Nền tảng vững chắc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với quyền tự chủ tuyển sinh, phương thức xét tuyển tại các trường đại học ngày càng đa dạng.

Ảnh minh họa Inetrnet.
Ảnh minh họa Inetrnet.

Mùa tuyển sinh năm 2022, có khoảng 20 phương thức xét tuyển. Trong khi tổng chỉ tiêu ở mỗi trường không nhiều biến động, việc tăng phương thức xét tuyển đồng nghĩa chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm do phải chia sẻ cho các phương thức khác.

Kỳ tuyển sinh năm 2022 là minh chứng rõ nét, mặc dù đề thi được nhiều thầy cô, học sinh nhận định khó hơn, nhưng điểm chuẩn đầu vào theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp của hầu hết trường đại học lớn đều không giảm, thậm chí còn tăng.

Đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là xu thế tất yếu, phát huy quyền tự chủ theo Luật Giáo dục đại học. Nhưng nhiều trường phổ thông - đặc biệt các trường vùng nông thôn, vùng khó, nơi không có điều kiện để tham gia tuyển sinh bằng các phương thức mới - rất mong muốn trường đại học có lộ trình triển khai từng bước, nhằm không gây thiệt thòi cho học sinh.

Như chia sẻ của thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), với 70% học sinh cư trú trên địa bàn nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, hầu như không em nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cũng rất khó khăn để tiếp cận với kỳ thi đánh giá năng lực.

Nhà trường chỉ còn cách tập trung ôn tập, phân hóa theo tổ hợp môn xét tuyển vào đại học để nâng cao kết quả điểm các bài thi tốt nghiệp THPT. Năm học 2021 - 2022, trường động viên được trên 30 học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh ở Đà Nẵng và 12 em trúng tuyển theo phương thức này.

Đây là kết quả của nỗ lực cá nhân học sinh và sự cố gắng của nhà trường trong chỉ đạo tổ chuyên môn lập nhóm nghiên cứu, triển khai giảng dạy lồng ghép các dạng câu hỏi, bài tập trong đề thi đánh giá năng lực, giúp trò tiếp cận sớm kỳ thi để tăng thêm cơ hội vào các trường đại học có thương hiệu. Tuy nhiên, con số 30 em vẫn còn khiêm tốn so với 279 học sinh khối 12 toàn trường.

Cũng cần nói thêm rằng, trường THPT bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10. Học sinh được chọn môn học gắn với định hướng nghề nghiệp, mà cụ thể hơn là định hướng vào đại học. Bởi vậy, các em sẽ sớm nghiên cứu phương án tuyển sinh của trường đại học mình mong muốn để có kế hoạch học tập, phấn đấu trong 3 năm học. Ví dụ, học sinh có thế mạnh ngoại ngữ sẽ đầu tư để đạt điểm chứng chỉ cao nhằm xét tuyển theo phương thức phù hợp. Nếu phương án tuyển sinh của trường đại học thiếu ổn định, học sinh sẽ bất lợi, thiệt thòi, trở tay không kịp.

Về phía các trường THPT, trong bối cảnh phương thức tuyển sinh đa dạng, nhà trường cũng cần có sự linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giúp học trò tiếp cận sớm các phương thức tuyển sinh mới. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là người học. Trên thực tế, dù phương thức xét tuyển nào thì cũng dựa trên kiến thức nền tảng, năng lực, phẩm chất. Khi học sinh thực sự nỗ lực và học tập nghiêm túc trong ba năm học, thì với kiến thức vững chắc đó các em có thể tự tin với bất kỳ phương thức tuyển sinh nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ