Nền tảng vào đời

GD&TĐ - Ngày càng xuất hiện không ít những đứa con nghịch tử, học sinh hư hỗn với cha mẹ và thầy cô giáo... khiến đảo lộn nhiều giá trị trong xã hội. Đáng nói và đáng buồn hơn cả, không ít trường hợp trẻ em là hung thủ gây tội ác với người xung quanh nhưng bản thân các em đã trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực. 

Tuổi trẻ và hành trình tìm giá trị sống đáng quý
Tuổi trẻ và hành trình tìm giá trị sống đáng quý

Thiếu giá trị sống trong quá trình hình thành phát triển nhân cách đã khiến trẻ lầm đường lạc lối.

“Trống” nền tảng giá trị sống

Giá trị sống cốt lõi mà mỗi người cần có đó là tình yêu thương, lòng nhân ái, sự bình yên, lòng tự trọng, tinh thần đoàn kết, lòng vị tha... Giá trị sống chi phối hành vi hướng thiện của con người. Giá trị sống mang tính cá nhân, không phải giá trị sống của mọi người đều giống nhau bởi vậy trên thực tế không phải ai cũng nhận đúng giá trị sống.

Có người cho rằng trở thành người giàu có mới là giá trị đích thực. Khi ấy, họ sẽ phấn đấu để có tiền bằng mọi giá, kể cả việc giết người, buôn lậu, trộm cắp. Có người lại lấy danh vọng làm thước đo giá trị nên họ cố gắng bằng mọi cách để có được những chức vị nào đó.

Cũng nhiều người lại coi sự nhàn hạ là giá trị sống nên họ trốn tránh trách nhiệm, lười lao động, chọn những công việc nghề nghiệp không vất vả. Thế nên họ không làm được gì cho bản thân và xã hội. Lại có nhiều bạn trẻ cho rằng hút thuốc lá, phải biết yêu sớm, cầm đầu những băng nhóm học sinh... mới thực sự là người hùng, mới có giá trị. Vậy nên các bạn trẻ đã nhận nhầm giá trị, coi giá trị ảo là giá trị đích thực.

Hay trong chuyện học, nhiều học sinh cũng học không phải vì đam mê mà học để thi đỗ, để kiếm tiền. Tâm lý hưởng thụ, vị kỷ cũng được đẩy lên cao tạo nên những “chuẩn” khác như: đánh giá sự tự tin qua quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm xịn, coi giá trị của mỗi cá nhân là việc thể hiện bằng được cái tôi, bất chấp dư luận, thậm chí đi ngược với lợi ích chung của cộng đồng.

Có thể nói, giá trị con người của không ít thanh thiếu niên, đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Nhiều nguyên nhân để dẫn tới những biến đổi đó có thể kể tới như sự bùng nổ của các game show mà mục đích thương mại, hút quảng cáo và tràn ngập dịch vụ nhắn tin được đặt lên hàng đầu;

Hay các hình mẫu để không ít học sinh theo đuổi, thần tượng là những ca sĩ, người mẫu mà cách ăn mặc, trang điểm khó có thể chấp nhận được... Vì vậy, giáo dục để tuổi trẻ nói chung, các học sinh sinh viên nói chung nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống là điều vô cùng cần thiết.

Các chuyên gia tâm lý đã đánh giá: sự khác nhau căn bản giữa thế hệ trẻ hiện nay với thế hệ trẻ của 15-20 năm trước, hoặc lâu hơn nữa ở chỗ các em thiếu lý tưởng sống, không có những đam mê lành mạnh. Gốc rễ của việc này là do coi nhẹ giá trị sống đích thực. Không có định hướng về giá trị chuẩn mực, những người trẻ dễ sa vào lối sống bản năng.

Lối vào đời bền vững

Ngày nay, trẻ tập trung quá nhiều vào việc học cách để làm, chuẩn bị cho mưu sinh trong tương lai. Nhưng bên cạnh những kỹ năng sống vốn rất quan trọng ấy, trẻ cũng cần biết nên sống ra sao. Có nghĩa là làm thế nào để ứng phó trước nhiều tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh.

Nếu trẻ không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù được học nhiều kỹ năng, trẻ cũng không biết cách sử dụng hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Từ đó, trẻ sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác. Có nền tảng giá trị sống sẽ giúp trẻ không bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất trong việc định hình mục đích sống. Giá trị sống giúp chúng cân bằng lại những mục tiêu vật chất.

Một đứa trẻ lên 8 tuổi mới bắt đầu được giáo dục giá trị sống cũng là quá muộn. Vì đến độ tuổi này trẻ đã hình thành cho mình phần lớn các giá trị; trừ phi có sự thay đổi sâu sắc về trải nghiệm trong đời, nếu không khó mà lĩnh hội thêm giá trị sau độ tuổi này. Trẻ từ dưới 2 tuổi đã bắt đầu tiếp thu từ môi trường sống xung quanh, như giọng nói của người lớn khi trò chuyện với trẻ, cách thức tiếp xúc với trẻ, tranh ảnh treo trong phòng... tất cả đều tác động đến sự phát triển của trẻ.

Trong khi đó hiện nay việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường phổ thông đã được tiến hành, song theo đánh giá của các nhà tâm lý học phân tích thì đây mới chỉ là phần ngọn. Gia đình, cha mẹ cần trang bị nhiều hơn cho học sinh nhận thức và tôn vinh các giá trị sống tốt đẹp vì chỉ có như vậy mới thôi thúc các em hành động đúng, vượt qua khó khăn trở ngại của bản thân và ngoại cảnh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đều yêu cầu giáo dục phổ thông phải giải quyết được việc đưa chương trình giáo dục các giá trị cốt lõi đến với từng học sinh từng cấp học cho phù hợp.

Không chỉ đòi hỏi về thời lượng giáo dục giá trị sống trong trường học, các nhà chuyên môn cũng chỉ ra cần có sự nghiên cứu và giáo dục giá trị sống phù hợp với con người Việt Nam. Điều đó quan trọng và cấp bách trong thời kỳ xã hội có nhiều biến đổi, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa phát triển khác.

Đặc biệt, các chuyên gia xã hội học còn nhìn nhận, vai trò của nhà trường trong việc giáo dục giá trị sống chưa thể đầy đủ trọn vẹn mà gia đình là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong việc giáo dục giá trị sống một cách trực tiếp đến con trẻ.

Mặt khác, việc tư vấn, cung cấp kiến thức về vấn đề này không chỉ cần làm đối với học sinh mà cần làm với cả các bậc phụ huynh. Phụ huynh phải biết cách dạy con thế nào là đúng thì việc giáo dục trong mỗi gia đình mới có hiệu quả. Đã có cháu bé điện thoại tới các trung tâm tư vấn kêu cứu, em kể rằng bị bố mẹ xích trong nhà để yên tâm con không mắc lỗi. Thậm chí, có cháu đã ghi âm lại bằng điện thoại cho cán bộ tư vấn nghe những lời nói mạt sát, xúc phạm không thương tiếc do quá giận dữ của cha mẹ.

Có thể thấy hành động sai lầm của cha mẹ đã và đang dẫn đến những phản ứng không thể lường của con trẻ. Lẽ ra cha mẹ cần phải tư vấn, chỉ bảo cho con cái những kiến thức, thông tin bổ ích để chúng hiểu và lựa chọn đúng đắn thì nhiều bậc cha mẹ lại không làm như vậy. Đặc biệt, những kiến thức liên quan đến giới tính, nhiều bậc cha mẹ né tránh, cho rằng nói đến điều đó đáng xấu hổ. Nhiều cha mẹ không dạy bảo trẻ đến nơi đến chốn, nhưng khi con mắc sai lầm lại lên án, phán xét...

Có kiến thức phong phú, kỹ năng sống hoàn hảo cũng chưa thể giúp học sinh giải quyết mọi vấn đề trong tương lai. Thực tế đã chỉ ra chỉ khi nào tuổi trẻ được giáo dục giá trị sống thì khi ấy các em mới có được những định hướng giá trị đạo đức nhân văn, nghề nghiệp đúng đắn. Và trên cơ sở đó mới có thể hình thành được những kỹ năng sống cơ bản phù hợp với yêu cầu của xã hội và chuẩn mực của cộng đồng. Giáo dục giá trị sống cần thiết và quan trọng bởi đây là nền tảng kỹ năng giúp các bạn trẻ bước vào đời.n

Gia đình, cha mẹ cần trang bị nhiều hơn cho học sinh nhận thức và tôn vinh các giá trị sống tốt đẹp vì chỉ có như vậy mới thôi thúc các em hành động đúng, vượt qua khó khăn trở ngại của bản thân và ngoại cảnh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.