Ngày 7/10, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái tại Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu).
Đây cũng là địa phương miền núi cao của tỉnh Nghệ An, nơi có phần lớn người dân tộc Thái sinh sống. Những năm qua, tình trạng tảo hôn, học sinh nghỉ học giữa chừng lấy chồng lấy vợ vẫn xảy ra. Đặc biệt là ở độ tuổi THCS và THPT.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Chi cục Dân số - KKHGĐ cũng nêu bật những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc trẻ em gái trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác chăm sóc, bảo về trẻ em gái cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là đối tượng đang phải đối diện với nhiều nguy cơ như xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Mặt khác, trẻ em gái còn đối diện với nguy cơ bạo lực cả thể chất lẫn tinh thần, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tại đây, nhiều gia đình vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, hoặc tồn tại hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Ngoài ra, bạo lực trên cơ sở giới còn thể hiện ở tình trạng nạo, phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng như hiện nay. Theo dự báo, sau 20 năm nữa, sẽ có 2,3 – 4 triệu nam thanh niên khó có khả năng lấy được vợ.
Để giải quyết những vấn đề thách thức đang đặt ra đối với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em gái, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, tăng cường công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em gái. Phê phán, lên án và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em gái vào hoạt động phạm pháp.
Đặc biệt, nêu cao vai trò tham gia của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gái; ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa.
Lễ kỷ niệm ngày trẻ em gái (11/10) năm nay với chủ đề "Dịu dàng con gái – Chắp cánh ước mơ" còn lồng ghép chương trình truyền thông giao lưu về tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe vị thành niên. Trong đó trọng tâm là kiến thức về bảo vệ sức khỏe bản thân, bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình cho học sinh bậc THCS tại huyện Quỳ Châu.
Các em học sinh cũng có cơ hội thể hiện quan điểm, suy nghĩ, hiểu biết của mình về quyền bình đẳng giới qua các hoạt động sân khấu hóa, vẽ tranh, thuyết trình...
Thông qua chương trình giao lưu, trao đổi nhằm động viên, khuyến khích trẻ em gái tự tin, vươn lên thực hiện quyền bình đẳng trong tương lai. Nâng cao nhận thức nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên và người dân về giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái.
Từ thay đổi nhận thức đến chuyển đổi hành vi tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.