Nâng chất môn tiếng Anh: Phản ánh đúng thực tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm qua, điểm số môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn nằm ở mức thấp.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: INT

Theo TS Vũ Thị Phương Anh, giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, sự phân hóa về điều kiện dạy và học là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Phân hóa về điều kiện dạy và học

- Vì sao nhiều năm qua, kết quả môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn nằm ở mức thấp?

- Điểm số môn Tiếng Anh năm nay cũng như mọi năm đã phản ánh khá đúng thực tế dạy và học Tiếng Anh tại Việt Nam. Thực tế đó là trình độ Tiếng Anh của cả thầy lẫn trò hiện nay không đồng nhất, nói đúng hơn là có sự phân hóa rất rõ về điều kiện dạy và học.

Chúng ta cần nhớ rằng, học ngoại ngữ chỉ hiệu quả khi người học có cơ hội tiếp cận và sử dụng thường xuyên với ngôn ngữ ấy ngoài nhà trường. Vì vậy, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…, do có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với Tiếng Anh (như sách báo, tài liệu phim ảnh, tiếp xúc với người bản ngữ và trực tiếp sử dụng Tiếng Anh) nên mặt bằng nhìn chung đã tăng lên đáng kể. Thậm chí, đề thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh khá dễ đối với nhiều thí sinh.

Mặt khác, ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, ngay cả việc bảo đảm tối thiểu chất lượng dạy và học Tiếng Anh theo yêu cầu của chương trình hiện hành vẫn còn rất khó khăn, do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội tại những nơi này.

Một nguyên nhân khác là chúng ta đang sử dụng giáo trình du nhập do người bản địa biên soạn. Phương pháp và ngữ liệu của giáo trình nhập có thể chính xác và chất lượng hơn giáo trình do người Việt Nam biên soạn. Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa nên người dạy lẫn người học sẽ cảm thấy xa lạ, thiếu gần gũi. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Ngoài ra, hiện nay tồn tại hai nhóm đối tượng là học sinh theo học chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm và hệ 7 năm. Giữa hai hệ học này có sự chênh lệch về năng lực nên nếu sử dụng chung một đề thi tốt nghiệp THPT cho cả hai hệ thì phổ điểm sẽ lệch về bên trái, có nghĩa là phía điểm thấp.

Theo tôi những điểm liệt hoặc điểm thấp dưới trung bình của môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm là điều chúng ta nên chấp nhận để tìm hiểu nguyên nhân và cải thiện với một kế hoạch dài hơi. Chúng ta không nên quá tập trung vào việc thay đổi cách ra đề thi để mang lại một “phổ điểm đẹp”. Điều đó sẽ là vô nghĩa nếu chất lượng dạy và học chưa thực sự được cải thiện.

- Tiến sĩ đánh giá như thế nào về cách dạy và học Tiếng Anh của giáo viên và học sinh Việt Nam hiện nay?

- Cách học và dạy Tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay, không nói đến những thành phố lớn và các trường chuyên - nơi có đầy đủ điều kiện thuận tiện cho việc dạy - học, kể cả môi trường sử dụng Tiếng Anh và giao tiếp với người bản ngữ, đa số vẫn theo phương pháp truyền thống và có thể nói là lạc hậu. Đó là nhấn mạnh từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu; ngữ liệu được cung cấp chủ yếu là ngôn ngữ viết, ít chú trọng ngôn ngữ nói và khả năng sản sinh ngôn ngữ (gồm nói và viết).

Điều này trước hết vì giáo viên cũng được đào tạo theo phương pháp như vậy. Do đó, thầy cô giảng dạy chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó, phương pháp này tiếp tục được duy trì bởi cách thi cử của chúng ta chưa thay đổi. Cấu trúc đề thi tập trung vào ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu được trình bày dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm.

Học sinh chưa có cơ hội thể hiện kỹ năng nói và viết. Riêng phần phát âm cũng chỉ là hình thức chọn cách phát âm đúng… trên giấy. Tất nhiên, việc tổ chức thi cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) trong kỳ thi quốc gia tập trung trong điều kiện hiện nay là bất khả thi. Nhưng cũng vì thế mà người Việt Nam nói chung còn yếu Tiếng Anh.

TS Vũ Thị Phương Anh. Ảnh: NVCC

TS Vũ Thị Phương Anh. Ảnh: NVCC

Mở rộng cơ hội thực hành Tiếng Anh

- Bên cạnh những phương pháp đổi mới dạy học của giáo viên, người học Tiếng Anh cần phải thay đổi như thế nào để học tốt môn này?

- Từ kinh nghiệm của cá nhân tôi vừa với tư cách người học và tư cách người dạy, để giỏi Tiếng Anh cần 2 bí quyết chính. Đó là, thường xuyên “đụng chạm” đến Tiếng Anh trong cuộc sống. Người học có thể tiếp cận với Tiếng Anh thông qua ca nhạc, phim ảnh, sách truyện, tin tức được trình bày bằng ngôn ngữ này.

Tiếp đó, hãy trau dồi ngoại ngữ với tâm thế học, học nữa, học mãi nhưng không phải học dồn dập, học nhồi nhét. Thay vào đó, người học cần học một cách “từ từ và đều đều”. Để duy trì sự kiên trì, hãy khơi dậy đam mê với môn học này gắn với các sở thích cá nhân.

Các bạn thích hát, hãy hát bằng Tiếng Anh. Các bạn thích xem phim, hãy xem phim nói Tiếng Anh và sử dụng phụ đề nếu cần.

- Có thể hiểu, học Tiếng Anh trong lớp không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong trường phổ thông, thưa TS?

- Không chỉ học trên lớp, người học cần có cơ hội học và sử dụng Tiếng Anh ngoài lớp học, rộng hơn là trong cuộc sống. Chúng ta có nhiều phương pháp học Tiếng Anh mà không tốn quá nhiều kinh phí.

Thầy, cô giáo hãy thường xuyên tổ chức cho học sinh giao lưu với người nước ngoài bằng Tiếng Anh. Không nhất thiết phải là người bản ngữ mà có thể là người nói Tiếng Anh, không biết tiếng Việt để xây dựng môi trường bắt buộc phải sử dụng Tiếng Anh.

Ngoài lớp học, hãy tổ chức cho học sinh kết bạn, giao lưu trực tuyến với các trường nước ngoài như các nước Đông Nam Á, tham dự Trại hè Tiếng Anh (English summer camp). Hiện, một số thầy, cô giáo đã xây dựng được lớp học “không biên giới” như mô hình dạy học Tiếng Anh của cô giáo Hà Ánh Phượng, tỉnh Phú Thọ.

Đây là cơ hội để học sinh thực hành sử dụng Tiếng Anh nhưng cũng nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ này trong cuộc sống như giao lưu và kết bạn quốc tế. Những hoạt động trải nghiệm bên ngoài lớp học vừa giúp thay đổi không khí, vừa “khuấy động” tinh thần học tập ngoại ngữ.

Tôi tin rằng, với những phương pháp sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ lớp học, khả năng Tiếng Anh của học sinh và người Việt Nam nói chung sẽ tốt lên trông thấy.

- Xin trân trọng cảm ơn TS!

Thực tế không ít người sở hữu năng lực Tiếng Anh trình độ khá và có thể sử dụng trong học tập, công việc. Đó thường nhờ phần lớn vào nỗ lực của cá nhân và sự đầu tư của gia đình. Do đó, có thể khẳng định, đầu tư của gia đình, nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của Tiếng Anh là “bệ phóng” giúp người học xây dựng môi trường và cơ hội rèn luyện, từ đó, đạt được kết quả tích cực trong môn Tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ