Liều 'doping' cần thiết cho nền kinh tế từ việc giảm 2% thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nếu áp dụng giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm, thì thu ngân sách Nhà nước ước giảm khoảng 35.000 tỉ đồng.

Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT xuống 8%.
Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ việc giảm thuế VAT xuống 8%.

Đây là số tiền nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Chính phủ vừa thông qua đề xuất của Bộ Tài chính về xây dựng Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm VAT từ 10% xuống còn 8%, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội thông qua kỳ họp vào tháng 5 này.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Về mức giảm thuế VAT, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Chị Hà Mai Anh (chủ một nhà hàng hải sản ở Hà Nội) cho hay, nhiều chủ nhà hàng rất mừng trước đề xuất của Bộ Tài chính là giảm thuế cho tất cả hàng hóa, dịch vụ chứ không chỉ một số nhóm như năm 2022.

Nếu quy định này được áp dụng thì các đơn vị kinh doanh sẽ giảm VAT cho khách một cách dễ dàng, không phải bóc tách hóa đơn, hay tra soát xem mặt hàng này có được giảm thuế hay không.

“Thuế VAT tất cả hàng hóa, dịch vụ từ 10% giảm xuống 8% sẽ giúp kéo mặt bằng giá hạ nhiệt. Với đơn vị kinh doanh, khi đầu vào là xăng, điện, nước, nguyên nhiên vật liệu... được giảm thuế VAT 2% thì giá hàng hóa bán ra cũng giảm theo. Điều này sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm nhiều hơn”, chị Mai Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm, chị Hà Linh (chủ quán đồ Âu) tại quận Ba Đình cho rằng, số tiền giảm thuế 2% VAT tưởng là nhỏ, nhưng với mức chi tiêu của gia đình 3 - 4 thành viên tại các thành phố lớn thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được cũng vài trăm đến vài triệu đồng.

“Nhìn rộng ra toàn xã hội thì sẽ là số tiền lớn. Số tiền này lại được đem tiêu dùng sẽ gia tăng sức mua vốn đang xuống rất thấp như hiện nay. Đây cũng là điều mà những người kinh doanh rất mong mỏi”, chị Linh nói.

Các chuyên gia cho rằng, khác với các chính sách hỗ trợ chủ yếu dành cho doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân, qua đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế.

Kể từ cuối năm 2022, nhiều chuyên gia đã đề xuất vẫn nên tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm 2023 do doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, doanh nghiệp và người dân hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn hậu đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó là nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu. Vì đó, việc giảm thuế VAT cũng là một giải pháp tích cực giúp giảm nguy cơ lạm phát.

Đặc biệt, hiệu quả từ chính sách này được đánh giá rất tốt, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ.

Giảm thu 5,8 nghìn tỉ/tháng

Theo đánh giá của Chính phủ, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Do việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Với đề xuất này, Chính phủ dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỉ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương mức giảm thu khoảng 35 nghìn tỉ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Theo Tờ trình, Chính phủ cho biết, dự kiến nguồn lực sẽ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện phổ biến, giáo dục nghị quyết và các quy định liên quan.

Bộ Tài chính xây dựng nội dung thông tin, tuyên truyền phổ biến những yêu cầu, nội dung và các quy định của nghị quyết kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.

Nếu Quốc hội đồng ý phê duyệt nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.