Nên lắng nghe tiếng nói của những người có trách nhiệm

GD&TĐ - Mới đây, một tờ báo điện tử đăng tải bài viết: “Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học”. Thật ngạc nhiên khi chỉ là tiếng “kêu cứu” của một vị phụ huynh và cũng chỉ qua một bài viết của phụ huynh đó.

Nên lắng nghe tiếng nói của những người có trách nhiệm

Nếu người viết thật sự công tâm, hẳn phải đi thu thập ý kiến từ nhiều góc độ, trên cơ sở đó, có sự động viên, phát huy những việc làm tốt, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh, chứ không chỉ tranh thủ một ý kiến mang tính cực đoan, nhằm mục đích câu view (để có nhiều lượt truy cập) như vậy.

Với ý kiến trên đây, cô Ngô Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT Quảng Bình, người có rất nhiều sáng kiến trong chỉ đạo thực hiện Thông tư 30 tới đội ngũ giáo viên toàn tỉnh đã lên tiếng: “Tôi khẳng định, cho tới thời điểm này, các thầy cô giáo đã bắt đầu có kỹ năng đánh giá theo Thông tư 30; không còn ai kêu ca khó khăn, vướng mắc như khi mới triển khai nữa. Với học sinh, các em cũng tỏ ra hào hứng với những lời nhận xét của cô giáo. Cuối học kỳ 1, chúng tôi không nhận được sự phản đối nào từ phía phụ huynh”.

Hầu hết lãnh đạo các Phòng GD&ĐT cũng khẳng định việc đổi mới đánh giá học sinh (HS) là cần thiết nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục. Trong suốt học kỳ qua, các trường học đã chủ động triển khai, có sự điều chỉnh, linh hoạt trong từng hoàn cảnh để mang lại hiệu quả. Theo ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT TP Tam Kỳ, nội dung đánh giá học sinh tiểu học tập trung ở 3 phần: Quá trình học tập, năng lực, phẩm chất (thay vì trước đây gọi là học lực và hạnh kiểm). Với cách đánh giá này, HS giảm được những áp lực về điểm số. Đây là đánh giá toàn diện ở nhiều khía cạnh, không còn mang tính chất nặng nề cho HS, đánh giá từ việc dạy chữ dần dần sang dạy người, quan tâm đến quá trình tiến bộ của từng HS. Những lời nhận xét, đánh giá cũng được quán triệt luôn mang tính chất động viên, giúp đỡ, khuyến khích những ưu điểm cho HS tiểu học.

Một điều mà bài viết nêu lên làm nhiều CBQL, giáo viên có trách nhiệm tỏ ra bức xúc, là vị phụ huynh (không rõ họ tên, địa chỉ) kết luận rằng, sở dĩ con họ điểm số thấp hơn năm trước là vì không đi học thêm như các học sinh khác, trong khi không hề có căn cứ nào để quy chụp như vậy.

Chủ trương không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, đó là những chủ trương đúng đắn, sáng suốt, mang tính cầu thị, quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận. Vậy có nên chỉ vì ý kiến của một cá nhân mà tiếp tục phủ nhận tất cả? Xin hãy lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc, nhất là các giáo viên có tâm huyết và năng lực, tất cả vì sự nghiệp đổi mới và vì tương lai con em chúng ta!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.