Họp phụ huynh đầu năm: Nỗi lo núp bóng... lạm thu

GD&TĐ - Tình trạng lạm thu được "núp bóng" dưới các vỏ bọc đóng góp tự nguyện, luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh mỗi khi bước vào năm học mới. Để ngăn chặn, ngành giáo dục Hà Nội tuyên bố sẽ xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hội trưởng phụ huynh được chỉ định... trước khai giảng

Ngày đầu đi học của con, chị Nguyễn Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) được mời vào làm thành viên nhóm Zalo phụ huynh của lớp với 3 người trong ban đại diện đã được chỉ định sẵn. Nhóm đã thảo luận rất sôi nổi về những khoản tiền mà phụ huynh sẽ phải nộp đầu năm như tiền lắp điều hòa, tiền điện, tiền máy chiếu, rèm cửa...

Hầu hết phụ huynh đều đồng ý với khoản tiền mà Ban đại diện dự định thu, mặc dù một số người thắc mắc số tiền khá lớn so với thu nhập của họ. Nhiều người thắc mắc một số khoản như mua sắm máy móc, trang thiết bị, đã được Bộ, Sở quy định không được phép thu. Tuy nhiên vì muốn con mình được học yên ổn, không khác biệt so với phần còn lại nên phụ huynh đều đồng ý nộp tiền.

Trước thềm năm học mới, ngày 27/8, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021 và đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong đó nhấn mạnh: Tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Theo nhiều phụ huynh, học phí trường công thật sự không đáng lo, mỗi tháng vài chục nghìn người lao động nghèo vẫn có thể chạy vạy để lo cho con ăn học được. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất lại là phụ phí tồn tại dưới hình thức “hỗ trợ”, “vận động”, “đóng góp”.

Nào là hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt của học sinh như tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền học vi tính, tiền giữ xe đạp, tiền học buổi thứ hai, tiền học kỹ năng sống, tiền sinh hoạt câu lạc bộ, nào là vận động chỉnh trang khuôn viên nhà trường, nâng cấp sân bóng, cải tạo nhà vệ sinh, cải tiến hệ thống làm mát...

Các khoản thu này đều được tồn tại một cách danh chính ngôn thuận, được “núp” dưới cái bóng của mỹ từ “thỏa thuận” và “tự nguyện”. Nhà trường hợp pháp hóa khoản thu bằng cách đưa ra biên bản họp với ban đại diện cha mẹ học sinh. Thậm chí có trường còn in sẵn “Đơn xin tự nguyện đóng góp” như một tấm lá chắn hữu hiệu nhất để đối phó.

Một trong những “đối tượng” được coi là “khơi mào” cho chuyện lạm thu trong trường công lập lại hóa ra là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không ít nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã trở thành “công cụ” giúp cho các khoản lạm thu ở trong các trường công lập nghiễm nhiên có đất sống.

Xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu

Cũng như các địa phương khác, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2020-2021. Theo đó, Sở yêu cầu tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ giáo viên, CMHS các văn bản chỉ đạo thu chi của các cấp quản lí giáo dục, niêm yết công khai các văn bản chỉ đạo.

Các cơ sở giáo dục chỉ được thu các khoản thu theo quy định (đối với các cơ sở giáo dục công lập chỉ được tiến hành thu các khoản thu khác sau khi có thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên). Ngoài các khoản thu theo quy định, các cơ sở giáo dục không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Phổ biến Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh tới các cha mẹ học sinh. Các cơ sở giáo dục không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Bước vào năm học mới 2020-2021, một trong những điểm được đặc biệt nhấn mạnh với các trường là không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Để tránh những bức xúc xung quanh các khoản thu ngoài quy định, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Các khoản không được thu bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định. Có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với Hiệu trưởng thực hiện thu chi không đúng quy định. Công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ email để người học, cha mẹ người học và nhân dân kịp thời phản ánh các vấn đề, vụ việc liên quan đến GDĐT năm học 2020-2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.