'Nền kinh tế đang rất khó khăn'

GD&TĐ - Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc sáng qua (ngày 22/5) trong bối cảnh 'nền kinh tế đang rất khó khăn' như nhận định của Ủy ban Kinh tế.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Không đến nỗi “bi đát” như hai năm xảy ra dịch Covid-19, song số liệu thống kê 4 tháng đầu năm cho thấy “một cơn giông tố” đang đợi ở phía trước. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19.

Đáng chú ý là mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I/2022 - khi nền kinh tế đang chịu tác động bởi các biện pháp phòng dịch. Nguyên nhân chính là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng âm 0,4%. Ngành xây dựng cũng chỉ tăng trưởng ở mức thấp, chưa đến 2%.

Bên cạnh đó, các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,1%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% (tương ứng giảm 16,08 tỷ USD).

Dòng vốn từ thị trường tài chính suy giảm phần nào làm giảm hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân khi vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước quý I chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ. Vốn FDI đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, giảm 1,1%.

Vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ cũng là chỉ báo cho những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.

Đầu tư công - được kỳ vọng là động lực chính của tăng trưởng năm nay - cũng chưa mang lại kết quả mong đợi. Tuy có cải thiện về số tuyệt đối (tăng gần 15 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ), song tốc độ giải ngân vẫn chậm, ước 4 tháng đạt 14,66% kế hoạch; và nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì chỉ đạt 15,65% - thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Một chỉ dấu đáng lo ngại khác là tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng lần lượt 21,8%, 39,9% và 10,1%.

Bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Nhìn về tương lai, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine chưa thể kết thúc cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng… chắc chắn tác động gián tiếp đến kinh tế nước ta. Bối cảnh đó cùng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm nay càng khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay trở lên đầy thách thức.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội cho thấy, người dân rất lo lắng về những khó khăn của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Mong muốn của cử tri là Chính phủ phải tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân…

Đại diện cho cử tri cả nước, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là trong Kỳ họp thứ 5 này, phải “tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và có chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới vững vàng vượt qua cơn giông phía trước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ