Nên đổi mới họp phụ huynh đầu năm ra sao?

GD&TĐ - Đổi mới hình thức họp phụ huynh đầu năm là mong muốn của nhiều người khi hiện nay đa số các cuộc họp chỉ mang tính hình thức và nặng đóng góp.

Buổi họp phụ huynh đầu năm tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Buổi họp phụ huynh đầu năm tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC

“Sợ” họp phụ huynh

Thời gian này, các trường bắt đầu tiến hành họp phụ huynh học sinh đầu năm học. Buổi họp có ý nghĩa quan trọng để cung cấp thông tin cho cha mẹ, cũng là dịp để xây dựng mối quan hệ hợp tác, gắn bó thân tình giữa gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh còn không mặn mà với cuộc họp này và tìm cách né tránh.

Muôn vàn lý do khiến phụ huynh vắng mặt trong buổi họp phụ huynh đầu năm của con như: Bận đi làm, công tác đột xuất, nhà có hai con trùng giờ họp nên chỉ có thể họp một buổi... Ngoài những lý do kể trên, một bộ phận không nhỏ phụ huynh vắng mặt bởi cho rằng buổi họp không quan trọng, chỉ để nghe thông báo các khoản phí nộp đầu năm.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương, phụ huynh tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, mỗi năm học, có 3 đợt đi họp phụ huynh cho cả 2 con vào đầu năm học, cuối học kỳ I và tổng kết năm học. Các cuộc họp đều diễn ra theo kịch bản cũ: Giáo viên chủ nhiệm thông tin về tình hình chung của trường, lớp; thông qua các khoản đóng góp, bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Các cuộc họp có dành thời gian để phụ huynh thảo luận, kiến nghị với giáo viên, nhà trường nhưng không nhiều. Phần lớn phụ huynh ngại không có ý kiến về những nội dung cuộc họp và chỉ mong sớm kết thúc. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ cuộc họp, điều đọng lại lớn nhất trong tâm trí phụ huynh là các khoản tiền và thời gian đóng.

Những điều chị Hương chia sẻ cũng là cảm nhận chung của nhiều phụ huynh về cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học. Không như những buổi họp cuối học kỳ I và tổng kết năm học, bố mẹ đi họp để nắm được tình hình học tập của con thì họp phụ huynh đầu năm phần lớn chỉ thông báo các khoản thu.

Tuy nhiên, trái với những suy nghĩ trên, nhiều phụ huynh lại cho rằng cuộc họp đầu năm quan trọng, nhất là với học sinh đầu cấp. Bởi lẽ, trong kế hoạch họp phụ huynh mà các trường xây dựng, phần thông báo các khoản thu chỉ là một trong số rất nhiều nội dung của cuộc họp, vấn đề này có thể được giáo viên chủ nhiệm nhắn vào nhóm Zalo, Messenger của lớp.

Trong khi đó, buổi họp phụ huynh là dịp quan trọng để giáo viên triển khai kế hoạch hoạt động trong cả năm học của học sinh tới phụ huynh. Giáo viên được lắng nghe những chia sẻ từ phụ huynh về việc học, tính cách, mong muốn… của các con khi tới trường. Từ đó, giáo viên thống nhất với phụ huynh về phương pháp giáo dục, quy trình quản lý để học sinh có kết quả học tập tốt hơn.

Buổi họp phụ huynh 1 lớp Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ). Ảnh: NTCC

Buổi họp phụ huynh 1 lớp Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ). Ảnh: NTCC

Những cuộc họp đổi mới

Những năm gần đây, nhiều trường học tại Hà Nội đã đổi mới hình thức cuộc họp phụ huynh, mang lại bất ngờ và thú vị cho cha mẹ học sinh. Cô Trần Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết, nhà trường tổ chức buổi họp đầu năm học với mong muốn tạo gắn kết giữa gia đình - nhà trường - học sinh thực chất, ý nghĩa.

Theo đó, triển khai kế hoạch hoạt động học tập tới toàn thể phụ huynh đầy đủ, chính xác và rõ ràng. Gia đình và nhà trường cũng tìm tiếng nói chung trong giáo dục và quản lý học sinh, tạo điều kiện cho các em được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt nhất.

Nội dung cuộc họp gồm: Nêu đặc điểm tình hình của nhà trường, ý kiến trao đổi của giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập, rèn luyện của lớp qua tuần học đầu tiên, chia sẻ phương pháp đồng hành cùng con... Những nội dung này không mới nhưng được các thầy cô sáng tạo, đổi mới, đưa đến một luồng không khí tích cực, yêu thương, quan tâm làm cho buổi họp phụ huynh sôi nổi, gắn kết.

Cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết: Những buổi họp phụ huynh là dịp để giáo viên, các bậc cha mẹ và học sinh thấu hiểu nhau hơn, tìm được sự đồng thuận trong phương pháp giáo dục. Trước các buổi họp, học sinh tự đánh giá góp ý cho nhau, làm báo cáo tổng kết và xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện thời gian tới.

Chuẩn bị cho buổi họp, học sinh được tự tay trang trí, tạo không gian tiếp đón bố mẹ; báo cáo tình hình học tập bằng nhiều hình thức thú vị và sáng tạo theo cách riêng; ngoài ra được dẫn dắt toàn bộ nội dung chương trình. Buổi họp là kỷ niệm đẹp mà ở đó cha mẹ và giáo viên được chứng kiến sự trưởng thành, bản lĩnh, sự thông minh sáng tạo của các con hơn là câu chuyện điểm số hay thành tích thông thường.

Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, phụ huynh học sinh Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: Buổi họp bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, kéo dài đến 10 giờ 45 phút, chúng tôi không ai cảm thấy mệt mỏi mà chỉ thấy vui, với nhiều tràng pháo tay tán đồng cho các hoạt động của phụ huynh và học sinh. Những khoản thu đầu năm được thảo luận, góp ý, quy định chi tiêu… rất chi tiết, cặn kẽ để không gây khó khăn, áp lực cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết rất thích khi được đi họp đầu năm cho con. Ngoài những nội dung trao đổi, cô giáo chủ nhiệm đã lắng nghe những chia sẻ của bố mẹ và những mong muốn khi gửi con tới trường học. Ví như khi ở trường, con thích gì? ăn ở ra sao trong thời gian bán trú? Cô giáo cũng trả lời cặn kẽ những thắc mắc của phụ huynh. Buổi họp cứ thế trở thành buổi chia sẻ, trao đổi thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.

Nhà báo Phạm Khánh Huy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vinh danh những nhà giáo âm thầm cống hiến

GD&TĐ - Tìm kiếm, tôn vinh và lan tỏa những tấm gương nhà giáo luôn âm thầm cống hiến, hết lòng vì thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ của người làm báo.