Nâng chất lượng, đáp ứng phát triển kinh tế xanh

GD&TĐ - Với nhiều bài học kinh nghiệm từ mô hình kép của Đức, khóa đào tạo đánh dấu một bước tiến mới của Việt Nam, chứng minh được rằng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu và hiệu quả. Do vậy, mô hình này có thể được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Học viên nghề cắt gọt kim loại - CNC Trường Cao đẳng LILAMA2 nâng cao kỹ năng thực hành thông qua giai đoạn đào tạo tại Công ty Ishikawa Seiko.
Học viên nghề cắt gọt kim loại - CNC Trường Cao đẳng LILAMA2 nâng cao kỹ năng thực hành thông qua giai đoạn đào tạo tại Công ty Ishikawa Seiko.

Đồng hành với nỗ lực đột phá giáo dục nghề nghiệp, chương trình hợp tác Việt - Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, đã hợp tác chặt chẽ cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong thời gian qua, hướng tới mục tiêu “Cải thiện chất lượng GDNN để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế xanh và bền vững ở Việt Nam”.

Cơ sở chất lượng cao

Một trong những dự án hợp tác nổi bật của GIZ trong đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam là khóa đào tạo phối hợp thí điểm nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” đã kết thúc thành công vào cuối năm 2018, sau 3 năm triển khai tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TPHCM.

Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn năng lực kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Đức. Với nhiều bài học kinh nghiệm từ mô hình kép của Đức, khóa đào tạo đánh dấu một bước tiến mới của Việt Nam, chứng minh được rằng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu và hiệu quả. Do vậy, mô hình này có thể được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Cũng trong năm 2018, hai hội đồng tư vấn nghề cơ điện tử và điện tử công nghiệp và Hội đồng tư vấn nghề cắt kim loại - CNC và cơ khí xây dựng đầu tiên đã được thành lập tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, tỉnh Đồng Nai.

Với sự tham gia của đại diện từ cả ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn là mô hình tiêu biểu cho cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động GDNN.

Trong năm 2019, mô hình này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của đại diện doanh nghiệp trong phát triển tiêu chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, cũng như các khâu thực hiện và đánh giá đào tạo.

Cam kết đồng hành

TS Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình GIZ Việt Nam cho biết: Năm 2016, khi Bộ LĐ-TB&XH trở thành cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GDNN, mạng lưới gần 2.000 cơ sở GDNN đã được rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại để bảo đảm tính hiệu quả và hệ thống.

Theo Quyết định 761 sửa đổi, một số cơ sở GDNN sẽ được lựa chọn để trở thành cơ sở GDNN chất lượng cao. Chương trình hợp tác Việt - Đức đã tiếp tục xây dựng và triển khai khái niệm về Trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Quốc tế LILAMA 2, Cao đẳng Kỹ nghệ II TPHCM và Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi, Đồng Nai, cung cấp những chức năng bổ sung cho hệ thống GDNN, như bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ giảng dạy của các cơ sở GDNN khác cũng như cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp.

Nhằm khuyến khích hợp tác và đầu tư, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện các quy định và hướng dẫn pháp lý nhằm thúc đẩy một hệ thống GDNN chất lượng, nhận được sự tin tưởng của khối doanh nghiệp.

“Cùng với việc phát triển bộ công cụ xây dựng hình ảnh cho GDNN, các cơ sở GDNN đã có nhiều sáng kiến trong các hoạt động truyền thông và quảng bá hình ảnh, đặc biệt là hướng đến đối tượng nữ học viên và các nhóm yếu thế.

Hy vọng năm 2019 sẽ mang tới nhiều cơ hội và thành công mới. Chương trình “Đổi mới và Đào tạo nghề Việt Nam” cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực và đồng hành cùng các đối tác, hướng tới xây dựng một hệ thống GDNN chất lượng cho một nền kinh tế Việt Nam xanh và bền vững” - TS Juergen Hartwig nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam”, hợp tác với khối doanh nghiệp luôn là chủ đề trọng tâm. GIZ và Tổng cục GDNN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác doanh nghiệp, mở ra cơ hội hợp tác với khối doanh nghiệp trong thời gian tới, trong đó có việc doanh nghiệp tham gia phát triển tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo, đào tạo nghề tại doanh nghiệp cũng như quá trình đánh giá và cấp chứng chỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.