'Nói với con': Bài thơ dung dị mà xúc động vô ngần

GD&TĐ - Lòng yêu thương con, tình yêu quê hương xứ sở, tình cảm riêng chung gắn kết; ước mong thế hệ sau tiếp nối xứng đáng, phát huy truyền thống cao đẹp của các thế hệ đi trước… vốn là tình cảm đẹp của con người Việt Nam từ bao đời nay. “Nói với con” cũng nằm trong cảm hứng dạt dào, mênh mông ấy nhưng Y Phương đã có cách nói, cách thể hiện mang màu sắc riêng, tạo sức hấp dẫn và niềm xúc động chân thành.

Đi từ tình cảm gia đình, bài thơ dẫn dắt người đọc đến tình cảm quê hương với hình ảnh của người đồng mình nơi núi rừng vùng cao nghèo khó. Ảnh minh họa: Nguồn IT
Đi từ tình cảm gia đình, bài thơ dẫn dắt người đọc đến tình cảm quê hương với hình ảnh của người đồng mình nơi núi rừng vùng cao nghèo khó. Ảnh minh họa: Nguồn IT

1.

Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, trong sáng với cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi. Bài thơ Nói với con được sáng tác vào năm 1980 thể hiện rõ nét vẻ đẹp của hồn thơ Y Phương.

Bài thơ được kết cấu dưới dạng lời của một người cha nói với con. Cha nói về gia đình, về quê hương bao gồm thiên nhiên núi rừng và cuộc sống cũng như vẻ đẹp của người đồng mình. Vì thế, lời thơ là lời thủ thỉ tâm tình, giọng điệu thiết tha, trìu mến đi thẳng vào lòng người, để lại bao dư vị, dư âm xao xuyến, vấn vương.

Nét đặc sắc của thi phẩm là ở chỗ, mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình.

Bài thơ được bố cục thành hai đoạn. Ở đoạn một, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Đoạn hai là niềm tự hào về vẻ đẹp người đồng mình, từ đó bộc lộ niềm mong muốn, lời dặn dò người con trên đường đời. Với kết cấu này, bài thơ đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những tình cảm thân thương, kỉ niệm ấm áp mà nâng lên lẽ sống, triết lí sống nhân văn.

2.

Không hô to, gọi lớn, không hoa mĩ, lắm lời… Nói với con của Y Phương dẫn dắt người đọc vào không gian miền núi, với tất cả nét hoang sơ, hoang dại nhưng lại khơi gợi, gọi về cả một miền yêu thương, tha thiết như chính tấm thổ cẩm gấm hoa, bền bỉ…

Con lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm sóc, nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Bốn câu thơ mở đầu ngắn gọn với các hình ảnh cụ thể, Y Phương đã vẽ lên một bức tranh gia đình với không khí ấm áp, quấn quýt, hạnh phúc. Gia đình – cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người, ở đó có bước chân chập chững đầu đời, tiếng bi bô tập nói của con trẻ, có cha, có mẹ, có tiếng cười ngập tràn niềm vui. Con được lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, trong sự nâng đón và mong chờ của cha mẹ. Từng bước đi, từng giọng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, mừng vui đón nhận.

Nhà thơ Y Phương.

Nhà thơ Y Phương.

Bốn câu thơ dùng các từ đối xứng nhau tạo nên những từ ghép thể hiện sự sum họp, đoàn viên, ấm cúng: Phải trái, cha mẹ, nói cười. Cảm giác Y Phương làm thơ rất tự nhiên, không hề sắp đặt… nhưng lại gợi những liên tưởng, hàm chứa bao ẩn ý sâu xa. Từ phải và trái trong hai câu thơ đầu không chỉ là danh từ (chân phải, chân trái), mà đó còn là tính từ (cha mẹ dạy cho con những điều hay lẽ phải, bày vẽ cho con biết phân biệt phải, trái, đúng, sai). Và cứ thế con lớn lên dưới mái nhà thân thương đó…

Những câu thơ tiếp theo của đoạn một nói về vẻ đẹp của quê hương. Con được trưởng thành trong cuộc sống lao động sinh hoạt từng ngày, trong thiên nhiên và nghĩa tình của quê hương, dân tộc. Cuộc sống lao động cần cù, tươi vui của người đồng mình được Y Phương gợi lên qua các hình ảnh giản dị nhưng rất đẹp, rất thơ: Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát. Các động từ đan, cài, ken vừa có nghĩa cụ thể, vừa chỉ sự gắn kết, quấn quýt, hài hòa giữa thiên nhiên với con người…

Rừng núi quê hương thật thơ mộng và nghĩa tình. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng, vun đắp cho mỗi người con cả về thể xác lẫn tâm hồn, lối sống. Từ cho trong câu thơ Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng đã thể hiện rõ điều đó. Y Phương nói về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người bằng những vần thơ đậm đà lòng biết ơn thấm thía. Gia đình, quê hương ấm áp, nuôi dưỡng, chở che, tiếp sức để mỗi người không ngừng lớn khôn và trưởng thành. Gia đình và quê hương là bến bờ, cội nguồn, là gốc rễ. Ý thơ của Y Phương vì thế mà vừa dung dị, vừa sâu xa vô ngần.

3.

Đi từ tình cảm gia đình, tình cảm quê hương, bài thơ dẫn dắt người đọc đến với hình ảnh của người đồng mình nơi núi rừng vùng cao nghèo khó.

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông, như suối

Lên thác, xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

Bằng những vần thơ tự nhiên, mộc mạc trong lối diễn đạt, nhà thơ đã khắc họa sinh động chân dung của người đồng mình. Họ là những người sống ở vùng cao, vùng đá núi. Cuộc sống vật chất thiếu thốn, khó khăn. Họ lam lũ, tảo tần. Y Phương miêu tả dáng hình của người lao động miền cao qua lối nói ẩn dụ thô sơ da thịt. Ngoại hình ấy, vóc dáng ấy bé nhỏ, chân chất, bình dị, không được đẹp nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con. Ở đây, nhà thơ sử dụng lối nói tương phản đối lập giữa bên ngoài và bên trong, dáng điệu và ý chí, ngoại hình và phẩm chất, tâm hồn… để từ đó khẳng định những đức tính cao đẹp của người đồng mình.

Người đồng mình mộc mạc, chất phác, sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ, bản lĩnh, kiên cường. Người đồng mình chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó; có sức sống mãnh liệt, sống tự do, tự nhiên, giàu niềm tin và rất lạc quan. Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc. Họ có thể thô sơ da thịt nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Đọc Nói với con, thật ấn tượng với những câu thơ Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát và Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời. Người lao động nơi rẻo cao, dù chân chất mà có tâm hồn nghệ sĩ, đôi bàn tay khéo léo, tài hoa. Họ trân trọng kỉ niệm đẹp, sống nghĩa tình son sắt. Chính những con người như thế, bằng sự lao động cần cù, nhẫn nại hằng ngày, đã làm nên quê hương, làm giàu gia tài văn hóa dân tộc; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tốt đẹp của quê hương mình. Chữ tự trong câu thơ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương trở thành nhãn tự của bài thơ. Tự là tự hào, tự tôn, tự lực, tự lập, tự chủ, tự do, tự tin… trong lối sống và trên đường đời của người đồng mình.

Cả bài thơ là lời tâm tình, trò chuyện của người cha đối với con. Từng lời thơ thấm đượm tình cảm yêu thương trìu mến, thiết tha, niềm tin tưởng của người cha dành cho người đồng mình và cả cho đứa con yêu. Từ những vẻ đẹp đức tính của người đồng mình, người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thủy với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí, bằng niềm tin của mình. Người cha nhắc nhở và mong muốn con luôn biết tự hào, trân trọng và kế tục truyền thống cao đẹp của quê hương; sống xứng đáng với cội nguồn sinh dưỡng, tự tin, vững bước trên đường đời.

Bài thơ đi vào lòng người một cách dung dị mà xúc động bởi được viết theo thể thơ tự do với bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên; ngôn ngữ giản dị, lối nói và cách tư duy giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát và giàu chất thơ. Giọng điệu thiết tha, trìu mến với nhiều câu thơ là lời gọi mang ngữ điệu cảm thán: Con ơi, nghe con… Các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ tạo hiệu quả thẩm mĩ cao.

Nói với con là nói với lòng mình, nói với quê hương, dân tộc, nói với bạn đọc bao thế hệ về tình cảm gia đình ấm cúng, về truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Qua những vần thơ mang vẻ đẹp hồn thơ miền núi đó, Y Phương giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Cả bài thơ là lời tâm tình, trò chuyện của người cha đối với con. Từng lời thơ thấm đượm tình cảm yêu thương trìu mến, thiết tha, niềm tin tưởng của người cha dành cho người đồng mình và cả cho đứa con yêu. Từ những vẻ đẹp đức tính của người đồng mình, người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thủy với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí, bằng niềm tin của mình. Người cha nhắc nhở và mong muốn con luôn biết tự hào, trân trọng và kế tục truyền thống cao đẹp của quê hương; sống xứng đáng với cội nguồn sinh dưỡng, tự tin, vững bước trên đường đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ