Bài thơ đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21/9/1941:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
Theo dòng lịch sử, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hằng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go, ác liệt nhất nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ lo lắng, đấu tranh cho nền độc lập dân tộc mà Người còn quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đây luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Bác. Sự quan tâm đặc biệt đó bắt nguồn từ tầm nhìn xa, trông rộng “Vì lợi ích trăm năm” - chiến lược con người, Bác đã dày công vun trồng thế hệ mầm non của đất nước.
Và Bác đã làm một tấm gương mẫu mực trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hết lòng chăm sóc và dạy dỗ lớp “mầm non” của Tổ quốc. Bác từng nói: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Anh chị em giáo viên mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo...”.
Bác nhấn mạnh “Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”. Đó quả là lời dạy sâu sắc.
Bác ví trẻ em như “búp trên cành”. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành sum suê trong tương lai nhưng dễ bị gãy, bị tổn thương nên phải nâng niu, chăm sóc. Nhưng “búp trên cành” cũng là thời điểm dễ uốn nắn, giáo dục nhất. Cha ông ta cùng từng dạy “Uốn cây từ thuở còn non/ Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”.
Người luôn đề cao vai trò giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, nền tảng của những công trình tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, do vậy, phải giáo dục các cháu trở thành “những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”, “những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”. Bác yêu cầu giáo dục trẻ em toàn diện “không những có tri thức phổ thông, mà phải có đạo đức cách mạng”.
Về phương pháp giáo dục, Người nói dạy trẻ em học “phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn”. “Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học”…
Ảnh minh họa: ITN |
Cùng tư tưởng ấy, Plato cũng từng nói: “Đừng ép trẻ học bằng sự bắt buộc hay hà khắc mà hãy hướng trẻ học bằng điều thu hút tâm trí trẻ, để bạn có thể phát hiện tốt hơn năng khiếu đặc biệt của trẻ”. Rabelais cũng từng nhấn mạnh: “Một đứa bé không phải là một chiếc lọ hoa để đổ cho đầy mà là một ngọn lửa cần được thắp sáng”.
Khi coi trẻ em là chiếc lọ hoa, người lớn sẽ chỉ tìm cách đổ đầy nước vào trong đó và làm theo những điều họ cho là phải. Khi coi trẻ em là ngọn lửa, người dạy sẽ nhóm và truyền lửa cho các em, có nghĩa là để các em được thể hiện bản thân, được trải nghiệm để trưởng thành. Câu nói là lời khuyên mọi người trong gia đình, nhà trường và xã hội cần phải có cách giáo dục trẻ em đúng cách để các em có được điều kiện tự phát triển.
Vào dịp kỷ niệm tròn 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam có đề nghị Bác viết một bức thư gửi cho thiếu niên, nhi đồng trên toàn quốc. Hồ Chủ tịch đã viết một bức thư dành cho thiếu niên, nhi đồng trên cả nước và trong nội dung bức thư này có 5 điều Bác Hồ dạy:
“Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm”.
Cho đến ngày sắp đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người vẫn hai lần nhắc đến thế hệ “Mầm non” - những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác muốn để lại “muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng” và Bác gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm, tình cảm yêu thương của Người đối với trẻ em, những mầm xanh tương lai của đất nước và những lời căn dặn của Người sẽ mãi là những bài học, những định hướng, kim chỉ nam cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Và hơn mấy thập kỷ qua, những lời thơ, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị.
Trong giai đoạn cách mạng 4.0 hiện nay, chúng ta càng phải coi trọng, thực hiện tâm niệm của Người là làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục các cháu. Chúng ta cần kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất để giúp các cháu học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Vì đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, “vừa hồng vừa chuyên” trong hiện tại và cả tương lai thế hệ trẻ sẽ đáp ứng nguồn nhân lực phát triển đất nước trong thời đại mới, góp phần công sức, trí tuệ và bản lĩnh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng non sông, Tổ quốc Việt Nam, để đất nước ngày càng “Đàng hoàng, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.