times: Cựu binh Trung Quốc vỡ mộng về cuộc xâm lược phi nghĩa 1979, trong khi chính phủ họ cố gắng chôn vùi - Ảnh 2.

Lính Trung Quốc sử dụng súng chống tăng Type 69 và trung liên Type 56. (Nguồn ảnh: Soha)

Việc nhà chức trách Trung Quốc quá sốt sắng trong việc kiềm chế các cuộc tranh luận có lẽ là do cuộc chiến đẫm máu mà nước này thực hiện với Việt Nam đi ngược lại với câu chuyện mà chính phủ Trung Quốc ngày nay đang ra sức tuyên truyền: Trung Quốc là một nước không bao giờ đe dọa hay tấn công các nước láng giềng và về một sự lãnh đạo thận trọng không thể sai lầm. Cái tên được Trung Quốc gán cho cuộc bành trướng 1979 – “tự vệ và phản công chống chiến tranh Việt Nam” là minh chứng rõ ràng nhất Bắc Kinh đang cố gắng củng cố quan điểm này.

Các nhà sử học cho rằng việc Trung Quốc bắt đầu hành động thù địch nằm ngoài cả mục đích tranh chấp và xung đột diễn ra hoàn toàn trên đất Việt Nam.

Nhiều nhà sử học cũng đánh giá chung rằng nếu cuộc chiến không phải là một thất bại hoàn toàn của Trung Quốc thì cũng là một cuộc chiến phải trả giá đắt với những mục đích đáng ngờ, trong đó có cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” do đã lật đổ Pol Pot, nhà lãnh đạo của chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia, một trong những kẻ bạo chúa gây ra thảm họa diệt chủng đẫm máu nhất thế kỷ 20 và cũng là một đồng minh của Trung Quốc thời đó.

New York Times: Cựu binh Trung Quốc vỡ mộng về cuộc xâm lược phi nghĩa 1979, trong khi chính phủ họ cố gắng chôn vùi - Ảnh 3.

Súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được. (Ảnh tư liệu Trung Quốc)

Đến nay, các cựu binh Trung Quốc thường bám vào những lời giải thích này nhưng cũng phẫn nộ về việc bị sử dụng làm bia đỡ đạn trong một trò chơi chính trị ích kỷ.

“Chúng tôi hy sinh cho mục đích chính trị và không chỉ có tôi cảm thấy như vậy – nhiều đồng đội cũng thế, chúng tôi liên lạc với nhau qua Internet” – Xu Ke, một cựu lính bộ binh tự thuật trong một cuốn sách tự xuất bản về cuộc xung đột Trung – Việt năm 1979, “The Last War” (Tạm dịch: Cuộc chiến cuối cùng).

Ông Xu, hiện đang làm thiết kế nội thất ở Thượng Hải, cho biết đã đi khắp đất nước bằng chi phí của mình để nghiên cứu cuốn sách và nhận thấy rằng các tài liệu tại hết thư viện này đến thư viện khác về cuộc chiến đã bị loại bỏ. Một sách yếu lược về những năm 1980, hoàn chỉnh đến nỗi có lời bài hát của những bài hát nổi tiếng nhất thập kỷ bấy giờ, nhưng không nói gì về cuộc xung đột.

"Nó giống như một ký ức đã bị xóa, như thể nó chưa bao giờ xảy ra", ông Xu nói. "Tôi đã đi đến các nhà sử học quân đội để tìm tài liệu và họ nói "Đừng nghĩ về điều đó". Thái độ của Trung Quốc là như thế, hãy cùng nhìn về tương lai và cùng nhau làm giàu. "

New York Times: Cựu binh Trung Quốc vỡ mộng về cuộc xâm lược phi nghĩa 1979, trong khi chính phủ họ cố gắng chôn vùi - Ảnh 4.

Hai nữ chiến sĩ Việt Nam dẫn giải tù binh Trung Quốc ở Cao Bằng ngày 25/2/1979. (Nguồn ảnh: Sovfoto)

Cuộc chiến đã tạo ra một ngôi sao văn hóa đại chúng. Ca sĩ tên Xu Liang, người bị mất một chân trong cuộc chiến, trở thành anh hùng và thần tượng khi xuất hiện trên truyền hình quốc gia, ngồi trên xe lăn trong bộ quân phục và hát về đức hy sinh cá nhân.

Ca sĩ Xu (người không liên quan đến tác giả của "Cuộc chiến cuối cùng") đã tiếp tục thực hiện hơn 500 cuộc nói chuyện trên khắp đất nước trước khi không còn xuất hiện trước công chúng vào khoảng năm 1990, ngay sau khi những xung đột kết thúc.

  • Ngày nay, ông ta thay đổi đến nỗi nói với những người vô tình nhận ra ông ta trên đường phố Bắc Kinh rằng họ đã nhầm lẫn. Khi được hỏi liệu cuộc chiến có chính đáng không, ông nói “các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng Việt Nam như một kẻ thù thuận tiện để dập tắt xung đột nội bộ”.

"Tuyên truyền nằm trong tay chính phủ," ông nói. "Một người đàn ông bình thường vô dụng biết gì? Khi họ muốn làm gì đó, họ có thể tìm thấy một ngàn lời biện minh, nhưng đây chỉ là những lời bào chữa. Đó không phải là nguyên nhân thực sự."

Theo Soha/VTC New

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...