'Nàng thơ' ngọt ngào, nhân hậu của thi sĩ Ngọc Khương

GD&TĐ - Ngày 22/9, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm về tác giả Ngọc Khương nhân ông trình làng tác phẩm văn học thứ 17 của mình.

Nhà thơ Ngọc Khương (đứng thứ 5 từ phải qua) trong trại viết Phú Yên, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Nhà thơ Ngọc Khương (đứng thứ 5 từ phải qua) trong trại viết Phú Yên, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Ngày 22/9, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm về tác giả Ngọc Khương nhân ông trình làng tác phẩm văn học thứ 17 của mình – “Muôn lời thiên nhiên” (NXB Hội Nhà văn 2023) - một tập thơ dành tặng thiếu nhi đón Tết Trung thu đang tới.

Tỉnh táo để tự cứu mình

Nhà thơ Ngọc Khương tên thật là Nguyễn Ngọc Khương, sinh quán xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Nơi đây có di tích lịch sử cấp tỉnh - đền thờ một gia tộc, một từ đường mang tên “Truy viễn đường” thuộc dòng họ Nguyễn Khắc – Thái bảo quận công nổi tiếng.

Theo các sử liệu, Nguyễn Khắc Minh (1613 - 1697) là con trai của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn, nguyên quán làng Hoa Kinh, xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Cư Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Nguyễn Khắc Minh làm quan võ, tước quận công.

Ngày 15 tháng 6 năm thứ 5 đời Vĩnh Trị (vua Lê Hy Tông), Nguyễn Khắc Minh vào Bình Chính, Quảng Bình lập trang trại, xây từ đường nói trên.

Quận công Nguyễn Khắc Minh là hậu duệ đời thứ tư của bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ (người có tên trong giai thoại văn học nàng “bán chiếu gon” của thi hào Nguyễn Trãi) vốn quê ở làng Hới, Hải Triều (Hưng Hà, Thái Bình). Nhà thơ Ngọc Khương là hậu duệ đời thứ 14 của quận công Nguyễn Khắc Minh.

Sau 1975, cụ thân sinh tác giả Ngọc Khương, ông Nguyễn Lưu, trong hồi kí của mình - “Một chuyến về làng” (NXB Thanh Niên 2012) có viết về ngôi mộ một ân nhân của quận công Nguyễn Khắc Minh (bà là một cung phi của chúa Nguyễn khi mất được mai táng ở khuôn viên “Truy viễn đường”).

Mộ ấy đã từng được khảo cổ và phát hiện, khi mở nắp quan tài: “…thi thể vẫn nguyên vẹn, da thịt vẫn tươi tắn, tóc vẫn dính da đầu. Áo quần và đồ liệm vẫn như mới” (tr.151).

Vào những năm 1960 của thế kỉ trước, tác giả Ngọc Khương là học sinh giỏi của Trường Cấp 3 Nam Quảng Trạch, Quảng Bình. Từ ngôi trường này, học trò Ngọc Khương từng chiếm giải Nhất cuộc thi giỏi Văn toàn tỉnh; giải Nhất tiết mục Tiếng thơ trong hội diễn văn nghệ các trường cấp 3 phổ thông của tỉnh.

Khi Bắc - Nam bị chia cắt, vết cắt chung ấy gây tổn thất cho dân tộc, trong đó có gia đình họ Nguyễn. Cha Ngọc Khương kể lại trong sách đã dẫn: “Lúc vợ tôi và con gái [theo] tôi vào Nam thì trưởng nam của tôi là Ngọc Khương vừa lên năm. Tuy chưa đủ trí khôn nhưng Khương quyết không đi theo mẹ.

Khương nói: “Con ghét lính, ghét Tây lắm, con ở nhà với ông mệ nội, với các cô chú thôi”! (tr.136). Thế là bà cháu Bắc, cha mẹ Nam! Vì có người thân ở miền Nam nên Ngọc Khương học giỏi vẫn không được đi đại học, chỉ học Cao đẳng Sư phạm rồi đi dạy.

Đất nước thống nhất, Ngọc Khương vào TP Hồ Chí Minh tìm cha mẹ, tìm cơ hội thực hành tài năng văn chương mình có từ ấu thơ. Ông vừa viết bài cho các báo “Tuổi Trẻ”, “Sài Gòn giải phóng”, “Văn nghệ”, “Văn hóa”, “Nhân dân”… vừa mở doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, hỗ trợ các cặp đôi thanh niên nghèo là người lao động nhập cư.

Chính anh giáo trẻ đẹp trai Ngọc Khương, có giọng ca Huy chương Vàng, với kiến thức văn khoa sư phạm, thuộc cả kho thơ tình Nguyễn Bính, Xuân Diệu… đã tự tin chuyển phương ngữ “quê bọ” thành giọng chuẩn Hà Nội, cầm mic làm MC xe duyên cho cả nghìn cặp tân lang và tân giai nhân.

Không chỉ lo kiếm tiền, chính thời gian này Ngọc Khương thành lập CLB Thơ – Nhạc Hương Nguồn và trở thành một trong những người đi đầu thực hiện mô hình “xã hội hóa văn hóa”, tạo ra sân chơi văn học nghệ thuật lành mạnh trong công nhân viên chức, mở những diễn đàn văn hóa để văn nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của mình.

Dù là người say thơ nhưng tác giả Ngọc Khương vẫn đủ tỉnh táo để “tự cứu mình trước khi trời cứu”!

Bốn tập thơ một góc nhìn sinh thái

Tác giả Ngọc Khương đã xuất bản 4 tập thơ dành cho thiếu nhi: “Cây đàn và bông hồng” (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 1995), “Bim Bim và Mướp Vàng” (NXB Trẻ 2001). “Cò bay giữa phố” ( NXB Hội Nhà văn 2017), “Muôn lời thiên nhiên” (NXB Hội Nhà văn 2023).

Bốn tập thơ viết cho thiếu nhi của Ngọc Khương đều có góc nhìn hướng tới mối quan hệ máu thịt giữa con người và môi trường sống quanh mình, tạo được nét văn sinh thái. Cả bốn tập có thể coi là văn học xanh ông dành cho độc giả tuổi xanh của mình.

Đó là màu xanh tươi của một tứ thơ sinh động kể chuyện con chim sáo học nói tiếng người để có thể góp sức mình, duy trì một nếp sống, một thời khóa biểu con người nghĩ ra, nhằm thúc đẩy văn minh xã hội: “Sáng sáng Sáo gọi/ Dậy mau! Dậy mau!/ Nhanh chân đến lớp/ Trễ học rồi nào!// Chiều chiều Sáo nhắc/ Học bài! Học bài! Mê chi điện thoại/ Bấm hoài! Bấm hoài!// Chủ nhật Sáo giục/ Tưới cây! Tưới cây!// Em mang vòi nước/ Làm mưa phun đầy…” (Chú Sáo nhà em).

Thiên nhiên và con người thân thiện tới mức một em bé cùng bạn Sáo của mình thay trời làm mưa! Thân thiện hơn là ngoài vườn cây kia, những người bạn có cánh, những người bạn 4 chân của em bé ấy cũng làm thơ, cũng trảy hội thơ nơi lưng chừng trời: “Chú Vàng cất tiếng gâu gâu/ Khua vang hồi trống, mở đầu hội thơ/ Gà Nâu vừa tỉnh giấc mơ/ Ó ò ó - nắng buông tơ sáng – chiều// Vịt Bầu chân bước liêu xiêu/ Đọc thơ tứ tuyệt, bao nhiêu nỗi niềm!/ Mèo Con đôi mắt u huyền/ Ngâm bài lục bát, trăng nghiêng cuối chiều.// Chú Khỉ không ngớt leo trèo/ Diễn“tân hình thức” thơ treo lưng trời// Tiếng thơ như níu lòng người/ Nguyên Tiêu, vang vọng muôn lời thiên nhiên …” (Ngày hội Nguyên tiêu).

Thiên nhiên chẳng những cũng lục bát gieo vần như người, mà còn vẻ như hơn người vì biết tự trào, biết giễu nhại nhí nhảnh, tức cười…

Tác giả Ngọc Khương có cách biến một vùng đất, một địa danh thành một con người để có thể thảnh thơi, thanh thản ngả lưng bên thềm lục địa nhiều bão giông: “Tầng tầng/ Đá đĩa nhấp nhô/ Chênh chao võng biển/ Đung đưa Tuy Hòa...” (Bên tháp nghinh phong);

Có thể biến một thế đá ba hòn thành đội hình xiếc ba người xếp thành cái đẹp vững bền, sau thử thách chông chênh từ trăm năm, nghìn năm: “Một người/ Chỉ cõng một người/ Đã nghe thở dốc/ Rã rời tay chân!/ Một thân/ Mà cõng hai thân/ Mấy ai trụ được/ Vũ vần trăm năm!// Qua Định Quán/ Đá chẳng nằm/ Đứng chồng ba lớp/ Trăng rằm chạm môi…// Đá như làm xiếc mà chơi/ Để nhiều bạn trẻ/ Bao đời ngác ngơ…/ Hay là đá cũng mộng mơ/ Muốn làm thi sĩ tạc thơ lên trời?” (Đá chồng).

Đọc bốn tập thơ này, bạn đọc thiếu nhi cùng tác giả Ngọc Khương lắng nghe “vang vọng muôn lời thiên nhiên”. Trong vang vọng ấy, con người và thiên nhiên không chỉ chung vui với nhau mà còn chia buồn cùng nhau nữa.

Buồn khi: “Những chú cò/ Bị khâu mắt/ Đứng giữa đồng/ Làm bẫy...” để “những cánh thơ” đồng loại rơi vào “Quắt queo chảo lửa” khiến “Đồng làng em/ Trống mảnh hồn quê!” (Trống mảnh hồn quê); buồn khi thú cưng chó vàng bị: “Cái lũ thất đức/ Nó thuốc mày rồi!/ Tim mày ngừng đập/ Bọt sùi trắng môi!...// Đắp mày nấm mộ/ Thắp ba nén nhang/ Cầu mày tịnh độ/ Về nơi niết bàn!” (Ky ơi! Ky ơi).

Buồn vì nghe được tiếng khóc của một “ông” voi trong rừng Mã Đà:

“Ta buồn quá đỗi/ Giữa rừng cô đơn/ Trách chi đồng loại/ Chưa vơi oán hờn!// Ngày xưa dòng họ/ Đông đúc từng đàn/ Rợp trời cổ thụ/ Ngà soi trắng ngàn…// Bây giờ nhìn lại/ Anh em đâu rồi?/ Thương cho đồng loại/ Cháy trời mồ côi!// Trách ai đây nhỉ?/ Tình ta với người/ Một thời đánh giặc/ Sống chết buồn vui…// Sao nay mũi súng/ Lại ngắm vào ta/ Dứt tình, dứt nghĩa/ Phải chăng cặp ngà?” (Vì sao voi khóc).

Buồn thành đau, khi đất nước bị xâm phạm, khi một đảo nhỏ bị bắt giữ, giam cầm:

“Biển Đông/ Khuyết một vành trăng/ Đêm đêm nguyệt thực/ Chị Hằng còn đau!// Trăng non/ Từ đáy biển sâu/ Mọc lên giữa sóng bạc đầu/ Lung linh...// Bao người lính đã hy sinh/ Đảo thiêng xé sóng/ Hóa mình thành trăng…” (Trăng Trường Sa).

Trong nỗi đau này, “bao người lính đã hi sinh” lại phục sinh, trường sinh giữa vầng sáng lung linh huyền thoại của lối viết sử thi ở một lục bát đồng dao dành cho thiếu nhi.

Qua 4 tập thơ, với ý thức chủ động mở đường giao thoa, giao hòa màu xanh tự nhiên với màu xám công nghiệp hóa, điện khí hóa, tác giả đã thành công khi mô tả ngoại cảnh theo lối sinh vật hóa, biến những cỗ máy khổng lồ thành một cánh rừng dễ thương: “Cây trồng mãi ngoài biển/ Quả chín cây trong nhà/ Những trái đèn cổ tích/ Chờ ta về sáng òa// Vui sao cây điện gió/ Quay tròn vào giấc mơ/ Gọi trăng về lấp ló/ Sáng bừng từng trang thơ…” (Cây điện gió).

Tác giả Ngọc Khương hay dùng phép nhân hóa biến vật thành người. Một trong những nhân hóa thành công nhất, là khi nhân hóa nhòe trong tả thực để có được những hình tượng thơ lãng mạn tới mức cái ảo ăn nhịp, hòa sắc với cái thực giúp thơ đi tới cùng trí tưởng tượng của nhà thơ, đưa nhân vật trữ tình của mình, giữa nắng gió thường nhật, có thể du hành vũ trụ từ đôi tay sóng biển: “Biển dềnh muôn ngọn sóng/ Chẳng mệt mỏi chút nào/ Mãi đưa ngàn cánh võng/ Hát ru bờ lao xao… Em ngồi bên mép nước/ Sóng rủ em đi chơi/ Mới bước ra vài bước/ Biển tung em lên trời...” (Em ra bãi biển).

Vợ chồng nhà thơ Ngọc Khương.

Vợ chồng nhà thơ Ngọc Khương.

Tiếng thơ từ vùng chang chang cát trắng

Sau gần 50 năm cầm bút, thầy giáo – thi sĩ Ngọc Khương đã thành tác giả của 17 tác phẩm văn học trong đó có 15 tập thơ.

Đọc thơ Ngọc Khưong, PGS Trần Thanh Đạm (1932 – 2015) nhận ra thanh âm, màu sắc đất thiêng Quảng Bình của tác giả đồng hương với mình.

Ông viết: “…thơ Ngọc Khương không chỉ có tình yêu nam nữ thuần túy, nói đúng hơn, tình yêu của anh còn mở rộng đến nhiều đối tượng khác ở trong đời. Tôi có cảm tình với những bài thơ của anh về quê hương. (Đó cũng là quê ngoại của tôi).

Đất Quảng Bình có màu xanh của biển Đồng Hới, của sông Nhật Lệ, sông Gianh – cái màu xanh sao nhìn không mát mắt mà “chói mắt”, cũng như cái màu trắng “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” (Tố Hữu). Màu xanh và màu trắng ở đây là màu của miền đất gian lao còn mang thương tích của chiến tranh, lại thường xuyên hứng chịu nắng hạn, bão lụt.

Miền đất gian lao ấy sao lại sẵn điệu hò, giọng hát đến thế: “Từ phương xa nghe bài hát Quảng Bình/ Thương biết mấy một vùng quê lam lũ/ Giọng miền Trung cồn cào nỗi nhớ/ Câu hò Lệ Thủy bâng khuâng…/ Nghe bài hát quê hương, thương mẹ quá chừng!...”.

Một nhà thơ đồng hương khác - Trần Nhật Thu (1945 - 2008) thì nhìn thấy chất trần thuật trữ tình trong thơ Ngọc Khương, nhìn thấy bi kịch gia đình trong lịch sử cam go ác liệt của dân tộc: “Dấu ấn không phai nhạt trong đời thơ Ngọc Khương, có lẽ là hình bóng bà nội của anh, người đã nuôi dưỡng anh từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Bởi từ nhỏ, anh phải sớm xa cha, xa mẹ. Bà là cái nôi, là bóng mát che chở cuộc đời anh – nuôi dưỡng hồn thơ anh. Bà cũng là chỗ dựa duy nhất để anh vượt qua những chặng đường gieo neo vất vả (như đã nói kĩ trong phần tiểu sử).

Có lẽ trong đời người dài dằng dặc những niềm vui và nỗi buồn, bà nội là hình ảnh không bao giờ nhạt nhòa trong tâm trí anh: “Một đời rơm rạ ruộng đồng/ Nội đi, chỉ tấm lưng còng mang theo/ Cỏ vàng nấm mộ buồn teo/ Buốt mưa đêm, rát nắng chiều, Nội ơi!/ Bao năm nuôi cháu mồ côi/ Lời Nội đẫm vành nôi cháu nằm...”.

Thi sĩ Hà Nhật, vừa là đồng hương vừa là thầy giáo của tác giả Ngọc Khương thì phát hiện ra nét độc đáo và bút lực sung mãn của trò giỏi Ngọc Khương: “Vừa nhìn thấy tên tập thơ “Lục bát đảo”, tôi cứ tưởng Ngọc Khương đang có ý định cách tân thơ lục bát truyền thống, tạo ra một thứ lục bát mới, gọi tên là lục bát đảo. Hóa ra không phải.

Tên tập thơ chỉ muốn nói lên rằng ở đây, toàn là thơ lục bát, và những bài thơ lục bát này chỉ dành để nói về đảo, những hòn đảo trên đất nước mình! Thì ra Ngọc Khương đi nhiều lắm, đến với những hòn đảo hầu như từ Bắc chí Nam, từ Bạch Long Vĩ, Cô Tô đến Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ; từ đảo Phú Quý cho đến Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu... Anh cũng vươn cảm xúc của mình đến với những hòn đảo anh không thể đặt chân tới nhưng đã là những đảo thiêng, đảo trong trái tim của mọi người Việt Nam.

Anh viết về người lính đã hi sinh trong cuộc chiến giữ Đảo Gạc Ma: “Nát thân/ Còn giữ lời thề/ Bạc đầu khăn sóng/ Quặn về muôn sau…” (Sóng Gạc Ma) […] Tuy nhiên, biển và đảo không chỉ có vậy, biển và đảo còn có những vẻ đẹp và niềm vui, những vẻ đẹp tuy đơn sơ, những niềm vui tuy giản dị nhưng lại rất ý nghĩa, rất lớn lao: “Rợp trời/ Muôn cánh thuyền dong/ Khoai lang phây phẩy/ Nứt vồng, lịm hương” (Đảo Ngọc Vừng). Rồi đây là vẻ đẹp của đôi hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long: “Đôi gà/ Trụ giữa biển khơi/ Triệu năm chung thủy/ Cho người mẩn mê” (Hòn Trống Mái).

Cái nhìn rất nghệ sĩ. Đôi gà trụ giữa biển khơi thì có lẽ ai cũng biết, nhưng nhận ra đó là biểu tượng của triệu năm chung thủy, chỉ cái nhìn nhân hậu và nghệ sĩ mới thấy được…

Rồi Ngọc Khương viết về những người lính nơi đảo mà chưa hẳn là đảo, nhưng là biên cương Tổ quốc, máu thịt nhân dân: “Thương người/ Đôi mắt quầng thâm/ Đêm đêm đứng gác/ Nước bầm ngang lưng! Miếng cơm/ Mưa tạt nửa chừng/ Nửa cong/ Đáy chảo/Nửa... rưng rưng chiều! (Đảo chìm, đảo nổi).

Trên đây là những nhận định rất trúng, rất nhà nghề, những nhận định giúp độc giả hiểu hơn tự bạch của tác giả Ngọc Khương trong kỉ yếu “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn 2020): “Nàng thơ là “người tình”, luôn song hành với nhà thơ. Nàng vừa đỏng đảnh, vừa mộng mơ, vừa nghiêm nghị, vừa cao sang; nhưng nàng cũng rất ngọt ngào, nhân hậu và có một trái tim trong trắng, thủy chung”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bộ trưởng và tin nhắn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi: “Nếu nông dân khó, hãy nhắn tin cho tôi!”...