Tự chủ tuyển sinh và thước đo chất lượng

GD&TĐ - Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ cơ bản ổn định như năm 2021.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng với việc công bố phương án thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả kỳ thi này làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung để phân loại tốt hơn đối tượng đầu vào.

Theo nhận xét từ các cơ sở giáo dục đại học, khuyến cáo của Bộ GD&ĐT là phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong những năm gần đây. Đồng thời, cũng là bước tiến trong lộ trình trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Từ chỗ chỉ chủ yếu sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức, trường ĐH đã dần bổ sung nhiều phương thức riêng khác, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thời điểm này, trường ĐH vẫn chưa bàn tính tới phương án tuyển sinh cho năm tới. Tuy nhiên, theo dự báo, ngoài giữ ổn định phương thức tuyển sinh như đang triển khai hiện nay để tránh gây sốc cho thí sinh và xã hội, tuyển sinh năm 2022 dự kiến có thay đổi theo xu hướng kết hợp các tiêu chí xét tuyển.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các đại học quốc gia, đại học vùng và  trường/ nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ trường có nhu cầu. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số cán bộ phụ trách công tác đào tạo, tuyển sinh, để tổ chức tốt một kỳ thi đánh giá năng lực đòi hỏi phải có bộ đề đủ lớn và phải được thi thử nhiều lần.

Vì vậy, từ vài năm nay, một số trường ĐH đã phối hợp với các đơn vị đã có kinh nghiệm trong tổ chức thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để tổ chức thêm điểm thi tại địa phương. Điều này giúp rút ngắn được thời gian chuẩn bị cũng như kinh phí và nhân lực cho việc tổ chức.

Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tuyển sinh không nên mỗi trường đi theo một hướng mà cần có sự thống nhất, có thể là theo các nhóm, để không gây khó khăn, rối loạn cho thí sinh. Bài toán tuyển sinh của các trường ĐH luôn phải bảo đảm chất lượng đầu vào và đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Vì thế, gần như phương án tuyển sinh nào vẫn phải giữ quyền lợi cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng.

Chính vì vậy, các trường đều mong muốn có được một căn cứ tốt như kỳ thi 3 chung trước đây, để duy trì thước đo chung về chất lượng. Sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh, theo nhận xét của nhiều chuyên gia, khó đảm bảo được sự đồng đều. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ và thường xuyên của các trường THPT ở khu vực đô thị, nông thôn, miền núi có như nhau hay không cũng khó đánh giá.

Một hướng khác được nhiều trường ĐH tốp giữa đề xuất là nên chăng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) có thể cung cấp đề thi và gợi ý một ngày cụ thể để các trường có thể tổ chức thi theo cụm trường. Hoặc trung tâm khảo thí tại các vùng miền có thể đứng ra tổ chức thi, chấm thi… độc lập. Với cách thức này, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi để tham gia xét tuyển ở trường khác trong cùng nhóm nếu không đỗ vào trường mà mình đăng ký dự thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.