'Bắt bệnh' để nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh

GD&TĐ - Giáo viên (GV), cán bộ quản lý giáo dục phân tích nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả dạy học Tiếng Anh trước thực trạng điểm thi môn học này luôn thấp trong các Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh THPT tại Hà Nội tham gia Hội thảo nâng cao chất lượng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa
Học sinh THPT tại Hà Nội tham gia Hội thảo nâng cao chất lượng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa

Vì sao điểm thi Tiếng Anh chưa như mong đợi?

Dù đã nhỉnh hơn năm 2021, nhưng kết quả thi môn Tiếng Anh của học sinh (HS) Trường THPT Miềng Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) vẫn ở mức thấp (trung bình đạt 3,59 điểm). Chia sẻ nguyên nhân, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết, đầu tiên phải nói đến chất lượng thi đầu vào lớp 10 THPT nói chung, môn Tiếng Anh nói riêng quá thấp. Như năm học 2022 - 2023, tổng số 191 HS dự thi tại trường, không có em nào đạt từ điểm 5,0 trở lên; 100% thí sinh có điểm yếu và kém.

Bên cạnh đó, trường đóng trên khu vực điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (vùng 135) của huyện Đà Bắc, đa số HS là người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng trên 90%) và khả năng tiếp thu, nhận thức chậm. Trình độ GV bộ môn Tiếng Anh của nhà trường chưa đạt chuẩn C1 theo quy định ở cấp THPT, năng lực và hiệu quả trong công tác giảng dạy, ôn thi còn hạn chế. Nhà trường cũng còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của bộ môn. Một bộ phận cha mẹ HS chưa quan tâm đến việc học tập của con và chưa đầu tư cho con học tập.

Chất lượng dạy học Tiếng Anh còn hạn chế, thể hiện rõ là điểm thi tốt nghiệp THPT môn học này, theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, có cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Tại Đắk Lắk, các phòng GD&ĐT còn thiếu chuyên viên phụ trách bộ môn Tiếng Anh. GV hợp đồng môn Tiếng Anh ở tiểu học nhiều, tính ổn định công tác không cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nhiệt tình, tận tụy của thầy cô. Đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học tuy đã đáp ứng đủ về số lượng, trình độ đào tạo chuẩn, nhưng còn một bộ phận có trình độ năng lực ngoại ngữ chưa đạt chuẩn theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc.

Một số khác ngại đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là GV lớn tuổi. Chưa có chế độ, chính sách đối với GV đạt chuẩn và vượt chuẩn về năng lực ngoại ngữ; cũng như chưa có chế tài với GV đã tham gia bồi dưỡng, khảo sát nhiều lần nhưng không đạt chuẩn. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT còn có hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân mà đội ngũ GV, HS trong tỉnh ít có môi trường giao tiếp để thực hành ngôn ngữ.

Về phía người học, mục tiêu học tập của HS đối với môn Tiếng Anh vẫn nặng về khảo thí. Chương trình tiếng Anh hiện hành còn nặng về học thuật. Cơ sở vật chất tuy đã được tăng cường đầu tư nhưng mới chỉ đáp ứng một phần. Thiết bị dạy học bộ môn Ngoại ngữ cơ bản vẫn còn thiếu, nhất là với các trường vùng sâu, vùng xa, khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Là trường ở vùng thuận lợi, chia sẻ của cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, nguyên nhân điểm thi tốt nghiệp THPT Tiếng Anh thấp do rất nhiều yếu tố. Trước hết vì dịch bệnh, khóa HS năm nay học online liên tiếp 3 năm liền nên có nhiều bất lợi trong việc thu nhận kiến thức. Đặc biệt là gần đây, do các trường ĐH tuyển sinh ưu tiên IELTS nhiều nên HS đổ dồn sang học, thi để lấy chứng chỉ này. HS thi đạt IELTS sẽ chủ quan, lơ là trong học ôn thi tốt nghiệp. “Ngoài nguyên nhân khách quan, không thể phủ nhận, điểm thi thấp một phần do chất lượng dạy và học” - cô Liên cho hay.

Cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp và học trò trong giờ dạy học tiếng Anh.

Cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp và học trò trong giờ dạy học tiếng Anh.

Cần giải pháp tổng thể

Đưa giải pháp ở góc độ người dạy và ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Đinh Thị Bích Liên cho rằng, GV cần đầu tư, đổi mới hơn trong cách dạy; đầu tư hơn khi dạy học, ôn tập cho HS; không nên để gần thi mới ôn luyện. GV có thể xen kẽ các chuyên đề ngữ pháp, ngữ âm, đọc, từ vựng, bài đọc để HS học không bị nhàm chán.

“GV là người truyền cảm hứng, hỗ trợ HS trong học tập, ôn thi; nhưng quan trọng nhất để điểm thi có thể cải thiện vẫn là ý thức, sự chủ động, tự giác của HS trong học tập. Khi có sự kết hợp, cố gắng của cả thầy và trò thì kết quả mới có thể tiến bộ lên được” - cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.

Đến giai đoạn nước rút, ngoài luyện đề, GV nên chú trọng vào các dạng bài mà HS lớp mình còn yếu kém; tuỳ thuộc vào từng đối tượng để dạy chứ không phải một chương trình của khối dạy chung cho các lớp. Nhà trường, thầy cô cũng có thể kết hợp nhiều hình thức động viên HS về tinh thần, thậm chí về vật chất để các em có động lực, hăng hái học tập hơn.

Với trường đặc thù như THPT Miềng Chiềng, thầy Nguyễn Văn Minh thông tin, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV và tạo điều kiện, cử GV môn Tiếng Anh tham gia tập huấn, bồi dưỡng, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn (nhà trường hỗ trợ kinh phí).

Cùng với đó, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học còn thiếu phục vụ việc dạy và học. Tăng cường tuyên truyền tới HS, cha mẹ HS và triển khai công tác xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ việc dạy - học. Nhà trường đồng thời thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng kịp thời đối với GV, HS. Tổ chức cho cán bộ quản lý, GV được trao đổi, học tập kinh nghiệm ở những trường trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục. Đề xuất với sở GD&ĐT cử đội ngũ GV giỏi, GV cốt cán tăng cường, giúp đỡ nhà trường (nếu thiếu GV dạy theo quy định).

Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, ở góc độ quản lý ngành, ông Đỗ Tường Hiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng bổ sung GV ngoại ngữ, đặc biệt ở cấp tiểu học; bảo đảm đến năm học 2022 - 2023 có 100% HS lớp 3 được học ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018.

Quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phòng học ngoại ngữ, cơ sở vật chất nhằm tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để khuyến khích, thu hút các chuyên gia ngôn ngữ, GV người bản ngữ đến hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục trong cả nước nói chung và ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống như Đắk Lắk nói riêng.

Đối với Bộ GD&ĐT, đề xuất của ông Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh liên quan đến bồi dưỡng đội ngũ. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV giảng dạy tiếng Anh. Tăng cường hoạt động bồi dưỡng trong nước có giảng viên là người bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh và bồi dưỡng ở nước ngoài để GV có cơ hội rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh, cũng như cập nhật thông tin, kiến thức về các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.