Gặp nữ nhà thơ 'níu mùa mà nghĩ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà thơ Phạm Hồng Oanh bén duyên với văn học từ rất sớm, ngay từ khi cô bé tuổi Nhâm Tý, quê ở Vũ Thư (Thái Bình) mới biết đọc, biết viết.

Nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Oanh.
Nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Oanh.

Cô kể: Dạo những năm từ 1976 đến 1989, Hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình đã có “chủ trương” đào tạo “nhân tài” văn học bằng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng viết văn cho thiếu nhi vào dịp nghỉ Hè.

Lớp học có tên là “Búp trên cành ấy” đã “mời” được nhiều cô cậu học sinh cấp 1, cấp 2 tham dự. Cô bé Phạm Hồng Oanh được “mời” không chỉ một mà tới những 5 lần liên tiếp.

Về “dự lớp”, Phạm Hồng Oanh thích nhất là được gặp các cô, các bác nhà văn, nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi nổi tiếng như: Nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Định Hải. Các cụ “lão làng” văn học thiếu nhi đã trò chuyện rất vui vẻ với những cô, cậu mê sách và lại rất thích làm thơ viết văn. Với Phạm Hồng Oanh thì “vô cùng bổ ích và lý thú”.

Như được “truyền ngọn lửa” văn học, những lúc làm bài tập ở nhà xong là cô bé Oanh cặm cụi ghi ghi, viết viết. Cô làm thơ như lẽ tự nhiên và cũng là một sở thích, với những câu thơ như: “Dòng sông trôi lẳng lặng/ Hai bãi bờ cát trắng phù sa/Sông ơi sông trôi về đâu vậy/Sao âm thầm, lặng lẽ như ta” và “Sẽ cúi xuống nhìn mình lặng lẽ/Ta sợ bóng ta, sợ chính mình”.

Tuy không được ví hay được gọi là “thần đồng” như một số người trẻ tuổi khác nhưng thơ của Phạm Hồng Oanh ngay từ thuở học trò đã được các cô, các chú trong Hội Văn nghệ tỉnh chú ý, khích lệ và “đem” in báo. Thơ học trò của Phạm Hồng Oanh cứ dần dần “lớn lên”, dần định hình cho một nhà thơ tương lai.

Cũng bởi thế nên ngay từ khi còn đang ngồi trong giảng đường của Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Phạm Hồng Oanh đã được kết nạp vào Hội Văn nghệ Thái Bình và cho đến giờ, chưa có ai “thay thế” được vị trí là hội viên trẻ tuổi nhất khi vào Hội.

Học Cao đẳng Sư phạm xong, Phạm Hồng Oanh trở thành cô giáo dạy môn Văn, Trường THCS Vũ Phúc, TP Thái Bình. 10 năm sau, cô theo học Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Học xong, Phạm Hồng Oanh lại về “quê lúa” tiếp tục làm công việc “gõ đầu trẻ”.

Một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Hồng Oanh.Một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Hồng Oanh.Một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Hồng Oanh.

Một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Hồng Oanh.

Cô nói: “Cô rất yêu nghề dạy học của mình”. Điều này tôi tin vì nghe đâu đã đôi lần cấp trên muốn cô về công tác ở Hội Văn nghệ tỉnh nhưng cô xin ở lại chỉ vì: “Chỉ mãi muốn làm người chèo đò!”.

Phạm Hồng Oanh từng 2 lần được nhận giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh do Báo Tiền phong trao. Lần thứ nhất với bài thơ “Muối dưa”, không chỉ vào giải Tác phẩm Tuổi xanh mà năm 1993 còn được Ban biên tập Tuyển thơ lục bát Việt Nam chọn in và cô thêm một lần được ghi nhận là tác giả trẻ tuổi nhất trong số các tác giả có mặt trong tuyển thơ.

Bài “Muối dưa” có những câu “từng trải” như: “Tươi cái mất, héo cái còn/ Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa/ Tưởng vừa chớm đến độ chua/ Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu/Một thời mặn nhạt cho nhau/Xót xa nào nghĩ nát nhầu lá xanh/Gỡ xong ngày tháng vô tình/Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua”.

Rồi lần thứ 2 cô nhận giải Tác phẩm Tuổi xanh là năm 1999 với bài thơ “Chuyện kể với mẹ”. Phạm Hồng Oanh chuyên làm thơ lục bát. Đây là một thể thơ truyền thống, rất phổ biến, dễ làm nhưng để hay và theo kịp hơi thở cùng nhịp sống thời đại, nhất là thời đại 4.0 như hiện nay thì không phải ai cũng có thể làm được. Lý giải về sự thuận tay này, Hồng Oanh bảo mình có duyên với lục bát!

Cô đã “dấn thân” vào “cuộc kiếm tìm” từng khiến bao người làm thơ đành bỏ cuộc nhưng cũng có nhiều người thành danh. Tuy nhiên như Hồng Oanh tâm sự: “Ai cũng có lối đi riêng của mình trên chặng đường quen thuộc”.

Ngay như chuyện chợ tình Khau Vai ở mãi tít huyện Mèo Vạc xa xôi của tỉnh biên viễn Hà Giang, tưởng như chỉ có những câu hát khèn cùng những lời trao duyên đưa đẩy theo lối người dân tộc thiểu số bản địa vậy mà cũng được Phạm Hồng Oanh “Việt hóa” bằng những vần điệu lục bát, đọc lên vẫn vương vấn đâu đây hơi thở cao nguyên đá, qua bài thơ “Cho một lần Khau Vai”.

Cô viết: “Mỗi lần thầm nhắc Khau Vai/Hình như trong nỗi niềm ai cũng từng/Tiếng khèn vấp đá ngập ngừng/Cuộc tình nào phủ xanh rừng, rừng ơi?/Không đi trọn vẹn cuộc người/Thôi thì đến một góc trời thả đau/ Vẫn còn suối cạn, thung sâu/Là còn lối để cho nhau được về/Cởi cho toang những hẹn thề/Vò cho nhàu nát não nề, dở dang/Quẳng đi phiền muộn, nhỡ nhàng/Đêm nay trời đất ngập tràn thương yêu”.

Và như để “củng cố” thêm, Phạm Hồng Oanh còn mượn câu lục bát để “an ủi” những tâm hồn đau: “Mỗi ngày lại có ngày mai/Thời gian cứ nhạt tàn phai khi nào/Lời cho không thật ngọt ngào/Nên câu nói dối bao giờ cũng xanh” (Mỗi ngày).

Tuy làm thơ những mấy chục năm nhưng Phạm Hồng Oanh xem ra “rất cẩn thận” với chính mình. Bằng chứng là cô mới chỉ cho bàn dân thiên hạ biết đến thơ của mình qua 3 tập thơ in riêng, đó là các tập đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành: “Mặt trời xa lắc” (2013); “Hoa nở không mùa” (2018); “Níu mùa mà nghĩ” (2021). Trong đó, hai tập thơ in năm 2018 và 2021 đều được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Cũng phải nói thêm, Phạm Hồng Oanh đã nhận được Giải thưởng cho truyện ngắn năm 2003 do Tạp chí Tài hoa trẻ (Báo Giáo dục&Thời đại) trao cho truyện ngắn “Nhật thực”.

Và năm 2007, truyện ngắn “Cây chủ” được giải B cuộc thi Bút ký và truyện ngắn về đề tài nông nghiệp và phát triển nông thôn, do Bộ NN&PTNT tổ chức. Nhà thơ Phạm Hồng Oanh “bật mí” về thể loại truyện ngắn, cô cho biết: Sắp tới đây sẽ in tập truyện ngắn và bút ký.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ