Nhà thơ Trần Khánh Toàn viết để tri ân chiến sĩ Cảnh sát biển

GD&TĐ - Tiểu thuyết 'Biển bây giờ vẫn khát', là món quà mà nhà thơ Trần Khánh Toàn muốn tri ân tới những chiến sĩ Cảnh sát biển.

Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam trao đổi với nhà thơ Trần Khánh Toàn (phải) những chi tiết tâm đắc, thú vị trong cuốn tiểu thuyết 'Biển bây giờ vẫn khát'.
Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam trao đổi với nhà thơ Trần Khánh Toàn (phải) những chi tiết tâm đắc, thú vị trong cuốn tiểu thuyết 'Biển bây giờ vẫn khát'.

Lần đầu tiên “lấn sân” sang tiểu thuyết, nhà thơ Trần Khánh Toàn đã “ẵm” ngay giải A thể loại văn học trong cuộc vận động “Sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” 2023 với tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”.

Dành cho Báo Giáo dục & Thời đại cuộc trò chuyện thân tình, nhà thơ Trần Khánh Toàn chia sẻ, đó là món quà anh muốn tri ân tới những chiến sĩ Cảnh sát biển chỉ biết “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”.

Như một mối nhân duyên

- Khi xuất sắc giành giải A thể loại văn học trong cuộc vận động “Sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” với tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”, điều đầu tiên nhà văn nghĩ đến là gì?

Nhà thơ Trần Khánh Toàn: Tôi rất vui và hạnh phúc bởi được viết bằng tất cả tấm lòng mình.

Tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” là sự tri ân của tôi tới các thế hệ cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển - những người lính đã và đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên biển Đông. Đó cũng là món quà ý nghĩa dành tặng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.

- Xin anh cho biết nội dung chính của tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”? Thông điệp mà anh muốn gửi gắm trong tác phẩm là gì?

Bao gồm 15 chương, tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” xoay quanh số phận của ba cặp vợ chồng sĩ quan Cảnh sát biển: Tâm - Vân, Thắng - Hoa, Luân - Hậu và sự trưởng thành của các thế hệ cán bộ chiến sĩ tàu CSB 5003, vùng Cảnh sát biển X (phiên hiệu đơn vị được hư cấu).

Những câu chuyện trong công tác, chiến đấu và đời sống sinh hoạt thường ngày của các chiến sĩ Cảnh sát biển xen kẽ các tình tiết đôi khi được hư cấu. Từ đó, toàn bộ lịch sử, truyền thống và những khó khăn gian khổ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, biện pháp công tác cũng như các hoạt động phong phú nên bản lĩnh chính trị, phẩm chất anh hùng, gắn bó máu thịt với nhân dân của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được hiện dần lên qua những trang viết.

Trong tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh những người lính Cảnh sát biển trung thành với Tổ quốc, bản lĩnh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tận tụy trong công việc nhưng cũng không kém phần hồn nhiên, trong sáng, gắn bó nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân.

Qua đó thể hiện khát khao của các thế hệ cha anh về một thế hệ kế tục trung thành với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khát khao ấy cũng chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam mong muốn xây dựng một vùng biển hòa bình, an ninh, an toàn và cùng phát triển với các quốc gia láng giềng có chung biên giới biển với Việt Nam.

- Anh đã dành thời gian và công sức như thế nào để xây dựng cuốn tiểu thuyết?

Nhà thơ Trần Khánh Toàn (trái) với Trung tá Lê Trung Thành - Hải đoàn phó Hải đoàn 21 vùng CSB 2 nguyên là Thuyền trưởng tàu CSB 4033 trong chiến dịch đẩy đuổi giàn khoan HD-981. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ Trần Khánh Toàn (trái) với Trung tá Lê Trung Thành - Hải đoàn phó Hải đoàn 21 vùng CSB 2 nguyên là Thuyền trưởng tàu CSB 4033 trong chiến dịch đẩy đuổi giàn khoan HD-981. Ảnh: NVCC.

Cũng như đối với nhiều người đam mê văn chương và nghiên cứu lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng “Bộ đội cụ Hồ” luôn cuốn hút tôi đến lạ kỳ. Điều đó càng đặc biệt hấp dẫn khi nó gắn liền với công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Quân đội ta.

Trong những năm cả nước “Hướng về biển Đông”, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển trung thành với Tổ quốc, vững vàng nơi đầu sóng, dũng cảm, ngoan cường bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên biển Đông đã gây xúc động trong trái tim bao người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Chính điều đó đã thôi thúc tôi đến với lực lượng Cảnh sát biển như một mối nhân duyên.

Bốn năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tôi thâm nhập thực tế tại nhiều vùng Cảnh sát biển trong cả nước.

Tôi cũng đến thăm và xin tư liệu của Đại tá Hồ Minh Giáp - Cục trưởng đầu tiên của Cục Cảnh sát biển Việt Nam (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) tại nhà riêng của ông ở TP Hồ Chí Minh, được nghe ông kể về những tháng ngày đầy gian khó của lực lượng Cảnh sát biển khi mới thành lập.

Tôi tự hào được đi trên con tàu CSB 8003 - con tàu mà cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển đã tổ chức Lễ chào cờ Tổ quốc trên vùng biển Hoàng Sa đầy sóng gió và được gặp một số cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 tham gia chiến dịch đẩy đuổi giàn khoan HD-981, bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển Đông ngày ấy như: Đại tá Lê Huy - Cục phó Cục Chính trị, Thượng tá Vũ Văn Ngọc - Phó phòng Quan hệ quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Tôi cũng được nghe Trung tá Lê Trung Thành - Hải đoàn phó Hải đoàn 21 vùng Cảnh sát biển 2, nguyên là Thuyền trưởng tàu CSB 4033 kể về kỳ tích tiến sát giàn khoan HD-981 và bị những con tàu hung hãn của đối phương đâm va quyết liệt nhiều lần trong chiến dịch ấy.

Tôi cũng gặp gỡ một số cán bộ chiến sĩ vùng Cảnh sát biển 3 tham gia vụ bắt 11 tên cướp biển người Indonesia ở ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu năm 2011 mà báo chí và bạn bè quốc tế hết sức ca ngợi.

Tôi được trực tiếp tiếp xúc với những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển làm nhiệm vụ trinh sát phòng chống tội phạm, nghe kể về những gian truân vất vả mà các anh đã trải qua để phòng chống tội phạm ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại trên biển.

Bên cạnh đó, tôi rất xúc động khi được gặp những tấm gương các chiến sĩ Cảnh sát biển đã dũng cảm vượt qua bão tố, tìm kiếm, cứu vớt những ngư dân gặp nạn trên biển, được các anh kể cho nghe tường tận những giây phút cam go, coi nhiệm vụ cứu ngư dân trong mịt mùng đêm tối là niềm hạnh phúc và mệnh lệnh từ trái tim người lính.

Mới đây, tôi và các văn nghệ sĩ 6 tỉnh miền Trung được trực tiếp tham gia chuyến tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo, đẩy đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền và kiểm tra IUU cùng các chiến sĩ tàu CSB 4038 vùng Cảnh sát biển 2.

Có tham gia thực tế mới thấy hết được những khó khăn vất vả những hiểm nguy mà lực lượng Cảnh sát biển phải đối mặt khi thực thi nhiệm vụ trên biển và càng thêm hiểu, thêm yêu những người lính của chúng ta, những chiến sĩ Cảnh sát biển chỉ biết “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”.

Tuy nhiên dịch Covid-19 cũng làm gián đoạn quá trình đi thực tế sáng tác; chưa kể trong mùa dịch, phải nhường laptop, máy tính bàn cho con, cháu học trực tuyến, tôi đã viết bằng máy tính bảng, bằng điện thoại di động rồi gửi vào email.

Đến đêm, khi con, cháu nghỉ học, tôi mở laptop lấy ra, lắp ráp từng khổ, căn chỉnh phông chữ. Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn say sưa sáng tác ở mọi nơi, mọi lúc, bất kể là viết ở nhà hay đang lênh đênh ngoài khơi xa trên những con tàu Cảnh sát biển.

Nhà thơ Trần Khánh Toàn (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với BCH tàu CSB 8003 trong chuyến tuần tra vịnh Bắc Bộ năm 2020.

Nhà thơ Trần Khánh Toàn (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với BCH tàu CSB 8003 trong chuyến tuần tra vịnh Bắc Bộ năm 2020.

Cần hiểu rõ và có cái nhìn đúng

- Đọc bản thảo của tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”, bên cạnh những trang văn tô thắm hình tượng người chiến sĩ còn thấy không ít khoảng lặng cùng nỗi trăn trở khi đâu đó vẫn có “con sâu làm rầu nồi canh”, phai nhạt lý tưởng, cơ hội, thoái hóa biến chất làm ảnh hưởng đến cả một lực lượng Anh hùng. Khi viết về mặt trái ấy, anh có gặp sức ép nào không?

Ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng đã được Đảng ta đặt ra từ Đại hội VI và đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Cuộc đấu tranh cam go giữa cái thiện và cái ác, giữa tích cực và tiêu cực trong tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” đã thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát biển.

Thông qua tác phẩm, tôi muốn bạn đọc hiểu rõ và có cái nhìn đúng về những người lính Cảnh sát biển đang vững vàng nơi đầu sóng, ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước, tích cực phòng chống tội phạm và vi phạm trên biển, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển và đang có đóng góp mạnh mẽ góp phần để Liên minh châu Âu (EU) xóa thẻ vàng đối với hải sản của Việt Nam.

Nhà thơ Trần Khánh Toàn (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn nhà văn đi thực tế sáng tác trên con tàu CSB 8020 tại vùng CSB 3 năm 2020. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ Trần Khánh Toàn (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn nhà văn đi thực tế sáng tác trên con tàu CSB 8020 tại vùng CSB 3 năm 2020. Ảnh: NVCC.

- Vậy khi nào tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” sẽ ra mắt bạn đọc, thưa anh?

Tác phẩm sẽ được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cấp phép xuất bản và dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay. Hy vọng cuốn tiểu thuyết sẽ nhận được sự chào đón, yêu mến của bạn đọc, nhất là độc giả trẻ.

- Anh cũng vừa tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2023 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức tại Đà Nẵng. Vậy tới đây, cùng với “Biển bây giờ vẫn khát”, độc giả sẽ tiếp tục được đón chờ những tác phẩm mới nào của anh?

Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết “Thao thức phía hoàng hôn” về đề tài các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế ở châu Phi, dự kiến sẽ hoàn thành bản thảo vào cuối năm. Cùng với “Biển bây giờ vẫn khát”, “Thao thức phía hoàng hôn” sẽ là bộ đôi tác phẩm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn nhà thơ Trần Khánh Toàn!

“Từ sự yêu mến, cảm phục những tấm gương của cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển hay trong các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biển đảo, tìm kiếm cứu nạn và đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển đã thôi thúc tôi viết lên cuốn tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”” - Nhà thơ Trần Khánh Toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tùy nghi quyết định

GD&TĐ - Xung đột Nga - Ukraine đang leo thang, NATO đã có câu trả lời với đề xuất của Kiev cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công Nga.

Minh họa/INT

Cảnh giác với tin giả

GD&TĐ - Chúng ta chia sẻ với đồng bào mình là chuyện dĩ nhiên, nhưng trước các tin tức 'ngoài luồng' thì cũng nên cảnh giác trước khi thể hiện lòng mình.