Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng bảng xếp hạng hệ thống chăm sóc sức khỏe của 191 quốc gia, trong đó Pháp đứng đầu và Sierra Leone xếp cuối.
Đến nay WHO vẫn chưa cập nhật bảng xếp hạng này. Vì thế, Quỹ Commonwealth đã tự đánh giá các nước dựa trên 5 tiêu chí: chất lượng chăm sóc sức khỏe, quy trình, hiệu quả, công bằng và số người khỏe mạnh còn sống.
Báo cáo mới nhất được đưa vào năm 2014 bao gồm 11 quốc gia và dưới đây là 5 hệ thống y tế còn nhiều yếu kém, theo Medical Daily.
New Zealand
Trong khi hàng xóm Australia sở hữu nền y tế vượt trội, New Zealand gặp vấn đề về công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nghĩa là người nghèo ít được khám chữa bệnh và sàng lọc hơn người giàu.
Xét về số công dân khỏe mạnh, New Zealand đứng thứ 9 trên tổng số 11 nước. Trái lại, hệ thống y tế của quốc gia này xếp thứ 2 về độ hiệu quả và phối hợp.
World Bank cho biết năm 2014, New Zealand dành 11% GDP cho chăm sóc y tế.
Na Uy
Ở tiêu chí cung cấp chăm sóc an toàn, hiệu quả và lấy bệnh nhân làm trung tâm, Na Uy xếp cuối cùng. Người dân không phải lúc nào cũng được đáp ứng dịch vụ y tế ngay lập tức dù chi phí khám chữa không quá đắt đỏ so với mức sống.
Năm 2014, chi phí chăm sóc y tế chiếm 9,7% GPD của Na Uy.
Pháp
WHO đánh giá Pháp đứng đầu về hệ thống chăm sóc sức khỏe nhưng trong bản báo cáo của Quỹ Commonwealth, nước này chỉ đứng thứ 9 do thủ tục, quy trình quá rắc rối mà hiệu quả không cao. Điểm cộng cho y tế Pháp là độ an toàn cao. So với các nước khác, người dân Pháp tương đối khỏe mạnh.
Pháp chi 9,7% GDP cho y tế vào năm 2014.
Canada
Dù cung cấp dịch vụ y tế miễn phí, Canada lại gây thất vọng về chất lượng chăm sóc sức khỏe. Quốc gia này xếp cuối trong hầu hết các tiêu chí được đưa ra, đặc biệt là về độ an toàn, kịp thời và hiệu quả.
Chi phí y tế chiếm 10,4% GDP năm 2014 của Canada.
Mỹ
Trong báo cáo năm 2004, 2006, 2007, 2010 và 2014 của Quỹ Commonwealth, Mỹ đều xếp cuối bảng. Sự hiệu quả, công bằng và số dân khỏe mạnh là 3 vấn đề nổi cộm nhất.
Năm 2014, 17,1% GDP Mỹ được sử dụng cho y tế.