Trên một diễn đàn giáo dục mới đây, một thành viên đã đăng tải bài thơ có tên "Khi mẹ là giáo viên" với từng câu chữ vô cùng xúc động . Những thiệt thòi của người con cũng là trăn trở của người mẹ khi theo sự nghiệp giáo dục nên bài thơ nhanh chóng được chia sẻ vì "như nói hộ lòng mình" của hầu hết giáo viên.
|
Trích dẫn bài thơ "Khi mẹ là giáo viên":
Mẹ chẳng bao giờ có được niềm vui
Đưa con đến trường những ngày quan trọng nhất
Khi con có niềm vui cũng là khi mẹ bận
Con luôn thiệt thòi khi có mẹ giáo viên.
Buổi tựu trường khai giảng đầu tiên
Mẹ thương con lắm nhưng cũng thôi đành chịu
Áo mới vở thơm con vẫn thường nũng nịu
"Mẹ đưa con đến trường, nay buổi học đầu tiên"
Con lớn dần con cũng hiểu mẹ hơn
Biết mẹ bận nên chẳng hề đòi hỏi
Con biết tự lo toan, con dần cứng cỏi
Vẫn thui thủi đi về khi không có mẹ ở bên.
Con thiệt thòi khi có mẹ giáo viên
Sớm, chiều, tối công việc bề bộn lắm
Sẽ không có mẹ suốt một thời áo trắng
Bởi mẹ không thể ở bên con cả những lúc con cần.
Nhưng con có mẹ như một người bạn thân
Mẹ không tuổi trong cuộc đời đèn sách
Mẹ sẽ bên con cùng con vượt qua thử thách
Và mãi yêu con đến trọn cuộc đời mình.
Chia sẻ cảm xúc về bài thơ này, một cô giáo bày tỏ: "Vẫn luôn thấy có lỗi với con mình, vì mẹ mải công việc ở trường ở lớp để rồi lúc về đến nhà đã khàn hơi, khản tiếng, nên lúc dạy con không còn đủ kiên nhẫn như với học trò mình. Thấy thương con ghê".
Một ý kiến khác: "Mẹ bắt buộc phải kiên nhẫn với học sinh, nhưng với con thì đòn roi liên tục. Nhiều khi còn trút giận lên cả con. Khổ thân con khi có mẹ là giáo viên".
Hay một câu chuyện khá xúc động về ngày khai giảng của con: "Ngày tựu trường, lần đầu tiên con vào lớp 1, mẹ không đưa con đến trường, không được nhìn nét mặt ngây ngô, ngộ ngĩnh của con trong ngày tựu trường.
Mình vẫn nhớ ngày khai giảng đầu tiên thời tiết nắng oi, con dự khai giảng xong nóng quá không chịu được thế là òa khóc. Bố đưa con đi khai giảng thấy vậy bế con vào lớp quạt lấy quạt để và dỗ dành con.... Bây giờ đọc bài thơ này thương con quá".
"Mình thì tối nào cũng nghe câu hỏi quen thuộc của con "Mẹ xong việc chưa? Ôm con một tí","Tối nay mẹ phải làm việc không ạ?". Thậm chí còn một cô giáo khác buồn bã khi con học đến lớp 4 mà mẹ chưa lần nào đi họp phụ huynh cho con.
Một cô giáo gửi lời tâm sự tới tác giả: "Đọc bài thơ, chị hoàn toàn đồng cảm với em bởi con chị, cũng là con của cô giáo em ạ! Trong từng câu, từng chữ em gói những sự việc trang trải qua trang thơ, chị thấy như đâu đó phảng phất bóng dáng của mình, rồi cả con chị nữa , nhất là những câu con có ý vòi vĩnh mẹ để được mẹ chăm sóc, giờ nghĩ lại sao mà thương , sao mà tội cho các con quá em nhỉ!
Lúc đó, chị cứ chạy theo công việc bằng trách nhiệm, bằng bổn phận đối với nhà trường, đối với học sinh. Còn với con, cứ nghĩ lo cho chúng có cái ăn, cái mặc, các con có đời sống vật chất tương đối là mình an tâm rồi.
Giờ suy nghĩ, thấy như thế là chưa đủ bởi vượt lên trên tất cả, các con cần được mẹ vuốt ve chăm sóc về mặt tinh thần. Càng thương các con hơn, trong hoàn cảnh vậy, vẫn không nửa lời trách cứ mẹ, đôi lúc lại nhìn mẹ bằng ánh mắt đồng cảm chia sẻ…".
Bài thơ ban đầu được cho là của tác giả Le Cao, cô giáo cấp 1 ở Bình Định đăng lên mạng vào ngày 18/11/2014 do giáo viên này ghi tên mình và có những bình luận gây hiểu lầm.
Bài thơ được cô giáo Thanh Hồng sáng tác ngày 5/11/2007. |
Tuy nhiên, sau khi bài thơ được chia sẻ rộng rãi, tác giả thật của "Khi mẹ là giáo viên" mới được... lộ diện. Đó là cô giáo Lê Thanh Hồng, giáo viên Ngữ Văn, hiện là hiệu phó trường THCS Thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Theo chia sẻ của cô giáo Thanh Hồng, bài thơ được cô viết tặng cho con gái đầu của mình là Nguyễn Lê Huyền Trinh vào năm 2007. Cô Hồng xúc động kể lại nguồn gốc bài thơ, khi đó, Huyền Trinh đang học lớp 5 và bé tham gia Cuộc thi Tiếng hát măng non thành phố.
Con gái nhõng nhẽo đòi mẹ đưa đi thi nhưng cô Hồng bận việc ở trường nên chỉ đưa con đến nhà bạn của con để đi cùng. Đến lúc xong việc ở trường, cô vội chạy đến và vô cùng vui mừng khi con giành giải nhì phần thi đơn ca dân ca (không có giải nhất).
Tuy nhiên, tiết mục của Huyền Trinh dù giải cao nhưng lại không được chọn đi công diễn khiến bé khóc nức nở ngay tại hội trường. Chị an ủi con nhưng rồi chính mình lại không kìm được nước mắt khi được nghe giải thích “Con muốn biểu diễn cho mẹ xem”.
Cảm xúc đó là cảm hứng để khi về nhà chị viết nên bài thơ này. Chia sẻ đến đây, cô giáo Thanh Hồng lại bật khóc vì nghĩ thương con. Giờ Huyền Trinh đã là nữ sinh lớp 12, chuẩn bị thi đại học.
Cô Hồng tiết lộ thêm, năm 2009, trường THCS thị trấn Kỳ Sơn kỷ niệm 15 năm thành lập và bài thơ này được đăng trong cuốn sổ lưu niệm của trường. Đặc biệt, những lời thơ trong bài “Khi mẹ là giáo viên” được cô Hồng chia sẻ lên trang cá nhân của mình ngày 5/9/2014 đã nhận được hàng trăm lượt yêu thích và chia sẻ.