Đầy đặn, phong phú về nội dung và ắp đầy cảm xúc, “Huyền sử cống Chém” là tập sách mới nhất, tiếp nối nguồn cảm hứng về cố đô của nhà báo, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc.
Tỏa hương qua trang viết
Tôi vẫn gọi anh là nhà báo, bởi trước khi làm công tác quản lý ở Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế và bây giờ là ở Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, nghề báo giúp anh được đặt chân đến nhiều vùng đất nước, đặc biệt với địa bàn Thừa Thiên - Huế thì hầu như nơi nào anh cũng có mặt. Đi, với ý thức nghề nghiệp. Đi, với một niềm tự hào.
Tình yêu anh dành cho Huế vừa là tình cảm tự thân, vừa gắn với bổn phận của người viết ứng xử với một vùng văn hóa, nơi đã từng là xứ thần kinh, tới hôm nay vẫn lưu giữ gần như trọn vẹn dáng hình và đặc biệt là hồn cốt, tinh chất, chiều không gian sâu thẳm trước thời gian. Tìm lại, lưu lại, để hồn cốt ấy, tinh chất ấy tỏa hương qua trang viết là mục đích, là khát vọng của Hồ Đăng Thanh Ngọc – một người con xứ Huế.
Vậy nên, những gì Hồ Đăng Thanh Ngọc viết về Huế không xa lạ. Một Huế với những “đặc sản” về thời tiết, cảnh quan, ẩm thực, các làng nghề. Một Huế cố đô với những cái riêng, cái khác.
Đặc biệt, một Huế đậm dấu ấn của tiền nhân chưa xa nhưng không đối lập với Huế trong hiện tại, với những con người dù nổi tiếng hay bình thường đều ẩn sâu cốt cách khiêm nhường tao nhã.
Huế trong văn xuôi Hồ Đăng Thanh Ngọc in bóng hình sông núi qua bao cuộc bể dâu, tĩnh mà động, động mà tĩnh, như dòng sông Hương luôn êm đềm xanh biếc, ôm chứa trong lòng những luân chuyển của nước, đất, núi đồi, cây trái cùng những phận người.
Vậy nên, anh đã mở đầu tập “Huyền sử cống Chém” bằng bút ký “Sông Hương huyền nhiệm”: “Theo một lẽ tự nhiên, các con sông trên thế gian thường được cấu tạo qua bao lớp lớp thời gian và thủy dịch. Đó là một hình ảnh liên tục được đổi thay của thế tục. Hình ảnh càng cao đẹp, sang trọng thì sự đổi thay càng bí ẩn, mầu nhiệm. Sông Hương là một hình ảnh biến dịch, huyền nhiệm như vậy…”.
Tác phẩm 'Huyền sử cống Chém'. Ảnh: NVCC. |
Hiểu về dòng Hương chính là hiểu về xứ Huế ở góc độ địa lý, phong thủy, văn hóa, lịch sử và cả tâm linh. “Đó là một đời sông mãnh liệt thác ghềnh song lại rất đỗi hiền hòa cho con người soi bóng, vừa hoành tráng vừa diễm lệ, vừa thơ mộng song cũng đầy minh triết…”.
Sông Hương vừa là hình ảnh có thực, vừa là một hình tượng bắt đầu để từ đó những câu chuyện về xứ Huế của Hồ Đăng Thanh Ngọc được khơi nguồn, tuôn chảy, với chất văn xuôi khi mạnh mẽ nhiệt thành, lúc lãng mạn thảnh thơi, khi lại u uẩn vời vợi nỗi buồn.
Mỗi bút ký, tùy bút trong tập giống như một bến bờ, một điểm chạm của dòng nước, hoặc là một chi lưu của dòng sông lớn. Lối kết cấu đó giúp người viết được tự do tung tẩy cùng thể loại mà vẫn thống nhất về điểm nhìn nghệ thuật.
Từ thế kỷ 17, thời các chúa Nguyễn, Huế (khi đó được gọi là Phú Xuân) là thủ phủ xứ Đàng Trong. Thời Tây Sơn, Huế vẫn được vua Quang Trung lựa chọn. Năm 1802, khi Gia Long lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho vương triều phong kiến quyền lực nhất nước ta, kéo dài 143 năm, Huế lại tiếp tục được chọn làm nơi đóng đô.
Đặc biệt, giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình suy yếu, vận nước gian nan, uất ức dồn nén. Đây cũng là thời điểm giao thoa giữa cái cũ và cái mới. Cái cũ còn mạnh và bảo thủ. Cái mới được nảy nở phát triển nhưng chưa xây được gốc bền vững.
Những nỗ lực của chính quyền phong kiến không thể làm thay đổi bản chất, hướng đi của thời cuộc. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Huế là nơi chuyển giao quyền lực giữa chính quyền cũ và chính quyền mới. Trải qua kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, rồi đến thời mở cửa phát triển văn hóa du lịch, Huế lại có biết bao câu chuyện bãi bể nương dâu.
Vậy nên, cảm thức về “Lối xưa xe ngựa hồn thu thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”(*) in đậm trong từng trang viết của Hồ Đăng Thanh Ngọc. Những biến động của lịch sử từ thời trung đại đến cận hiện đại dù đã qua nhưng vẫn âm thầm để lại dư chấn nằm sâu trong lòng sông lòng núi, hệ thống đền đài thành quách, cỏ cây và cả bao kiếp người.
Đấu trường Hổ Quyền như còn vọng lại tiếng gầm của voi của hổ trong từng trận kịch chiến hàng trăm năm trước. Những cây tre bêu đầu phất phơ trong gió gợi nhắc dấu vết của pháp trường Cống Chém, cồn Mả Thí, những cuộc hành hình dù diễn ra với anh hùng hào kiệt hay tội nhân cũng đều đớn đau u uẩn, phận người cũng như phận lau ngả nghiêng trong gió và trôi dần vào mịt mùng vô tăm tích.
Núi Ngự Bình, cồn Hến, cồn Dã Viên vẫn bảo bọc kinh thành Huế theo chiều phong thủy. Và đặc biệt là sông Hương – con sông thơm của muôn đời nối kinh thành với vùng đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nối kinh thành với các vùng cư dân nông nghiệp, thương nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống, các ốc đảo vạn đò… Đi dọc sông Hương là đi dọc một miền văn hóa được phát triển đan kết qua tầng tầng thời gian.
Hiểu về sông Hương là hiểu về lịch sử miền cố đô, hiểu về sức mạnh của con người xứ Huế mang đầy đủ các yếu tố của nước – mềm mại, bền bỉ, tận tụy và không kém phần quyết liệt.
Một góc nhìn riêng
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc sinh năm 1965 tại Thừa Thiên - Huế, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế của một người đam mê nghề văn, nghề báo đã giúp anh có được nhiều trang viết chân thực, sống động về các vùng miền đất nước - đặc biệt là về Huế, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi anh dành cả cuộc đời để gắn bó
Cùng với các tập thơ và trường ca, Hồ Đăng Thanh Ngọc đã có ba tập bút ký - tùy bút được xuất bản gắn với miền không gian Huế: “Chuyện Huế” (2008), “Đôi triêng gióng của mạ” (2011), “Huyền sử cống Chém” (2022).
“Người là hoa của đất”. Người Huế, qua ngòi bút của Hồ Đăng Thanh Ngọc mang những phẩm tính riêng, khó trộn lẫn và ít thay đổi trước thời gian. Họ có thể là những lao động bình dân lênh đênh kiếm sống trên sông nước, hay cần mẫn trong khu vườn đầy cây trái, hoặc miệt mài với gánh cơm hến, gánh chè rong.
Họ có thể là những nghệ nhân ca Huế, nghệ nhân ẩm thực, hoặc gắn với các làng nghề truyền thống làm tranh dân gian, làm hương, làm nón… Thế kỷ 20 - 21 với những biến động lớn lao, những đổi thay như vũ bão, song ở họ vẫn là một tâm thế thật an yên, chủ động nắm bắt từng khoảnh khắc, vừa nhập thế vừa có tính hướng nội sâu sắc.
Trọng chất chứ không trọng lượng, trọng chiều sâu chứ không đua theo bề rộng, người Huế biết giữ những điều quý giá căn cốt đồng thời chủ động lược bỏ sự rườm rà, hay những khuếch trương.
Viết về thiên nhiên, văn hóa và con người xứ Huế, tác giả Hồ Đăng Thanh Ngọc luôn thống nhất một góc nhìn riêng, không giấu sự tự tin tự hào. Một “Quán rắn góc trời” đầy đủ hương vị đặc sắc chẳng phải tìm kiếm đâu xa.
Một “Làng ươm trái” Mỹ Lợi mang giọng nói ngọt ngào đặc trưng. Những làn điệu ca Huế vừa sang trọng trong không gian cung đình, vừa sâu lắng mộng mị trên sông Hương, lại mộc mạc ở giữa đời thường. Những ngôn từ chỉ có ở Huế. Những món ăn thuộc về Huế.
Cả đến giọt nước mưa cũng mang sắc màu xứ sở. Trên bản đồ đất nước, Huế là một dải đất hẹp của miền Trung, có phần khép kín với hai đầu đất nước. Song trên thực tế, Huế đã thu nhận những luồng văn hóa tư tưởng phương Tây từ rất sớm, gom lại, nén lại, và lặng lẽ chuyển dịch.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc cùng tập sách 'Đôi triêng gióng của mạ'. Ảnh: NVCC. |
Thế nên không phải ngẫu nhiên mà có những thế hệ trí thức văn nghệ sĩ gắn bó lâu dài, đặc biệt nặng tình với Huế. “Gió qua gác Trịnh’, “Người sót lại cho Huế những gì đã mất”, “Upside downism của Nguyễn Đại Giang”, “Họa sĩ Đinh Cường: Ra đi mới biết lòng vô hạn”… là những bút ký được viết với sự sôi nổi, nồng hậu, đầy ắp ân tình.
Trịnh Công Sơn đã mất, song “gác Trịnh” lặng lẽ và bình yên vẫn ở đó, lưu giữ bao kỉ niệm về một người nhạc sĩ tài hoa đã từng sống từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước cùng những người bạn như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Ý, Bửu Chỉ… những tên tuổi hàng đầu của nền văn học nghệ thuật hiện đại nước nhà.
Gió qua gác Trịnh và gió còn lưu lại, để kể với những người yêu mến Trịnh Công Sơn về một thời tuổi trẻ, về những khát vọng những tiếng lòng đẹp đẽ như vẫn còn run lên, còn ấm nóng hơi thở trước thời gian. Thế nên, mới có những người như nhà giáo – nhà văn - dịch giả Bửu Ý cả đời luôn sống, yêu và viết về Huế, giữ lại cho Huế những gì đã mất, một họa sĩ Đinh Cường cả đời xê dịch nhưng “Đinh Cường đâu, Huế đó”, “không gian Huế, con người Huế ám ảnh vào cuộc sống và tranh Đinh Cường rất dữ dội, như định mệnh, không thể khác”.
Mong rằng trong thời gian tới, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc sẽ có riêng một tập sách về những thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ đang ở Huế và gắn bó với Huế. Họ chính là cầu nối Huế với cả nước, giữ lại cho Huế những gì đã mất và đưa về cho Huế những giá trị mới.
Với “Huyền sử cống Chém”, Hồ Đăng Thanh Ngọc hướng ngòi bút của mình về lịch sử, lắng nghe những thanh âm dội từ quá khứ như một niềm cảm khái để đối diện với hiện thực, tìm trong hiện thực dáng vẻ u hoài lãng đãng, song cũng không kém phần tươi mới.
Huế qua trang viết của anh đã bắt đầu vào cuộc phôi pha, song sức sống dân gian vẫn bền bỉ. “Cùng tồn sinh và khát vọng cùng sông Hương là những làng quê ven sông, nơi nuôi dưỡng và ôm ấp cho nền văn hóa Huế sinh sôi nảy nở”. Nền văn hóa Việt bao đời gắn với yếu tố nước. Chúng ta sinh sống với nước, đánh giặc cùng với nước, hồi sinh cùng nước. Vậy nên, lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một quốc gia cũng như những dòng sông, không bao giờ có thể mất đi, không bao giờ có thể bị hủy diệt.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc thuộc thế hệ người viết đang độ sung sức ở Huế. Những sáng tác của anh cho chúng ta thấy rằng: Yêu một vùng đất là phải hiểu đến tận cùng, phải chăm sóc cho nó cả ở phần tâm hồn và thể chất, chứ không phải là rút tỉa và lợi dụng, khiến cho vùng đất ấy từ giàu có trở thành xơ xác! Vào độ đằm chín của tài năng và tâm hồn, anh sẽ còn tiếp tục cho ra mắt những cuốn sách về Huế, như một cách lưu giữ Huế, như một cách nối liền không gian Huế trong dòng chảy vô thường và đứt quãng của văn hóa hôm nay.
________
* Thơ Bà Huyện Thanh Quan.