Đổi mới họp phụ huynh thế nào để phát huy thế 'chân kiềng'?

GD&TĐ - Hoạt động họp phụ huynh không thể thiếu vào đầu mỗi năm học.

Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai, Lào Cai) đối thoại với cha mẹ học sinh đầu năm học mới. Ảnh: NTCC
Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai, Lào Cai) đối thoại với cha mẹ học sinh đầu năm học mới. Ảnh: NTCC

Hoạt động này nhằm trao đổi thông tin, gắn kết, phát huy hiệu quả công tác dạy và học theo thế “chân kiềng” của giáo dục. Song, để sự kiện này không “mang tiếng” là dịp “gợi ý” thu thêm hay thu các khoản đóng góp đòi hỏi các trường phải đổi mới từ hình thức tới nội dung.

Không chỉ bàn chuyện… tiền

Tại Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai, Lào Cai), Ban giám hiệu đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cha mẹ học sinh về mục tiêu, kế hoạch nhiệm vụ giáo dục và công tác xã hội hóa năm học 2022 - 2023 với gần 100 người là đại diện ban cha mẹ học sinh của 30 lớp, 49 cán bộ, giáo viên nhà trường.

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Liên cho biết, tại hội nghị, đại diện phụ huynh các lớp được thông tin đầy đủ mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ năm học mới, nắm bắt chiến lược dài hạn của nhà trường giai đoạn tiếp theo; phát huy kết quả đã đạt được, hướng tới mục tiêu xây dựng trường chất lượng cao.

Tham dự đối thoại, cha mẹ học sinh các khối, lớp đã đặt nhiều câu hỏi, đưa ra đề xuất, kiến nghị trực tiếp về những vấn đề gặp phải trong quá trình xây dựng, tạo cảnh quan trường, lớp; công tác dạy và học; quản lý, chăm sóc học sinh bán trú; an toàn giao thông khu vực cổng trường... Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến xã hội hóa, đầu tư trang thiết bị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ học tập tại trường.

100% ý kiến thắc mắc đặt ra tại hội nghị và ý kiến gửi trước khi hội nghị bắt đầu được Ban giám hiệu giải đáp cặn kẽ. Hơn thế, hội nghị đã đi đến thống nhất các khoản dự kiến thu và vận động tài trợ, tự nguyện năm học 2022 - 2023…

Với đặc thù trường chuyên, thầy Hoàng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) khẳng định, hoạt động họp phụ huynh đầu năm học sẽ khác. Phụ huynh chủ yếu được tiếp cận với truyền thống và các hoạt động trong nhà trường để thấu hiểu chia sẻ. Đặc biệt, giáo viên sẽ trao đổi sâu về chương trình trường chuyên, lớp chuyên, môn chuyên… giúp phụ huynh hiểu học sinh chuyên học thế nào? Việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp ra sao?...

Theo thầy Nam, đối với trường chuyên, họp đầu năm quan trọng là giúp phụ huynh hiểu mục tiêu dạy học của nhà trường và yêu cầu đối với học sinh… từ đó biết cách hỗ trợ các em; xa hơn, tạo sự kết nối giữa phụ huynh với nhà trường để đồng hành trong quá trình giáo dục.

Họp phụ huynh đầu năm không bao giờ xảy ra tình trạng nặng nề, thiếu minh bạch về các khoản đóng góp bởi trường chỉ thu theo quy định và luôn công khai từ sớm để phụ huynh được tìm hiểu, đối chiếu. Nếu có thắc mắc, phụ huynh sẽ trao đổi ngay trong cuộc họp đầu năm học, hoặc phản ánh đến đơn vị chức năng.

“Học sinh trường chuyên sẽ vất vả hơn trường khác. Do đó, nhà trường thông qua họp phụ huynh để giúp cha mẹ hiểu kỹ các vấn đề liên quan. Nếu phụ huynh hiểu không đúng bản chất, cùng hợp tác hỗ trợ học trò… thì những năm tiếp theo tuyển sinh sẽ khó khăn... Hơn thế, khi phụ huynh không hiểu, không thể chia sẻ, động viên, giúp học sinh vượt qua bỡ ngỡ, hụt hẫng, khó tiếp cận, thích ứng trong môi trường học tập mới…”, thầy Nam trao đổi.

Cuộc họp đầu năm tại Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội) diễn ra trên tinh thần đổi mới khi bám sát yêu cầu của giáo dục cũng như đặc thù trường lớp, học sinh.

Theo cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường, khối THCS bước sang năm thứ 2 triển khai CT GDPT mới, trường yêu cầu giáo viên chú trọng giới thiệu về chương trình, yêu cầu với học sinh; đòi hỏi tương tác của phụ huynh với nhà trường… Mặt khác, dành thời gian để phụ huynh trao đổi thắc mắc, khó khăn và giáo viên giải đáp, cùng tháo gỡ. Đặc biệt với hơn 20/350 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (nhà nghèo; bố mẹ ly hôn; ở với ông bà…), giáo viên sẽ cùng gia đình tìm giải pháp tháo gỡ để đảm bảo điều kiện học tập cho trò.

Đối với các khoản thu chi đầu năm học, cô Hương cho biết nhà trường chưa triển khai trong cuộc họp phụ huynh bởi quận, phòng GD&ĐT đang kiểm duyệt và thông qua mức thu chung cho các trường.

Sau nhiều năm tham gia họp phụ huynh, anh Nguyễn Việt Anh, có con học lớp 10 Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) nhận thấy đổi mới đáng kể trong cuộc họp năm nay. Giáo viên chủ nhiệm trình bày vắn tắt, trọng tâm vào vấn đề cần thông báo đầu năm học. Phần lớn thời gian để phụ huynh bầu ban phụ huynh lớp và trao đổi các vấn đề, nội dung liên quan đến hỗ trợ học tập cho học sinh.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi họp đầu năm thay đổi để phụ huynh nắm được những thông tin, yêu cầu. Ảnh: IT

Đổi mới giáo dục đòi hỏi họp đầu năm thay đổi để phụ huynh nắm được những thông tin, yêu cầu. Ảnh: IT

Đáng nói, cuộc họp đã thống nhất về chủ trương, kế hoạch hoạt động của lớp trong năm. Từng hoạt động cụ thể (thăm quan; liên hoan; khen thưởng cá nhân học sinh, mức đóng góp ủng hộ quỹ lớp tự nguyện….) sẽ được biểu quyết qua bình chọn trên nhóm Zalo. Điều này đảm bảo minh bạch, dân chủ, thậm chí phụ huynh có thể thay đổi quyết định trước đó sau khi cân nhắc, suy nghĩ lại (trong khoảng thời gian mở và kết thúc bầu chọn)…

Phát huy vai trò phụ huynh trong giáo dục

Là trường đầu tiên trên địa bàn TP Lào Cai tổ chức hội nghị đối thoại với cha mẹ học sinh đầu năm học nên Trường Tiểu học Bắc Lệnh hướng tới và kỳ vọng vào việc phát huy tối đa sức mạnh, trí tuệ, đồng lòng của tập thể, phụ huynh để xây dựng, phát triển nhà trường.

Hơn nữa, theo cô Trần Thị Liên, khi nhà trường công khai, minh bạch các mục tiêu kế hoạch giáo dục, hoạt động liên quan đến xã hội hóa giáo dục, thậm chí cả những khó khăn tồn tại cần tháo gỡ… phụ huynh sẽ thêm thấu hiểu, cùng chia sẻ, góp ý xây dựng nhà trường. Càng đạt được sự thống nhất cao giữa nhà trường và phụ huynh càng có thêm sự đồng hành, chung tay, hỗ trợ... Mặt khác, phản biện, góp ý, đề xuất (nếu có) cũng giúp nhà trường nghe được mong muốn, yêu cầu của phụ huynh để tiếp tục hoàn thiện…

Cho rằng, khi giáo dục đang đặt ra những yêu cầu mới thì việc họp phụ huynh đầu năm học và các hoạt động của ban phụ huynh trong năm học cũng cần được đổi mới để phù hợp. Chia sẻ quan điểm, anh Việt Anh đồng thời bày tỏ mong muốn: “Họp phụ huynh là diễn đàn do đó cần để phụ huynh thảo luận, thống nhất các vấn đề liên quan ở góc độ cho phép thay vì chỉ ngồi nghe những quyết định có sẵn hoặc vấn đề đã sắp đặt, chỉ “mượn” phụ huynh biểu quyết. Công khai, minh bạch, có trách nhiệm thì chắc chắn các cuộc họp và hoạt động của hội phụ huynh sẽ phát huy được vai trò của “chân kiềng” trong giáo dục…”.

“Đổi mới họp phụ huynh để đảm bảo sự gắn kết, phát huy hiệu quả trong bối cảnh giáo dục đổi mới hiện nay vô cùng cần thiết. Giáo dục chỉ hiệu quả khi có sự thấu hiểu, chung tay sẻ chia của gia đình với các hoạt động trường lớp…”, cô Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai, Lào Cai) nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ