Một bài thơ có ích

GD&TĐ - Hồi ấy là những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ trước. Những năm tháng khó khăn nhất của đất nước sau chiến tranh. 

Một bài thơ có ích

Người dân đa số phải ăn cơm độn, ăn bo bo. Giáo viên bị nợ lương. Nợ tiền phụ cấp kéo dài, nhiều người phải bỏ việc dù yêu nghề.

Chúng tôi chia nhau đi về các địa phương viết về chủ đề đời sống giáo viên, về những gương vượt khó bám bục giảng. Trên báo ngành (lúc bấy giờ mang tên là báo Người giáo viên nhân dân) xuất hiện nhiều bài về các chính sách của địa phương, các mô hình tốt chăm lo đời sống giáo viên. 

Nhưng nhiều hơn là các phóng sự điều tra về chuyện giáo viên bị nợ lương, nợ tiền, không được giải quyết các chính sách Nhà nước dành cho họ.

Trong một lần đi công tác ở tỉnh Sông Bé (sau này chia thành Bình Dương và Bình Phước), tôi tham gia một đoàn nhà báo thăm một công ty cao su lớn, đang được coi là điển hình tiên tiến của tỉnh, của ngành cao su. 

Ông giám đốc công ty, sau một chầu chiêu đãi cơm trưa, có bia Sài Gòn (hồi đó là rất sang) đích thân đưa đoàn đi thăm một nông trường trực thuộc công ty.

Giữa rừng cây cao su xanh tốt, chạy dài hàng chục cây số, chúng tôi đòi ghé thăm một điểm trường tình cờ thấy ở bên đường; để xem thực tế loại hình trường do nông trường xây dựng cơ sở vật chất, trả lương giáo viên dạy cho con em công nhân ra sao.

Những gì được chứng kiến trong cuộc “tham quan ngoài kế hoạch” ấy làm tôi rất bức xúc. Hình ảnh cô giáo không có bàn ghế ngồi, học trò mỗi em một ghế xếp nhỏ mang từ nhà đi kê làm bàn, ngồi sụp xuống đất viết, trong làn bụi đất đỏ miền Đông Nam Bộ cứ ám ảnh tôi mãi. 

Hồi ấy, cũng có không ít lớp học như thế ở các vùng sâu, vùng xa. Nhưng điều đáng buồn nhất là trong lớp ấy lại có một bộ bàn ghế loại lớn, đẹp và vững chãi…

Về Sài Gòn, thay vì viết một bài báo, không hiểu sao tôi lại làm một bài thơ – có lẽ vì nhiều xúc cảm quá. Bài thơ ấy gần ba chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ đinh ninh.

Cuối bài thơ, tôi ghi rõ tên nông trường và ngày tháng hôm đi tham quan. Bài thơ được đăng. Hai tuần sau, ở Sài Gòn, tôi nhận được điện thoại của chị Nguyễn Thị Nho - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Sông Bé báo tin vui: Sau khi báo ra, Ban giám đốc công ty đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các nông trường, bàn về việc đầu tư cho giáo dục. 

Một quyết định được đưa ra: Xây dựng lại các điểm trường mà báo ngành Giáo dục nêu. Tôi rất mừng vì một bài thơ – mà tôi cho là không hay, đã có ích. 

Có lẽ vì bài thơ ấy phản ánh được một thực tế bức xúc. Nhưng điều quan trọng hơn, là nó đã được đăng trên tờ báo ngành thân yêu của chúng ta, nên tạo được một áp lực dư luận, khiến những người lãnh đạo vốn chỉ quan tâm đến thành tích về kinh tế phải nghĩ lại…

Chuyện ghi ở nông trường

Xe băng giữa bạt ngàn cao su

Ông giám đốc khoát tay, hơi men còn lựng mặt:

Lô này mới trồng năm trước!

Những hàng cây mướt lá xanh…

Xe ghé thăm lớp nhỏ ven đường

Dưới mái tôn hầm hập

Mấy chục đứa trẻ bò xoài

Đất đỏ lem trang vở trắng.

Cô giáo gầy so vai

Giáo án đặt ngay trên bục đất

Choán giữa lớp một bộ bàn duy nhất

Nhấp nhô dăm em ngồi.

Nghe hỏi, không nhìn tôi

Cô giáo gạt mồ hôi:

Bộ bàn ấy trên công ty gửi xuống

Ưu tiên cho con lãnh đạo nông trường.

Xe lại chạy, gió lại lùa mát rượi

Mắt tôi nhìn bỗng nắng rưng rưng

Ông giám đốc lại nói cười vui vẻ

Lớp học chìm trong bụi đỏ nhòe đường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.