Công tâm với lịch sử

GD&TĐ - Lịch sử luôn có những ngã rẽ bất ngờ mà chính người trong cuộc cũng không lường hết được. Cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc của nhân dân ta năm 1979 là một “ngã rẽ” như vậy.  

Ảnh mình họa
Ảnh mình họa

Từng được ví von là mối quan hệ “môi hở - răng lạnh”, chung một chiến hào “chống thực dân đế quốc”…, đùng một cái, 600.000 quân từ bên kia biên giới bất ngờ tràn sang. Cả một vùng biên ải trải dài suốt nghìn cây số, vốn bình yên là thế, bỗng chốc chìm trong lửa đạn; kèm theo đó là cảnh đốt phá, cướp bóc và tàn sát vô cùng dã man.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đây là lần thứ 14, Trung Quốc đưa quân sang Việt Nam, nhưng có lẽ đây là lần bất ngờ nhất. “Cây đổ về nơi không có vết rìu” chính là ở lần này.

Cuộc chiến tranh đã lùi xa 40 năm, những hố bom và chiến hào ngày nào giờ đã xanh cây trái; những thửa ruộng, nương ngô thấm máu ngày nào giờ đã chín những mùa vàng, nhưng vết thương từ cuộc chiến ấy đâu đã dễ nguôi quên! Bốn mươi năm qua, có biết bao bà mẹ Việt Nam vẫn luôn dõi mắt về vùng phên giậu ấy, mỏi mòn chờ tin con, dù là mong con trở về bằng một nắm đất.

Từ nhiều năm nay, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã lặn lội đến tận hang sâu, núi cao, lần theo những dấu vết chỉ còn lờ mờ trong ký ức để tìm cho bằng được xương cốt của đồng đội mình.

Thế mới biết, di chứng của nỗi đau từ cuộc chiến ấy chưa bao giờ nguôi lặng trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Chúng ta vẫn còn mắc nợ các anh một chuyến trở về. Lịch sử cũng đang “ký sổ” những người ngã xuống cho cuộc chiến bảo vệ biên cương ngày ấy những trang sách trung thực và không né tránh.

Có thể bởi nhiều lí do khác nhau, một sự im lặng quá lâu trước sự kiện lịch sử đẫm máu nhưng không kém phần hào hùng của dân tộc đã vô tình khắc vào lòng người dân một câu hỏi: Vì sao sự kiện ngày 17/2 năm ấy lại không được nhắc đến một cách công khai, sòng phẳng và công tâm như những gì nó đã diễn ra?

Có lẽ nhận ra như thế là không cần thiết, nhân kỉ niệm 40 năm ngày chiến tranh biên giới phía Bắc, từ nhiều ngày qua, đồng loạt các phương tiện truyền thông trong nước thẳng thắn đề cập đến những gì đã xảy ra từ 40 năm trước với đủ các cung bậc cảm xúc và chiều kích khác nhau. Đây là một tín hiệu vui. Nó cho thấy, chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử, càng sớm càng tốt.

Việc đề cập đến cuộc chiến tranh một cách công khai trên các tờ báo chính thống là chúng ta đã bắt đầu nhìn nhận lại lịch sử như nó vốn có.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng đã nói rằng, sòng phẳng với lịch sử hoàn toàn khác với kích động hận thù, khác với việc khoét sâu vào vết thương quá khứ, làm tấy lại nỗi đau. Hiểu đúng về lịch sử, hiểu rõ bản chất của mỗi cuộc chiến, chúng ta không chỉ sòng phẳng với quá khứ mà còn là trách nhiệm với những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đó.

Gọi đích danh cuộc chiến cũng là cách chúng ta nhắc nhở với hậu thế về sự ngoan cường của cha ông trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là cách để chúng ta nói với tiền nhân rằng, con cháu đã không làm hổ thẹn khí phách bất khuất trước uy vũ mà người xưa từng thể hiện trước kẻ thù.

Mỗi cá nhân có thể chọn láng giềng để định cư lâu dài nhưng Tổ quốc không thể chọn cho mình người hàng xóm để tồn tại bền vững. Nhưng lịch sử cũng đã dạy cho chúng ta rằng, mọi dã tâm đều vấp phải những kháng cự không khoan nhượng và cuối cùng phải chuốc lấy những ê chề nếu chúng ta biết đồng lòng gắn kết. Bài học từ thuở dựng nước vẫn luôn thức ngủ với con cháu hôm nay.

Chiến tranh là điều không ai muốn. Chúng ta luôn mong muốn yên ổn để dựng xây đất nước sau nhiều chục năm phải sống trong bom rơi đạn vãi. Nhưng nếu buộc phải đứng lên bảo vệ Tổ quốc mình khi bị xâm phạm thì phải ra trận cũng là việc chúng ta sẵn sàng.

Công tâm không né tránh với quá khứ, sòng phẳng với lịch sử cũng là cách chúng ta xốc lại hành trang để bước vào tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.