Đây chưa phải là số lượng sinh viên tuyển được thực tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng không loại trừ trường hợp có thể một số trường thực hiện sai.
Trách nhiệm giải trình với xã hội
Tại khu vực phía Nam, không hiếm trường xác định số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, thậm chí có ngành chiếm hơn 1/2 tổng chỉ tiêu của một trường ĐH. Chẳng hạn như Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo với 4 phương thức tuyển sinh. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 793 chỉ tiêu.
PGS.TS Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh – cho biết: Nhà trường gọi vượt 116% chỉ tiêu bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kết quả nhập học là 104,8%. Nhìn chung, kết quả tuyển sinh rất thuận lợi và tốt.
Dù báo chí phản ánh, nhiều ngành của Trường ĐH Đồng Nai có số lượng thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu. Đơn cử như: Ngành Giáo dục tiểu học có 350 chỉ tiêu nhưng đã có 546 thí sinh xác nhận nhập học; Ngôn ngữ Anh có 283 thí sinh nhập học trong khi chỉ tiêu là 100. Tuy nhiên, TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng nhà trường phủ nhận thông tin này, đồng thời cho biết: Hiện chưa “chốt” danh sách thí sinh xác nhận nhập học.
Theo TS Lê Anh Đức, năm nào nhà trường cũng phải thông báo trúng tuyển số dư để trừ hao. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng với các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nên tỷ lệ thí sinh ảo tăng lên. Do đó, buộc cơ sở đào tạo, trong đó có Trường ĐH Đồng Nai phải gọi thí sinh nhiều hơn so với chỉ tiêu. Có ngành gọi gấp đôi so với chỉ tiêu, như một số ngành sư phạm: Vật lý, Lịch sử… Hiện, nhiều ngành chưa đến 10 thí sinh đến xác nhận nhập học. Một số ngành, sau khi nhập học thành công, đã có thí sinh xin rút. “Bao giờ các em phải vào học mới chắc chắn” - TS Lê Anh Đức phân trần.
Đặt vấn đề, gọi thí sinh trúng tuyển vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, vậy kịch bản ứng phó nếu thí sinh đến nhập học đông, TS Lê Anh Đức trao đổi: Việc này đã được tính toán và nằm trong lộ trình của nhà trường. Trước mắt, sẽ bảo đảm quyền lợi của thí sinh và không đánh đổi giữa số lượng và chất lượng. Hơn nữa, số thí sinh không nhiều nên nhà trường hoàn toàn đáp ứng nhu cầu đào tạo. VD: chỉ tiêu của ngành Sư phạm Vật lý là 20 sinh viên, nhà trường thông báo trúng tuyển lên 40. Giả sử cả 40 thí sinh này theo học, nhà trường hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, theo TS Lê Anh Đức với một số ngành kinh tế hoặc những ngành “hot”, nếu trường gọi thí sinh trúng tuyển quá nhiều, cũng tính đến bài toán quá tải. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm, vì nếu các trường chú trọng bài toán kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mất cân bằng cung cầu…
Nguy cơ vỡ trận
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng: Một số trường đang lạm dụng quyền tự chủ và lách luật. Thí sinh ảo cũng là do các trường áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh. Thứ nữa, gọi thí sinh trúng tuyển vượt quá nhiều so với chỉ tiêu có thể dẫn đến tình trạng “vỡ trận”.
Nhấn mạnh, dù được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng điều đó không đồng nghĩa các trường muốn làm gì thì làm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng: Các trường phải thực hiện công khai, minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, để cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, kiểm tra, xã hội giám sát và người học lựa chọn đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo.
Theo Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp gây nhiều khó khăn, xáo trộn, không ít trường xét tuyển bằng các phương thức khác không đạt được chỉ tiêu như đã xác định; do vậy đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Có trường có thể thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3 - 4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu tuyển sinh; nhiều ngành không có thí sinh hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển, nhập học.
Theo quy định tại Thông tư xác định chỉ tiêu hiện hành, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo khối ngành. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế, vào công tác đào tạo, đồng thời để tạo thuận lợi cho việc chọn ngành của thí sinh, đa số các trường thường xác định chỉ tiêu và tuyển sinh theo ngành (trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên).
Trong trường hợp một số ngành không tuyển sinh, trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, có thể sắp xếp điều chỉnh lại chỉ tiêu sang các ngành khác trong khối ngành, lĩnh vực, theo quy định nhưng không vượt quá năng lực đào tạo. Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp có thể một số trường thực hiện sai.
Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31/12/2021 với số lượng thí sinh nhập học chính thức. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có. Cụ thể, những cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt quá số lượng đã xác định theo quy định sẽ được tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.